Sẽ không còn những căn nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường của Hà Nội
Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang tồn tại trên các tuyến đường mở rộng dù Hà Nội liên tục có những giải pháp xử lý. Nguyên nhân của tình trạng này là do giữa người dân và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung về giải quyết đền bù.
Đây là vấn đề nhức nhối ở các thành phố lớn, khi người dân chỉ có thể sinh sống trong những ngôi nhà vỏn vẹn khoảng 15m2. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị , mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân khi diện tích quá nhỏ hẹp khiến kết cấu của những ngôi nhà này không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND, chính thức có hiệu lực từ ngày 7/10/2024, đưa ra những quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, những trường hợp không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở, thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m.
Đồng thời, những thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được cấp phép tách thửa cũng không đủ điều kiện tồn tại.
Bên cạnh đó, đối với đất khác, sau khi thu hồi, thửa đất có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50m2 cũng sẽ không được phép tồn tại.
Căn nhà siêu mỏng tại Hà Nội - Ảnh: Internet |
Ngoài ra, điều kiện hợp thửa đối với những mảnh đất không đủ điều kiện tồn tại cũng được UBND TP quy định cụ thể. Thời gian thực hiện hợp thửa đất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp kể từ ngày Thông báo thu hồi đất được UBND cấp huyện ban hành.
Trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện hợp thửa đất hoặc người dân không có nhu cầu, thỏa thuận hợp thửa đất không thực hiện được, UBND cấp huyện sẽ tiến hành thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo đúng quy định của pháp luật.
Việc giải quyết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở thành phố lớn không dễ dàng khi có nhiều Chỉ thị, Kế hoạch được ban hành để giải quyết nhưng hiệu quả vẫn không đáng kể. Tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới, những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông vẫn tồn tại, làm mất mỹ quan đô thị.
Theo Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang trở thành chủ đề “nóng” dù đã có hành lang pháp lý, một phần là do chính quyền địa phương thiếu sự kiên quyết trong quá trình thực hiện, xử lý; phần khác do các quy định của pháp luật hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn còn khá chung chung.
Ông Nghiêm cho biết thêm chính sách về giá và mức đền bù cụ thể vẫn chưa rõ ràng. “Trong khi không có chính sách về giá để thu hồi, đền bù cụ thể, tại một số tuyến đường khi có thiết kế đô thị, các thiết kế gợi ý đối với mảnh đất mỏng, méo để người dân thực hiện cũng hầu như không có nên nhiều mảnh đất chỉ hơn 1m2 cũng không thể xử lý”, ông Nghiêm nói.
Chia sẻ với PV Lao Động hồi đầu năm nay, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội , ông Nguyễn Thế Điệp cho biết, "Nhiều gia đình cực chẳng đã nên họ phải bám trụ, duy trì cuộc sống ở những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo tôi, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đặt mình vào vị thế của người dân để tìm ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các bên, như vậy mới xử lý dứt điểm tình trạng nhà siêu nhỏ, siêu méo tồn tại ở Thủ đô”.
Ông Điệp nhận định, những ngôi nhà này tồn tại nhiều năm ở Hà Nội không chỉ làm nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn không đảm bảo an toàn, không phù hợp cảnh quan, tiềm ẩn nhiều rủi ro về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, ông Điệp đưa ý kiến để chấm dứt tình trạng này ở các đô thị lớn. “Để xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo, các nhà quản lý có thể cân nhắc, đền bù cho người dân thỏa đáng, đưa người dân về khu tái định cư phù hợp để họ có điều kiện đảm bảo cuộc sống sau này", ông Điệp nói.