Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Dở - hay chuyện người trong cuộc

21-01-2022 08:02|Ba Lỗ

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhà đầu tư cá nhân chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua.

Doanh nghiệp trong nước có thể bị tụt lại

Dự thảo Nghị định 153 của Bộ tài chính mới đây đã bổ sung sửa đổi một số điều nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thị trường trái phiếu một mặt để thị trường tiếp tục phát triển bởi đây là một kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp, một mặt thiết kế các điều khoản để giảm thiểu những rủi ro, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đảm bảo an toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, một số quy định mới mà dự thảo Nghị định 153 đưa vào sẽ làm khó doanh nghiệp thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, tại Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 153 có đề cập: Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Bình luận về quy định này tại Đối thoại chuyên đề "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định, trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp. Đây cũng là thông lệ trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp được quyền góp vốn vốn đầu tư, không cho huy động để mua vốn là hạn chế quyền của doanh nghiệp.

btcc.png
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).

"Bản thân nếu mình làm vậy thì suy luận sâu một tí là sẽ làm cho doanh nghiệp yếu đi so với doanh nghiệp nước ngoài", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Làm thế nào để quản lý phát hành trái phiếu sử dụng vốn của doanh nghiệp an toàn đảm bảo hợp lý nhưng vẫn cho phép các doanh nghiệp huy động vốn đến mức độ nào?

Theo Tổng Thư ký VBMA, với ngân hàng thương mại, ta có hệ số an toàn vốn là 8%, công ty chứng khoán là vay nợ/vốn chủ sở hữu 5%. Vừa rồi Nghị định 81 có đưa ra khống chế, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà nợ/vốn chủ sở hữu quá 5 lần thì không được phép phát hành và mình phải có xếp hạng tín nhiệm. Có chăng xem xét giới hạn nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành chứ không nên đánh thẳng vào mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp nữa.

"Tôi cũng chia sẻ với Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, ban hành tất cả các chính sách. Về bản chất, trong bất kỳ chính sách nào viết ra không phải vu vơ mà có mục tiêu cụ thể. Với mục tiêu đó tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng có khẩu vị rủi ro. Không thể bắt cơ quan quản lý nhà nước làm tuyệt đối hoàn hảo được. Đồng cảm với cơ quan quản lý nhà nước, chấp nhận khẩu vị rủi ro với chính sách, đoàn kết hợp tác để xây dựng thị trường phát triển", ông Đỗ Ngọc Quỳnh.

Chồng chéo quy định khiến doanh nghiệp "ngại" phát hành

Trước đó, ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, hiệu lực vào ngày 15/1/2022.

Vấn đề đặt ra là nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng sẽ bị thu hẹp lại, vậy làm thế nào để tăng cơ sở nhà đầu tư tổ chức như quỹ mở trái phiếu, quỹ hưu trí, nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo đầu ra hay yếu tố cầu về trái phiếu cũng như nhằm đa dạng hóa kênh đầu tư cho thị trường này?

Về vấn đề này, theo ông Quỳnh, chúng ta đang đối diện với thực trạng tỷ trọng phát ra công chúng chỉ 5 - 6% khiến cho nền tảng nhà đầu tư không đa dạng hoá được. Nhiều nhà đầu tư, quỹ hưu trí, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức họ có tiêu chí và lựa chọn trái phiếu niêm yết minh bạch, thanh khoản tốt, giao dịch trên thị trường.

Vấn đề hiện nay là mở điêu kiện ra hướng doanh nghiệp phát hành ra công chúng, nếu giải quyết được thì sẽ đa dạng được nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phát hành ra công chúng đang gặp nhiều vấn đề:

Thứ nhất, muốn phát ra công chúng phải xin phê duyệt Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mà phát hành riêng lẻ thì không phải làm việc này. Quy trình xin phê duyệt Uỷ ban Chứng khoán thì theo Luật trong vòng 30 ngày sẽ trả lời như thế nào là một bộ hồ sơ đầy đủ? Như vậy, doanh nghiệp không kiểm soát được thời gian để phát hành trái phiếu dẫn đến vỡ kế hoạch kinh doanh nên để chắc thì họ chuyển sang phát riêng lẻ cho nhanh.

Thứ hai, phát hành ra công chúng niêm yết nhưng hiện nay không niêm yết được, đang có lỗi là để thực hiện niêm yết doanh nghiệp phải xin ý kiến Đại hội cổ đông làm mất nhiều thời gian doanh nghiệp.

"Tôi xin phép Uỷ ban Chứng khoán để phát hành tức là xin niêm yết rồi giờ lại bắt xin ý kiến đại hội cổ đông, làm họ không kiểm soát được thời gian nên chuyển sang phát hành riêng lẻ", ông Quỳnh nhấn mạnh.

"Chủ trương là đúng nhưng vướng mắc như vậy tôi nghĩ là khó. Và chúng tôi mong việc này được giải quyết sớm", ông Quỳnh đề nghị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói gì?

btc.png

Chia sẻ tại đối thoại chuyên đề: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/1, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 15,9% GDP là một con số rất lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý.

Hiện tăng trưởng tín dụng được điều hành một cách thận trọng hơn, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, phần thiếu hụt vốn được kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bù đắp, yểm trợ .

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh chắc chắn tiềm ẩn những rủi ro.

Theo dõi sát diễn biến thị trường từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định “bẻ lái” thị trường phát triển theo hướng tăng cường minh bạch thông tin, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu.

Đáng quan ngại, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

“Lách” ở đây không có nghĩa là sai luật, mà vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận.

“Thế nhưng nhà đầu tư cá nhân chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua”, đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ.

Bên cạnh đó, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn.

Liên quan đến chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó, các công ty chứng khoán thiếu chất lượng khi có thiên hướng xây dựng hồ sơ phát hành có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Phản hồi ý kiến về việc có thể để một vài vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, để người dân, nhà đầu tư biết thực chất đấy là rủi ro, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, không phải vì trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt mà gây mất an toàn về mặt hệ thống, nhưng điều này gây nguy hiểm khi các khoản vay trái phiếu sẽ liên thông với tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong nền kinh tế.

Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, một mặt, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, một mặt, giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn của thị trường”.

Chuyên gia Phố Tài chính: Thị trường trái phiếu ngày càng minh bạch

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nên lường trước rủi ro hệ thống giao dịch để chọn chiến lược đầu tư phù hợp

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/siet-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-do-hay-chuyen-nguoi-trong-cuoc-121794.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Dở - hay chuyện người trong cuộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH