Siêu bão đầu tiên của mùa bão 2024: San phẳng một hòn đảo sau 30 phút, dự kiến thiệt hại tăng nhanh ‘cực kỳ nguy hiểm’
Siêu bão Beryl mạnh kỷ lục đang đổ bộ vùng biển Đại Tây Dương với tốc độ lên đến 250km/h.
Siêu bão đầu tiên của mùa bão 2024, Beryl, đã mạnh lên thành bão cấp 5 - mức bão cao nhất, trở thành cơn bão cuồng phong sớm nhất ở Đại Tây Dương trong hàng chục năm qua. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ đang cấp tốc ứng phó với siêu bão này.
Bão Beryl đang phá vỡ nhiều kỷ lục khi tàn phá vùng biển Caribbean. Vào Chủ Nhật (30/6), Beryl đã trở thành cơn bão cấp 4 đầu tiên hình thành ở Đại Tây Dương vào tháng 6, sớm hơn bất kỳ cơn bão nào khác trong mùa bão từ ngày 1 tháng 6 đến 30 tháng 11 hằng năm.
Không lâu sau, Beryl mạnh lên thành bão cấp 5 khi đi qua các đảo ở phía đông nam vùng Caribbean. Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ (NHC) cho biết tính đến 24h00 GMT ngày thứ Hai (1/7), Beryl có sức gió lên tới 250 km/giờ.
Beryl đổ bộ vào đảo Carriacou vào thứ Hai (1/7), mang theo mưa lớn, gió mạnh và nước dâng cao đe dọa tính mạng người dân tại quần đảo Windward, bao gồm Grenada, St. Vincent và Martinique, trước khi tiếp tục di chuyển về phía tây.
Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell cho biết cơn bão Beryl đã san phẳng hòn đảo Carriacou trong nửa giờ, nhưng cho đến nay mới có 1 trường hợp tử vong được xác nhận.
Đường phố từ đảo St. Lucia về phía nam đến Grenada rải rác giày dép, cây cối, đường dây điện bị đổ và các mảnh vỡ bị gió thổi bay với tốc độ lên đến 240 km/giờ.
Trên khắp các đảo khác ở phía đông Caribbean, người dân đã đóng ván che cửa sổ, tích trữ thực phẩm và đổ đầy nhiên liệu cho xe khi bão đến gần. Tại đảo St. Vincent, nhiều mái nhà bị tốc và mất điện ở các khu vực khác. Một phóng viên của Reuters tại Grenada cho biết tình trạng mất điện đã xảy ra trên toàn quốc đảo.
Trung tâm dự báo bão tại Miami (Mỹ) cho biết Beryl dự kiến di chuyển về phía tây-tây bắc và đi qua gần Jamaica vào thứ Tư (3/7). Chính phủ Jamaica đã ban hành cảnh báo bão trên toàn quốc, trong khi cảnh báo bão nhiệt đới có hiệu lực ở một số vùng bờ biển phía nam của Cộng hòa Dominica và Haiti.
Theo các chuyên gia, sức mạnh của bão Beryl rất đáng kinh ngạc, từ áp thấp nhiệt đới thành bão lớn chỉ trong 42 giờ. Nhiệt độ nước ấm lên trên bề mặt đại dương, như "nhiên liệu" cho các cơn bão, đã làm Beryl mạnh lên nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù biến đổi khí hậu không nhất thiết làm tăng tổng số cơn bão mỗi năm, nhưng nhiệt độ đại dương ấm hơn sẽ làm tăng sức mạnh của những cơn bão hình thành.
*Theo AP, Reuters
>> Xảy ra 42 sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không trong 6 tháng đầu năm 
Đại hỏa hoạn sau động đất 'thiêu rụi' 100.000 người, đất đai và tài sản thảm khốc 
Động đất 3.4 độ richter ở Ninh Bình, độ sâu tiêu chấn 17km