Siêu bão thế kỷ Yagi: Khi thiên nhiên thử thách con người
Khi thiên nhiên trút giận lên mảnh đất này, chúng ta không chỉ đối mặt với sức mạnh khắc nghiệt của tạo hóa, mà còn chứng kiến tinh thần đoàn kết mãnh liệt, sự quyết tâm không ngừng nghỉ của cả cộng đồng và chính quyền trong hành trình bảo vệ sự sống, tái thiết cuộc đời.
Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với 123 cơn bão đổ bộ, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 4 cơn. Trong số đó, có 14 cơn bão được xếp vào loại rất mạnh (cấp 12 trở lên), theo số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Nhưng năm 2024, cơn bão Yagi (bão số 3) đã khiến mọi giới hạn bị phá vỡ, trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm. Sức tàn phá khủng khiếp của Yagi không chỉ làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người dân, mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản và sinh mạng.
Ngay từ năm ngày trước khi bão Yagi đổ bộ, các chuyên gia khí tượng trong và ngoài nước đã cảnh báo về sức mạnh vượt trội của cơn bão này, cho rằng nó có tiềm năng trở thành siêu bão. Chỉ 24 giờ trước khi bão đến gần bờ, các tỉnh miền Bắc đã nhanh chóng ra lệnh cấm biển và quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Hệ thống cảnh báo được kích hoạt khẩn trương, với hơn 65 triệu tin nhắn cảnh báo được gửi đến 32 triệu thuê bao ở khu vực miền Bắc. Đồng thời, hơn 588.000 cán bộ quân đội và công an đã được huy động để chuẩn bị đối phó với thảm họa thiên nhiên này.
Dọc theo các bãi biển Quảng Ninh, Hải Phòng, lực lượng chức năng luôn túc trực, tiến hành rà soát và vận động người dân sơ tán, đặc biệt là những người vẫn kiên quyết bám trụ để gia cố các bè nuôi thủy sản giữa lúc bão đang cận kề. Tuy nhiên, trước sức mạnh khủng khiếp của Yagi, cơn bão này đã vượt qua khả năng chống đỡ của con người.
Sau 15 giờ đồng hồ, cơn bão Yagi đã đi qua, những gì còn lại là một miền Bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề. Trong chỉ 3-5 ngày, các tỉnh thành miền Bắc đã hứng chịu lượng mưa lên đến 300-500mm. Đặc biệt, các khu vực miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và một số vùng khác, ghi nhận lượng mưa 400-600mm, thậm chí có những nơi mưa lên tới 700mm, vượt quá khả năng chịu đựng của khu vực này.
Yagi là cơn bão đầu tiên trong 30 năm qua đổ bộ vào Việt Nam với sức gió cấp 14, mạnh nhất từ trước đến nay, phá vỡ mọi kỷ lục. Trước đó, các cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam từng phải đối mặt đều chỉ ở mức cấp 12. Sức gió cấp 14, lên đến 185km/h, đã làm nhiều khu vực bị tàn phá nghiêm trọng, với các tòa nhà, cột điện, cây cối bị quật ngã, khiến hàng triệu người dân phải sống trong tình trạng mất điện và không có nước sinh hoạt trong nhiều ngày.
Theo Nghị quyết 143 ngày 17/9 của Chính phủ, bão số 3 đã khiến 329 người tử vong, mất tích, 1.929 người bị thương trong các trận lũ quét và sạt lở đất. Về vật chất, khoảng 234.000 ngôi nhà bị phá hủy, hư hỏng nghiêm trọng, trong đó không ít ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn. 1.500 trường học và hàng loạt công trình hạ tầng như cầu, đường, bệnh viện, chợ búa, đã bị xóa sổ hoặc chịu thiệt hại nặng nề.
Chúng ta không chỉ chứng kiến một cơn bão, mà là một thử thách không thể tránh khỏi, đòi hỏi sự đoàn kết và quyết tâm mạnh mẽ của cả cộng đồng và chính quyền để khôi phục và bảo vệ sự sống, tài sản của người dân.
Trong mắt bão, nhiều hình ảnh cảm động về tình người khi người dân sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa lúc hoạn nạn đã lan tỏa khắp Việt Nam, gây xúc động mạnh mẽ. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều bài đăng, danh sách các địa chỉ căn hộ, chung cư mini cùng số điện thoại liên hệ được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Từ Thủ đô đến vùng hải đảo, từ những hộ gia đình đến các cơ sở kinh doanh, tất cả đều cố gắng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón tiếp bà con trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ.
Một trong số đó phải kể đến tài khoản Facebook "Tạ Anh Đức" - người liên tục chia sẻ các bài đăng trên diễn đàn OFFB với mục đích thông tin đến mọi người về những địa chỉ hỗ trợ tránh trú và địa chỉ liên hệ cụ thể.
Trong bài đăng của mình, tài khoản Tạ Anh Đức viết: "Một member của Beat (mạng xã hội) đang có căn chung cư để trống 100m tại 47 Nguyễn Tuân (Hà Nội), người vô gia cư hoặc nhà không được chắc chắn, đã bị ảnh hưởng do bão đổ bộ có thể qua trú vài hôm”. Không chỉ vậy, chủ căn hộ này, chị Phương Anh còn sẵn sàng hỗ trợ chi phí di chuyển nếu người cần giúp đỡ không có phương tiện và phải di chuyển bằng taxi.
Tinh thần tương trợ không chỉ dừng lại ở những bài đăng trên mạng xã hội mà còn được thể hiện qua nhiều hành động thiết thực. Điển hình là khoảnh khắc đoàn ô tô lớn đi chậm trên cầu Nhật Tân để chắn gió cho xe máy giữa cơn cuồng phong ngày 7/9, hay hình ảnh anh công an phường Yên Sở giúp đỡ người dân neo đơn và một tài xế ô tô đã chở bà cụ liêu xiêu dắt xe đạp qua cầu về tận nhà cách đó 10km… Những hình ảnh này không chỉ chạm đến trái tim người Việt Nam như một lẽ hiển nhiên, mà bạn bè quốc tế đều cũng phải công nhận sự dũng cảm, xả thân của một đất nước hơn 100 triệu dân mãnh liệt đến nhường nào.
Khi bão qua, lũ tới, tinh thần “tương thân tương ái” của người dân trên khắp cả nước lại tiếp tục lan tỏa. Những câu chuyện ấm lòng về sự sẻ chia không ngừng xuất hiện. Từ hình ảnh các em học sinh, những cán bộ hưu trí quyên tiền tiết kiệm để giúp đỡ đồng bào, đến các chuyến xe 0 đồng chở đầy nhu yếu phẩm và tình cảm của bà con miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiến ra Bắc.
Đặc biệt, bà con tại chùa Hương còn xuyên đêm huy động thuyền bè, nhân lực tới các vùng ngập sâu như Yên Bái, Thái Nguyên... ngay trong đêm để hỗ trợ người dân di dời tài sản và người thân. Đa phần đều là những người xa lạ nhưng trong lúc nguy khó, họ tìm cách để giúp đỡ nhau vượt qua thách thức. Đây chính là ý chí, bản lĩnh và một tinh thần rất Việt Nam mà khó gì có thể đánh bại.
Bão số 3 đã được nhân dân các tỉnh miền Bắc “đón” với tinh thần cảnh giác cao độ, sự chung sức đồng lòng tuân thủ những khuyến cáo, quy định của lực lượng chức năng. Vậy nhưng, đâu đó, những nỗ lực trước sự nổi giận của thiên nhiên vẫn bất thành.
Trong những ngày tháng bão lũ hoành hành, câu chuyện của cậu bé Nguyễn Quốc Bảo đã lấy đi nước mắt cùng sự cảm thông của rất nhiều người. Vốn sống ở một “cái nôi” hạnh phúc, chỉ trong phút chốc, cậu bé 8 tuổi đã bất ngờ mất đi cả bố và em gái vì lũ dữ. Thời điểm mẹ thiên nhiên nổi giận, gia đình ba người đã di chuyển bằng xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận, tỉnh Tuyên Quang. Họ đã không may bị dòng nước xiết cuốn trôi. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, bé Bảo đã được Đại úy Lục Văn Nguyên, một cán bộ công an địa phương, dũng cảm cứu sống khỏi lưỡi hái tử thần, còn bố và em gái của em không may mắn như vậy.
Giữa cơn lũ dữ, Đại úy Lục Văn Nguyên đã không quản ngại nguy hiểm, liều mình cứu cậu bé 8 tuổi thoát khỏi cơn nguy nan. Trong câu chuyện đau thương, đầy mất mát của Bảo, chúng ta vẫn thấy được tình người len lỏi, chiến thắng nghịch cảnh để lan tỏa yêu thương. Khi được hỏi về ước mơ tương lai, Quốc Bảo đã không ngần ngại chia sẻ mong muốn trở thành một người cảnh sát. Có lẽ, hình ảnh người chiến sĩ công an dũng cảm cứu sống em trong cơn lũ dữ đã trở thành một hình mẫu lý tưởng, thôi thúc em theo đuổi con đường bảo vệ cộng đồng. Người chiến sĩ công an dũng cảm nhận Bảo là con nuôi để bù đắp phần nào vết thương mà cậu bé đã trải qua.
Cũng chính trong tình cảnh bão lũ đầy nguy nan, chúng ta nể phục tinh thần trách nhiệm của ba cá nhân tỉnh Lào Cai có thành tích xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ba cá nhân được ca tụng như “người hùng thời bình” là ông Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà); ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) và ông Châu Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát). Trong những ngày mưa lũ đỉnh điểm từ 7 đến 11/9, ba cá nhân ấy đã không quản khó khăn, ngày đêm túc trực, chỉ đạo hàng trăm người di dời đến nơi an toàn, giúp nhiều người tránh được thảm họa. Đồng thời, họ còn phối hợp với lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho họ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Việc những “người hùng” này nhận được bằng khen từ Thủ tướng chính là một lời công nhận về nghĩa cử tuyệt vời vì cộng đồng của họ.
Bão Yagi đi qua, để lại bức tranh hoang tàn với những ngôi làng chìm trong biển nước, hàng ngàn gia đình bị cô lập giữa dòng lũ cuồn cuộn. Giữa những ngày gian khó, tình quân dân một lần nữa tỏa sáng rực rỡ. Hàng ngàn chiến sĩ cùng đoàn viên, thanh niên, người dân... từ khắp mọi miền đất nước đã gấp rút đổ về vùng lũ, đồng lòng hỗ trợ đồng bào. Với tinh thần quả cảm, họ không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả tính mạng để đem lại sự sống và an toàn cho nhân dân.
Hình ảnh người chiến sĩ ôm chặt em bé giữa dòng lũ dữ, những người lính chân tay lấm lem bùn đất, ngâm mình trong dòng nước chảy xiết, chênh vênh trên những chiếc xuồng mỏng manh để tiếp cận và cứu trợ người dân, đã khắc sâu vào lòng người dân hình ảnh của sự hi sinh. Những bữa cơm vội vàng giữa biển nước mênh mông, những giấc ngủ ngắn ngủi trên đống đổ nát, hay việc sẵn lòng sẻ chia từng phần lương thực cho bà con, đều là minh chứng cảm động cho lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm cao cả.
Sau cơn bão dữ, khi những dấu vết của mất mát vẫn in hằn trên từng mái nhà, từng khuôn mặt, lực lượng y bác sĩ cũng đã âm thầm trở thành điểm tựa vững chắc cho cộng đồng. Không quản ngại khó khăn, họ đã ngày đêm chiến đấu để giành lại sự sống cho những nạn nhân, mang lại niềm tin cho những gia đình tưởng chừng đã mất hết tất cả. Trong số những câu chuyện cảm động ấy, hành trình hồi sinh kỳ diệu của em bé Làng Nủ – Mông Hoàng Thảo Ngọc tại Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành biểu tượng cho nghị lực phi thường và sức mạnh của tình người trong những lúc nguy nan nhất.
Sau cơn lũ quét, bé Mông Hoàng Thảo Ngọc, được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, tụt huyết áp. Chụp CT sọ não cho thấy, bé bị chấn thương sọ não, phù não lan tỏa. Dẫu vậy, nhờ vào sự chăm sóc tận tình từ đội ngũ y bác sĩ, những phương pháp điều trị tiên tiến nhất cùng với sức sống mãnh liệt trong cơ thể nhỏ bé, Thảo Ngọc dần hồi phục kỳ diệu.
Vào ngày 1/11/2024, Thảo Ngọc đã hồi phục và được xuất viện, trở về đoàn tụ với gia đình. Đây không chỉ là khoảnh khắc ngập tràn niềm vui của gia đình bé Ngọc mà còn là thành quả tuyệt vời của sự nỗ lực không mệt mỏi từ đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, những người đã tận tâm, cống hiến hết mình để mang lại sự sống cho em.
Bên cạnh sự xông pha của các chiến sĩ, lực lượng y bác sĩ, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã trở thành điểm tựa vững chắc, góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân đứng lên từ những mất mát đau thương. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai những chương trình ý nghĩa, thiết thực, mang lại hy vọng cho những mảnh đời đang kiệt quệ giữa muôn vàn khó khăn.
Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái đã công bố tài trợ 250 tỷ đồng, số tiền này được dành để hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài. Khoản tài trợ này không chỉ giúp dựng lại 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 - 300 triệu đồng cho các gia đình mất người thân, mà còn góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh thiết yếu, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Hay vợ chồng chủ Thẩm mỹ viện Mailisa cũng đã tài trợ 20 tỷ đồng và 50 tấn gạo, trực tiếp trao tận tay bà con vùng bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng 40 căn nhà tình thương, mang lại mái ấm kiên cố cho các hộ nghèo và đồng bào thiểu số tại xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Theo website của Thẩm mỹ viện Mailisa, trong buổi lễ khởi công, TGĐ Điều hành Hoàng Kim Khánh đã xúc động chia sẻ: “Vợ chồng Mai Khánh mong rằng những ngôi nhà này sẽ trở thành mái ấm vững chắc, là nơi an cư lạc nghiệp cho các gia đình, giúp bà con ổn định cuộc sống và vượt qua những mất mát, khó khăn”. Những ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là biểu tượng của tình người, của sự hy vọng và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, để chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn sau cơn bão, nhiều quán cà phê trên khắp cả nước đã có hành động đầy ý nghĩa. Họ không chỉ phục vụ những ly cà phê thơm ngon mà còn trở thành nhịp cầu nối yêu thương, bằng cách thay thế mã QR thanh toán của quán bằng mã QR chuyển tiền trực tiếp đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
100% khách hàng của quán đều đồng ý việc thay mã QR và hưởng ứng rất tích cực. “Điều khiến tôi xúc động nhất là có những em nhỏ học cấp 1, cấp 2 sẵn sàng dành 20-30 nghìn đồng để đóng góp cùng quán. Tình yêu dân tộc chân thành ấy thật đáng quý”, anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ quán Maison De Noire Café, chia sẻ. Hình ảnh từng dòng người, từng tách cà phê, từng lần quét mã QR gắn với hy vọng và sự đồng cảm lan tỏa mạnh mẽ, chứng minh rằng dù ở bất kỳ đâu, tinh thần đoàn kết và sẻ chia của người Việt Nam vẫn luôn được giữ vững.
Hình ảnh những con người đến từ nhiều đất nước khác nhau, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, đã hợp lực cùng nhau để làm sạch những con phố, giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng, không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của con người trong khó khăn mà còn thể hiện rằng tình thương và sự sẻ chia không hề có biên giới.
Từ thành phố đến vùng quê, khắp nơi đều xuất hiện những hành động đẹp. Bà con miền Trung - những người từng oằn mình qua bao mùa lũ đã thức trắng đêm gói bánh, quyên góp lương thực, thực phẩm, phao cứu sinh gửi về vùng bão. Họ thấu hiểu nỗi đau ấy như chính nỗi đau của mình, bởi trong những thời khắc khốn cùng nhất, họ từng nhận được vòng tay sẻ chia từ khắp 3 miền đất nước.
Ở Hà Nội, các em nhỏ tại nhiều trường học đã cùng thầy cô quyết định chuyển toàn bộ kinh phí tổ chức Lễ hội Trung thu thành quỹ ủng hộ đồng bào vùng lũ. Cô giáo Ngô Huyền, chủ nhiệm lớp 2A1 Trường Tiểu học Đống Đa, nghẹn ngào kể: “Nhiều em bật khóc khi thấy hình ảnh đau thương trên tivi. Có em xin bố mẹ lấy tiền tiết kiệm để ủng hộ, có em góp nhu yếu phẩm, thậm chí viết thư, vẽ tranh gửi tặng các bạn nhỏ vùng bão”.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân cùng nhau kêu gọi hỗ trợ, chuẩn bị từng thùng đồ cứu trợ như áo phao, đèn pin, sạc dự phòng… Những chuyến xe chở đầy tình nghĩa nối tiếp nhau lên đường, vượt qua những cung đường ngập lụt, mang theo hy vọng và sức mạnh. Học sinh, sinh viên cũng không ngần ngại dành hết số tiền tiết kiệm của mình để đóng góp, mong góp phần nhỏ bé giúp đồng bào vượt qua khó khăn.
Sau những ngày thiên tai tàn phá miền núi phía Bắc, triệu trái tim còn cảm phục câu chuyện xúc động về thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie. Trước mất mát đau thương từ trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, thầy Khang đã dang rộng vòng tay, nhận nuôi 22 em nhỏ may mắn sống sót, trao cho các em cơ hội học tập và một mái ấm yêu thương. Mỗi tháng, ông sẽ gửi cho mỗi em 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học bắt đầu từ tháng 10/2024 cho đến năm 2039. Ông dự tính sẽ hoàn thiện dự án này trong vòng 15 năm, khi ấy những em nhỏ tuổi nhất bây giờ sẽ tròn 18 tuổi vào năm 2039, lúc đó ông cũng 90 tuổi.
Ngày 21-22/12, thầy Khang quyết định lên thăm Làng Nủ - cũng là lần đầu tiên đi xa khỏi Hà Nội trong suốt 6 năm qua để gặp những đứa cháu của mình. "Lên Làng Nủ lần này, tôi muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm của 23 ông cháu vào lần tôi lên đây. Và tôi muốn 15 năm sau, khi hai cháu bé nhất ở đây là Gia Hân và Khánh Ngân vừa đủ 18 tuổi, tôi được đón các cháu về Hà Nội để chụp một bức ảnh có đủ 23 ông cháu.
Khi đó, tôi với các cháu vẫn ngồi ở vị trí y hệt như bức ảnh chụp hôm nay. Hai bức ảnh ghi dấu sự đổi thay, đánh dấu sự trưởng thành của các cháu và tôi hy vọng có thể thực hiện được cam kết "giữ sức khỏe" để sống đến lúc đó, được nhìn tất cả các cháu trưởng thành" - thầy Khang chia sẻ.
Trong cuộc hội ngộ đầu tiên, “ông và cháu” đã cùng nhau ký lời hẹn ước khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt.
Chúng ta cũng khó có thể quên đi câu chuyện của anh Hoàng Văn Thới (32 tuổi) - người đàn ông Làng Nủ đã mất cả vợ và con trong trận lũ quét kinh hoàng. Khi mà, bữa cơm tối ngày 9/9 tưởng chừng bình thường lại trở thành bữa cơm cuối cùng anh được ngồi bên gia đình thân yêu. Chỉ trong chớp mắt, trận lũ dữ đã cướp đi năm người thân, để lại mình anh với nỗi đau không gì có thể bù đắp.
Thế nhưng, thay vì gục ngã, anh Thới chọn cách sống tiếp, dang rộng vòng tay yêu thương đến những đứa trẻ khác. Chiều ngày 3/10, anh lặng lẽ đến điểm trường mầm non Làng Nủ, nơi các con anh từng theo học, mang theo những phần quà nhỏ bé để động viên 34 học sinh ở đó. Dẫu đôi mắt còn vương nỗi buồn sâu thẳm, anh vẫn cố gắng nở nụ cười, nhẹ nhàng dặn dò: “Các con học thay con của chú nghe chưa”. Lời nhắn gửi chân thành ấy khiến cả cô trò nơi đây không kìm được nỗi nghẹn ngào.
Hay như, Quảng Ninh – một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất cũng đã có một hành động đầy nhân văn. Dù cần khắc phục hậu quả, tỉnh này vẫn chủ động xin nhường 100 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ bão số 3 cho các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi thiệt hại nghiêm trọng hơn cả.
Cơn bão Yagi, dù tàn khốc, lại làm bừng lên tinh thần đoàn kết của người dân trên khắp cả nước. Dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, nhiều gia đình sẽ không còn đủ đầy thành viên khi mất mát và đau thương vẫn còn đang bao trùm. Nhưng giữa những nỗi buồn ấy, tình yêu thương và sự sẻ chia của cả dân tộc vẫn luôn hiện hữu, sẵn sàng cùng đồng hành, xoa dịu nỗi đau và san sẻ khó khăn.
Cơn bão Yagi đã qua đi, để lại sau lưng là những vùng đất đầy vết tích hoang tàn, câu chuyện về sự hồi sinh của những vùng đất này bắt đầu mở ra những trang mới. Những người nông dân, ngư dân, những em học sinh vẫn còn cắp sách tới trường, với sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Họ đang dần dần đứng lên từ đống đổ nát để xây dựng lại cuộc sống của mình, biến đau thương thành hy vọng và hành động.
Sau cơn bão lịch sử, làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), vùng đất vốn nổi tiếng với những vườn đào rực rỡ mỗi dịp Tết đã bị tổn thất nặng nề. Khi đó, những cánh vườn từng xanh mướt lộc đào chỉ còn lại những gốc cây trơ trụi, cành lá gãy đổ. Nhiều gia đình mất trắng mùa vụ, đối mặt với nợ nần và nỗi lo mùa Tết cận kề.
Thế nhưng, những người nông dân Nhật Tân nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả, tiếp tục chăm sóc những cây còn lại với hy vọng kịp mùa Tết Nguyên đán. Xen lẫn giữa những luống đào là những vạt rau củ, hoa ngắn ngày, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Ông Trần Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt, chia sẻ: “Cơn bão vừa rồi khiến đào bị gãy, hỏng rất nhiều. Các nhà vườn bị gãy vài chục, thậm chí là vài trăm cây. Tỷ lệ gãy hỏng của đào Nhật Tân lên đến 40%.
Những cây đào bị gãy thì các nhà vườn đều phải trồng, uốn và cắt tỉa lại. Những cây may mắn không bị ảnh hưởng đã được chăm sóc, hiện giờ đang được lên chậu, tuốt lá. Dù chắc chắn không được như các năm trước, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để có đủ đào cho dịp Tết lần này”.
Xa hơn về phía biển, “đảo ngọc” Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) giờ đây cũng đang tìm lại sức sống sau bão. Sau cơn bão lịch sử, những con đường toàn là đống đổ nát, những ngôi nhà tốc mái và những con thuyền nằm im lìm sau sóng gió đã khiến nơi này trở nên lặng lẽ lạ thường.
Một chủ khách sạn trên đường Núi Ngọc chia sẻ, bão làm kính ở bể bơi vỡ hết, dàn năng lượng mặt trời hỏng, nhiều phòng phải hủy đặt. Thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng không ai nản lòng. Chính quyền và người dân đồng lòng sửa chữa, dọn dẹp, đưa Cát Bà trở lại guồng quay quen thuộc, là điểm đến được các du khách quốc tế yêu thích hàng đầu khi tới Việt Nam.
Câu chuyện hồi sinh cũng diễn ra tại những vùng đất khác, nơi những “vết thương” do bão gây ra vẫn còn hằn sâu. Ở một xã miền núi của huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), căn bếp nhỏ của gia đình anh Lưu Tôn Bảy giờ đây đã sáng ánh đèn và rộn ràng tiếng cười. Thế nhưng ít ai có thể tưởng tượng được, hơn hai tháng trước, bão Yagi đã cuốn trôi toàn bộ hoa màu, chôn vùi cánh đồng dưới lớp bùn dày. Anh Bảy phải mò rau dại trong rừng để nuôi sống gia đình.
“Bão Yagi đã tàn phá toàn bộ hoa màu của chúng tôi. Cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề và chúng tôi không thể làm gì được”, anh nghẹn ngào chia sẻ. Nhưng trong những ngày đen tối đó, chương trình hỗ trợ tiền mặt nhân đạo từ UNICEF đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn.
Với khoản hỗ trợ nhận được, anh Bảy không chỉ cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn dần khôi phục sinh kế. “Tôi hy vọng có thể chuyển đến vùng đất cao hơn, nơi chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tôi cũng muốn các con tiếp tục đi học, nên số tiền này tôi sẽ dành một phần để trả học phí”, anh Bảy nói trong phóng sự của UNICEF, ánh lên trong giọng nói là sự hy vọng và quyết tâm.
Giữa những câu chuyện hồi sinh ấy, có những khoảnh khắc khiến ai nghe qua cũng phải nghẹn lòng. Một trong số đó là câu chuyện của cô bé 6 tuổi Hoàng Ngọc Lan. Được biết, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã khiến cho cô bé không may đã mất cả gia đình, chỉ còn lại một mình sống sót được người dân cứu giúp và đưa đến bệnh viện.
Trước hoàn cảnh đáng thương của cô bé Ngọc Lan, nhiều người đã gửi lời động viện đến em và ngỏ ý muốn được nhận nuôi hoặc chu cấp thêm kinh phí để em có điều kiện tốt nhất để đến trường và tái thiết lại cuộc sống.
Hiện tại, Lan đang sống cùng bà ngoại, trở thành niềm hy vọng duy nhất còn lại của gia đình. Trong hoàn cảnh đầy biến động, các thầy cô giáo không chỉ là người hướng dẫn học tập mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp em tìm thấy sự an toàn và ấm áp giữa những khó khăn chồng chất.
Thôn Làng Nủ từng là một trong những “nhân chứng” đau thương nhất của cơn bão số 3. Sạt lở khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hàng chục hộ dân, những căn nhà kiên cố bị đánh sập, những cánh đồng xanh mướt trở thành bãi bùn lầy nhão nhoẹt và những tiếng cười đùa từng vang vọng khắp ngõ nhỏ bỗng chốc chỉ còn là ký ức. Nhưng, vực dậy sau đau đớn, kể từ khi cơn bão đi qua, công cuộc “hồi sinh” sự sống của làng đang dần hoàn thành. Hơn 40 căn nhà sàn tại khu tái định cư Làng Nủ đã được hoàn thiện và bàn giao cho các hộ dân vào sáng 15/12.
Đến sáng 22/12, sau hơn ba tháng thi công thần tốc "ba ca bốn kíp, vượt nắng thắng mưa" bởi Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng), khu tái định cư thôn Làng Nủ chính thức khánh thành, khép lại những ngày tháng đẫm nước mắt, thay vào đó là những cái ôm ấm áp, tiếng cười rộn ràng dưới những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi giữa màu tím thơ mộng của đồi sim.
Khu tái định cư Làng Nủ tọa lạc trên một ngọn đồi xanh rộng 10ha. Nơi đây, cuộc sống mới đang được mở ra với 40 ngôi nhà sàn kiên cố theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Tày, mỗi căn rộng 96m², được thiết kế hài hòa với công trình phụ trợ và khuôn viên trồng hoa đầy màu sắc. Bên cạnh đó, khu tái định cư còn có nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m², tạo không gian gắn kết cho bà con, cùng một điểm trường khang trang rộng 200m², với hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo. Tất cả đều được trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước và viễn thông, trong khi con đường dẫn vào làng được bê tông hóa chắc chắn, nối liền với các khu vực xung quanh.
Trước lễ khánh thành khu tái định cư Làng Nủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thắp hương tại khu tưởng niệm các nạn nhân vụ lũ quét và thăm lại hiện trường, nơi tang tóc bao trùm cách đây hơn 3 tháng. Khi ấy, Thủ tướng đã lội bùn chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân, và không kìm được nước mắt khi đi qua những chiếc quan tài đỏ. Tại "vùng đất chết" này, Thủ tướng quyết tâm phải hoàn thành khu tái định cư trước ngày 31/12. Vượt qua mọi khó khăn, dự án đã hoàn tất sớm hơn kế hoạch như một kỳ tích giữa đau thương.
Trở lại Làng Nủ sau ba tháng, Thủ tướng xúc động khi chứng kiến 40 ngôi nhà kiên cố. "Sự sống nảy sinh từ cái chết" - là thông điệp Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu, gửi gắm niềm hy vọng và tình yêu thương. Bên dưới, ánh mắt rưng rưng của những người như anh Hoàng Văn Thới, chị Hoàng Thị Bóng - những người đã trải qua mất mát khôn nguôi - như nói lên tất cả. Họ không chỉ được sống trong ngôi nhà mới, mà còn được bao bọc bởi tình nghĩa đồng bào, nơi đau thương dần được xoa dịu bằng lòng nhân ái và sự sẻ chia.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc đảm bảo cho người dân có nơi ở ổn định, điều kiện học tập và sinh kế bền vững là lời hứa "đã nói là làm", thể hiện ý chí “không có gì là không thể”. Thủ tướng cũng nhắc nhở, an cư mới chỉ là bước đầu, để thực sự ổn định, người dân cần có công ăn việc làm và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ông chỉ đạo tỉnh Lào Cai xây dựng phương án tái thiết sản xuất, với hai gợi ý: xây dựng hồ đập tại Làng Nủ để phát triển nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan sinh thái, hoặc khôi phục suối và diện tích canh tác. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Lào Cai xóa 11.000 nhà tạm, nhà dột nát trước năm 2025 với lời khẳng định, dù đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng vì cuộc sống của người dân, "không thể không làm".
Từ những hộ gia đình còn lại, sáng sáng, từng bước chân nhỏ theo tay cha mẹ đến điểm trường Làng Nủ của Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh. Những đứa trẻ ngây thơ, còn quá nhỏ để hiểu hết những gì đã xảy ra, nhưng trong ánh mắt háo hức của các em, có thể thấy niềm vui khi được trở lại lớp học, gặp cô giáo và bạn bè sau những ngày xa cách vì bão lũ. Tiếng cười trong trẻo của các em như một bản nhạc nhẹ nhàng, xoa dịu những tổn thương và mang đến hy vọng tràn đầy cho một khởi đầu mới…
Sau những ngày tháng khó khăn, những vết thương của thiên tai vẫn còn đó, nhưng nhờ tình yêu thương, sự sẻ chia và đồng lòng của cộng đồng, mọi nỗi đau đang dần được xoa dịu. Mặt trời lại rạng rỡ trên những mái nhà vừa sửa sang, những bông hoa nhỏ lại e ấp nở bên hiên, mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những người ở lại. Xin được mượn những vần thơ của tác giả Lê Trâm Anh, để một lần nữa biết ơn sâu sắc những phép màu từ trái tim đã yêu thương hàng trăm ngàn đồng bào trong cơn bão Yagi lịch sử: