“Siêu cảng” 50.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp kiến nghị cơ chế đặc thù
Doanh nghiệp đề nghị có cơ chế đặc thù khi đầu tư vào cảng biển Trần Đề để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.
Tại hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề do Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 7/8, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T đã đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư.
Cụ thể, xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18km để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Trần Đề để dễ quản lý, mang lại hiệu quả đầu tư, giảm áp lực đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng logistics của cảng. Thời gian đầu tư của dự án là 70 năm để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.
Ông Tuấn kiến nghị, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đối với các hoạt động liên quan đến cảng và dịch vụ hậu cần để tăng sức mạnh cạnh tranh của cảng Trần Đề trên thị trường khu vực và quốc tế, tạo động lực thu hút đầu tư cảng Trần Đề.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng, dự án chỉ có thể thành công khi được áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội. Cho dù cảng có tiềm năng lớn, nhưng với cơ chế hiện nay thì chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận đầu tư vào cảng thường không lớn, thu hồi vốn lâu.
Vị này chia sẻ, cần phải tính toán kỹ mạng lưới kết nối từ các cảng đường thuỷ nhỏ, đặc biệt sắp tới đầu tư siêu cảng Cần Giờ thì vai trò của các cảng sẽ như thế nào, tính kết nối và hỗ trợ nhau ra sao. Đây là vấn đề cần phải giải quyết.
Ông cũng đề nghị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết hiện hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Bộ Chính trị, Chính phủ đã có nghị quyết xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.
Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…
Doanh nghiệp sở hữu danh mục đầu tư 8 tỷ USD, nhận về 9.100 tỷ đồng cổ tức năm 2024 
Chốt vị trí xây dựng cầy cầu 7.300 tỷ thuộc công trình cấp đặc biệt bắc qua sông Hồng