Siêu cầu dây văng 8.000 tỷ có nhịp chính lớn thứ hai Việt Nam, đắt nhất miền Tây
Cây cầu này được khởi công vào ngày 15/10 đã soán ngôi cầu Vàm Cống, trở thành cây cầu đắt nhất miền Tây với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ.
Giữa tháng 10 vừa qua, cầu Đại Ngãi  bắc qua sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng được xúc tiến khởi công lại sau 8 năm đình trệ. Tổng số vốn đầu tư cho cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vượt lên cầu Vàm Cống  (5.700 tỷ đồng), trở thành cây cầu đắt nhất miền Tây.
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Công trình được dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60, dài 15,1 km với điểm đầu giao Quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
Dự án gồm 2 cầu chính được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp  cao 110 m (tính từ mặt cầu), nhịp chính 450 m, lớn thứ hai Việt Nam, sau cầu Cần Thơ  (550 m), khổ thông thuyền 300 m.
Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu rộng 17,5 m. Đường dẫn hai bên cầu rộng 12 m ở giai đoạn 1, vận tốc thiết kế 80 km/h, ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 4 làn xe.
Đây là cây cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Khi hoàn thành, cây cầu cùng với Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên tạo thành tuyến giao thông liền mạch, thông suốt Quốc lộ 60, tạo thành trục dọc hành lang phía Đông cho Miền Tây.
Ngoài ra, cầu Đại Ngãi còn phá bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80 km đường đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP. HCM, giảm thời gian đi lại khoảng 1,5 - 2 giờ chờ và đi qua 2 phà vượt sông Hậu. Từ đó giúp nâng cao năng lực vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP. HCM. Công trình cũng có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.
Dự án cầu Đại Ngãi được khởi công đã làm cho người dân 2 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh vui mừng. Đối với 2 địa phương này, cầu Đại Ngãi là một dự án “thế kỷ” nối Cù Lao Dung với đất liền, kết nối Sóc Trăng và Trà Vinh với các tỉnh trong hành lang kinh tế ven biển phía Đông.
Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng  được bao quanh bởi sông Hậu, vì vậy, lâu nay, để đi tới các địa phương lân cận bà con phải qua phà, mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, thế cô lập này đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác đúng như kỳ vọng.
Vì vậy, khi dự án cầu Đại Ngãi được khởi công, vui nhất chính là bà con nơi đây, bởi với dự án này, sẽ giúp người dân địa phương thoát cảnh lụy đò, đặc biệt, xóa thế cô lập của huyện, giúp kết nối giao thông, vực dậy những tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp huyện Cù Lao Dung sớm phát triển.
Sở hữu hệ sinh thái du lịch nổi tiếng như Đền thờ Bác Hồ, bãi bồi, vườn trái cây, rạch Trường Tiền, vàm Long Ẩn, sân Tiên… đã tạo điều kiện giúp Cù Lao Dung nói riêng và Sóc Trăng nói chung trở thành một trong những điểm đến du lịch lí tưởng, du khách đến đây sẽ được tận hưởng không khí cùng cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, trong lành, đậm bản sắc vùng sông nước.
>> Ly kỳ giai thoại 6 chùa "Bà" nổi tiếng ở Hà Nội: Nơi đầu tiên nổi tiếng vì quá vắng vẻ