Thế giới

Siêu chu kỳ đã kết thúc trên thị trường thép, lo Trung Quốc sẽ đẩy thế giới vào một cuộc chiến mới

Thanh Lê 17/01/2025 05:30

Nhu cầu thép và quặng sắt của Trung Quốc đã đạt đỉnh, trong khi ngành công nghiệp kỳ vọng một cuộc bùng nổ mới từ chuyển đổi năng lượng, dù sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cạnh tranh địa chính trị.

Tại văn phòng làm việc ở Vũ Hán, Xiao, một trader kỳ cựu trên thị trường thép, trầm ngâm suy nghĩ về sự may mắn. Gần một nửa số đối thủ cạnh tranh của ông đã phá sản sau 3 năm khủng hoảng bất động sản khiến kinh tế Trung Quốc lao đao.

“Sự suy giảm khá nghiêm trọng trong nửa đầu năm ngoái”, Xiao nói, ám chỉ đến giá thép cây, một sản phẩm thép được sử dụng trong xây dựng để gia cố bê tông. Mùa thu năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tung ra các biện pháp kích thích kinh tế nhưng vẫn chưa thể khơi dậy lại hoạt động xây dựng bất động sản. “Nhu cầu vẫn còn yếu”.

Quay trở lại thời điểm 'siêu chu kỳ' cuối cùng bắt đầu

Vũ Hán, cái nôi của ngành thép Trung Quốc, từng là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của ngành này. Trong hai thập kỷ từ 2000 đến 2020, Trung Quốc tiêu thụ lượng thép gấp đôi tổng tiêu thụ của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ XX.

83eeb4c9-5ab1-4247-a03f-da0f86e95d7d.jpeg
Nhu cầu thép của Trung Quốc qua các năm

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa chóng mặt đã tạo nên một siêu chu kỳ hàng hóa, đẩy giá quặng sắt, than luyện thép và các nguyên liệu thô khác tăng vọt, đồng thời định hình lại toàn bộ ngành khai khoáng toàn cầu.

"Trung Quốc đã xuất hiện và thay đổi hoàn toàn cục diện", Peter Toth, Giám đốc Chiến lược của Newmont, nhận định. Trong giai đoạn đó, các tập đoàn khai khoáng lớn như BHP và Rio Tinto đạt mức lợi nhuận kỷ lục, lên đến hơn 100 tỷ USD từ quặng sắt.

91a82f05-144f-47f2-a6c6-3055be7f5ce3.jpeg
Lượng thép mà Trung Quốc tiêu thụ đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2020

Tuy nhiên, siêu chu kỳ này, vốn đã bắt đầu suy yếu trong đại dịch Covid-19, giờ đây đã chính thức kết thúc. Sản lượng thép năm ngoái của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 4 năm, và nhu cầu quặng sắt được dự báo giảm thêm sau khi đạt đỉnh vào năm 2023.

cd892cd0-44d4-4dd1-84cb-80067e9e3f87.jpeg
Động lực thúc đẩy nhu cầu thép dự kiến sẽ kết thúc

Steele Li, phó chủ tịch công ty khai khoáng CMOC, khẳng định cơn sốt bất động sản từng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc và "sẽ không bao giờ quay trở lại". Ông nhấn mạnh: "Nền kinh tế Trung Quốc cần tìm một động lực mới có quy mô tương tự".

Các chuyên gia tranh cãi về thời điểm chính xác của đỉnh nhu cầu của Trung Quốc. Nhưng như Tom Price, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Panmure Liberum, nói: "Siêu chu kỳ hàng hóa của Trung Quốc chắc chắn đã kết thúc".

Thách thức trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh đó, các giám đốc điều hành ngành công nghiệp hy vọng vào một chu kỳ mới, khi làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo và điện khí hóa tạo ra nhu cầu mới về các kim loại như đồng, lithium, coban và niken - những nguyên liệu then chốt cho lưới điện, năng lượng tái tạo và pin xe điện.

Peter Toth, Giám đốc Chiến lược của Newmont, nhận định đây là một "siêu chu kỳ mới" được thúc đẩy bởi điện khí hóa, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo.

119be6ae-b21e-4e2e-881d-88fee8db6a18.jpeg
Trung Quốc thống trị lĩnh vực tinh chế khoáng sản

Tuy nhiên, làn sóng bùng nổ này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Khác với siêu chu kỳ trước đây được định hình bởi toàn cầu hóa, chu kỳ mới sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ địa chính trị phân cực.

Mỹ và các nước phương Tây đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc cho các nguyên liệu quan trọng, thể hiện qua các động thái kiểm soát khai thác tại châu Phi dưới thời chính quyền Biden và những căng thẳng tiềm tàng trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.

Steele Li nhận định, “Thách thức lớn nhất trong tương lai là địa chính trị. Thế giới đang trở nên chia rẽ hơn”.

Về phía Trung Quốc, các gói kích thích kinh tế mới từ cuối tháng 9 đã có sự thay đổi đáng kể so với trước. Thay vì tập trung vào công nghiệp nặng và xây dựng như các đợt kích thích năm 2009, 2013 và 2016, lần này Bắc Kinh chủ yếu nhằm giảm nợ địa phương, cứu thị trường bất động sản và nới lỏng tiền tệ.

Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng và dịch vụ.

“Đã có rất nhiều gói kích thích trong những năm qua giúp duy trì nhu cầu thép”, Campbell, nhà phân tích của CRU, cho biết. “Nhưng những gì chúng ta thấy hiện nay là họ đã đạt đến giới hạn”.

Ngành công nghiệp thép toàn cầu

Để bù đắp nhu cầu nội địa suy yếu, các nhà máy thép Trung Quốc chuyển hướng sang xuất khẩu, đạt 111 triệu tấn năm ngoái - mức cao nhất trong 9 năm.

Nhưng xuất khẩu bị hạn chế bởi căng thẳng thương mại, đặc biệt với Mỹ. Một số nhà máy chuyển hướng sang sản xuất thép dẹt phục vụ ngành ô tô và sản xuất thay vì thép dài cho xây dựng.

Trong khi đó, Ấn Độ, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, vẫn chưa đủ khả năng thay thế Trung Quốc.

Campbell, nhà phân tích tại CRU, dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm lại còn 0,6% mỗi năm đến năm 2050, so với mức trung bình 2% trong 20 năm qua. Ông nhận định: “Thế giới cần thích nghi với tốc độ tăng trưởng chậm hơn.”

546f28c5-ee72-42e4-abe9-d096913f3b20.jpeg
Giá quặng sắt đã giảm mạnh từ mức đỉnh

Dù vậy, ngành khai khoáng vẫn đặt hy vọng vào sự bùng nổ nhu cầu từ chuyển đổi năng lượng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, nhu cầu đồng có thể tăng 50% và lithium tăng gấp 7 lần vào năm 2040.

Price từ Panmure Liberum nhận định: "Dù nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã đạt đỉnh, họ vẫn là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục dẫn đầu về sản xuất thép trong nhiều thập kỷ tới”. Đặc biệt trong lĩnh vực vật liệu pin, Trung Quốc kiểm soát tới 2/3 công suất chế biến lithium và coban toàn cầu.

Điều này làm dấy lên lo ngại về "cuộc chiến kim loại" như cảnh báo của Hugo Schumann, CEO EverMetal, trong khi Thijs Van de Graaf, chuyên gia từ Viện Địa chính trị Brussels, dự đoán nguyên liệu thô sẽ trở thành công cụ trong các cuộc đàm phán địa chính trị dưới thời Trump.

Các khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi năng lượng thường là những kim loại ngách với quy mô thị trường nhỏ hơn so với các nguyên liệu phục vụ bất động sản. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang lan rộng sang nhiều loại kim loại này.

Sau khi Mỹ kiểm soát xuất khẩu nhằm vào ngành bán dẫn, Trung Quốc đã đáp trả bằng việc hạn chế xuất khẩu gali và germani - những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn và quốc phòng.

Trong khi các công ty khai khoáng vẫn lạc quan về tương lai, nhiều lãnh đạo như Toth bày tỏ sự hoài niệm về thời kỳ bùng nổ của Trung Quốc, cho rằng siêu chu kỳ quặng sắt đó là điều “không bao giờ lặp lại” trong sự nghiệp của họ.

Theo FT

>> ‘Instagram Trung Quốc’ gây sốt, khiến nửa triệu người bỏ TikTok để gia nhập

Kỷ lục 1.000 tỷ USD của Trung Quốc khiến ông Trump đau đầu, ‘vũ khí’ thuế quan cũng khó giải quyết triệt để?

Trung Quốc đau đầu trước bài toán hóc búa về ngành thuốc lá

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-chu-ky-da-ket-thuc-tren-thi-truong-thep-lo-trung-quoc-se-day-the-gioi-vao-mot-cuoc-chien-moi-134844.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Siêu chu kỳ đã kết thúc trên thị trường thép, lo Trung Quốc sẽ đẩy thế giới vào một cuộc chiến mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH