Hệ thống này sẽ được cung cấp để sử dụng với một khoản phí sớm nhất là vào năm tài chính 2025.
Viện công nghệ được Chính phủ Nhật Bản  hỗ trợ sẽ hợp tác với Nvidia để xây dựng một siêu máy tính hybrid cung cấp khả năng tính toán lượng tử cho các nhà nghiên cứu và công ty sử dụng.
Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia (AIST) đang xây dựng hệ thống ABCI-Q bằng cách kết hợp siêu máy tính với công nghệ lượng tử.
Nvidia , nhà thiết kế chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu có trụ sở tại Thung lũng Silicon, đã cung cấp các bộ xử lý đồ họa cho ABCI-Q, đồng thời cũng sẽ cung cấp phần mềm điện toán lượng tử thông qua dịch vụ đám mây.
Hình ảnh siêu máy tính hybrid mới. Ảnh: Nikkei Asia |
Siêu máy tính lượng tử có tốc độ tính toán nhanh gấp 100 triệu lần so với siêu máy tính thông thường. Hệ thống này sẽ được cung cấp để sử dụng với một khoản phí sớm nhất là vào năm tài chính 2025. Viện công nghệ hình dung ra các ứng dụng như nghiên cứu thuốc và tối ưu hóa logistics.
Nvidia hợp tác với các phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Đức và Anh trong lĩnh vực điện toán lượng tử, nhưng sự hợp tác rộng rãi hơn liên quan đến phần mềm là rất hiếm.
Tuy có khả năng giải quyết những vấn đề quá phức tạp đối với máy tính thông thường nhưng máy tính lượng tử lại dễ mắc lỗi ngay cả khi có những thay đổi nhỏ của môi trường xung quanh. Việc kết hợp nó với siêu máy tính sẽ giải quyết được vấn đề này, giúp hệ thống dễ sử dụng hơn để xử lý phức tạp.
Các nhà nghiên cứu có thể nhập một vấn đề thông qua điện toán đám mây và nhận được phản hồi từ máy tính. Bằng cách mở hệ thống cho khu vực tư nhân, viện hy vọng siêu máy tính mới sẽ giúp thúc đẩy công nghệ điện toán lượng tử.
Ví dụ, chương trình có thể giúp một công ty logistics đang cố gắng xác định tuyến đường vận chuyển tối ưu. Nó có thể cung cấp tuyến đường ngắn nhất với lượng khí thải CO2 tối thiểu cho một chiếc xe tải dừng nhiều lần với tải trọng tối đa.
Trong những năm qua đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt về phát triển điện toán lượng tử trên toàn cầu, các siêu cường công nghệ như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã không ngừng phát triển những kết quả lượng tử.
Năm 2019, một máy tính lượng tử của Google thực hiện một phép tính trong ba phút mà một siêu máy tính phải mất 10.000 năm. Được biết, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đặt mục tiêu xây dựng một máy tính lượng tử không lỗi, sẵn sàng đưa vào sử dụng thực tế năm 2029.