Các chuyên gia nhận định toàn bộ thành phố đang sắp bị "nuốt chửng” dưới mặt nước hồ thủy điện.
Theo Daily Shabah, tháng 6/2020,Thổ Nhĩ Kỳ  đã khởi động tổ máy thứ ba của đập thủy điện Ilisu. Con đập được xây dựng trên sông Tigris, ở phía Đông Nam tỉnh Mardin.
Đập Ilisu là một phần của dự án Đông Nam Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 19 nhà máy thủy điện và 22 con đập trên sông Tigris và Euphurates.
Toàn bộ chi phí xây dựng đập lên tới 1,7 tỷ USD, tích trữ tới 10 tỷ m3 nước với 6 tổ máy phát điện tạo công suất 1.200MW. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến con đập sẽ tạo ra nguồn lợi 412 triệu USD/năm cho nền kinh tế.
Đập thủy điện Ilisu |
Dù vậy, mặt trái của dự án xây đập thủy điện Ilisu – con đập lớn thứ tư ở Thổ Nhĩ Kỳ - là nó đang dần nhấn chìm hoàn toàn thung lũng Hasankeyf – vùng đất có bề dày lịch sử 12.000 năm, khiến gần 70.000 người phải di dời, theo New York Times.
Tính đến tháng 2/2024, mực nước xung quanh đập đang tăng nhanh chóng, lên tới 15cm mỗi ngày. Các chuyên gia dự đoán mực nước sẽ tiếp tục tăng thêm 50m trong những tháng tới. Con số này đủ để nhấn chìm các di tích, kiến trúc lịch sử tại thành phố Hasankeyf.
Các chuyên gia đã dự đoán rằng thành phố có tuổi đời lên tới 12.000 năm sẽ sớm bị chìm trong vài năm tới. |
Được biết, Hasankeyf là một trong những thành phố cổ, khu định cư có người ở liên tục lâu đời nhất thế giới, nằm bên bờ sông Tigris, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành cổ này là nơi tồn tại của hơn 20 nền văn hoá trong suốt 12.000 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ đế chế La Mã đến thời Byzantine, Ottoman cho đến hiện nay. Vào thời Trung cổ, Hasankeyf là một trạm dừng của con đường tơ lụa. Ngày nay, nhiều tàn tích vẫn được bảo tồn hàng ngàn năm tại thị trấn có niên đại hàng nghìn năm này, bao gồm các di sản quốc gia như cung điện cổ, nhà thờ hay cây cầu bắc qua sông Tigris lớn nhất thời Trung Cổ.
Với vị trí địa lý đắc địa, thuận lợi, nơi này luôn là mục tiêu của Chính phủ nước này. Từ năm 1950, đã có nhiều đề xuất để biến nơi này thành nhà máy thủy điện lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến năm 2006, dự án đã được chính thức phê duyệt và đưa vào triển khai.
Dự án đập thủy điện Ilisu từ khi bắt đầu đã gặp phải nhiều phản đối từ cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức quốc tế.
Zeynep Ahunbay, nhà hoạt động phản đối dự án xây đập từ hơn một thập kỷ trước, nói: “Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Tigris là tội ác. Cả một thung lũng lịch sử bị nhấn chìm dưới nước”.
Bất chấp sự phản đối, thậm chí là việc rút nguồn tài trợ từ Thuỵ Sĩ, Đức, Áo vào năm 2009, Chính phủ nước này vẫn quyết tâm thực hiện dự án đập thủy điện  Ilisu vì họ tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. "Con đập không chỉ đóng góp khoản ngân sách đáng kể cho nền kinh tế mà còn cung cấp nước cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoga cho hay.
Ông Erdogan vẫn kiên định với dự án, thuyết phục các ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc và rót vốn thay cho đối tác châu Âu |
Ngoài ra, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi đập Ilisu là công trình xanh, giúp đất nước hạn chế sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu than đá, khí đốt.
Giải pháp duy nhất mà họ đề xuất là di dời khoảng 300 di tích của thị trấn này đến một nơi khác và tạo ra một bảo tàng để bảo tồn chúng. Mặc dù vậy, 80.000 cư dân ở đây đã mất nhà, mất việc làm và buộc phải di dời đến một thị trấn mới mang tên Yeni Hasankeyf (Hasankeyf Mới). Đồng thời, nhiều loài động vật đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa do sự thay đổi môi trường sống do mực nước dâng cao.
Người dân trong vùng rơi vào cảnh phải hối hả thu dọn nhà cửa, bỏ lại làng mạc và tài sản |
Arif Ayhan, 44 tuổi, bày tỏ: “Chúng tôi sống ở một trong những nơi đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi không biết trân trọng những giá trị của nơi này”.
Có mặt ở con đập, Hezni Aksu, 60 tuổi, nhìn dòng nước nhấn chìm nhà cửa, đất đai. “Vùng đất này là của tổ tiên chúng tôi”, Aksu nói trong cay đắng. “Họ đã biến chúng tôi thành dân di cư”.
Dù vậy, đập nước Ilisu cũng không phải là dự án cuối cùng nằm trong kế hoạch của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2002, Chính phủ nước này đã tiến hành xây dựng trên 850 đập nước, theo báo Hürriyet. Hàng nghìn công trình nữa sẽ được xây dựng ven bờ Biển Đen cũng như ở khu vực Anatolia.