‘Siêu’ lâu đài cất giữ một nửa số vàng của thế giới nhưng không ai dám trộm cắp, được UNESCO công nhận là di sản
Cung điện Potala tọa lạc trên "nóc nhà của thế giới", không chỉ là lâu đài cao nhất thế giới mà còn là một trong những công trình kỳ vĩ, đặc biệt nhất hành tinh.
Cung điện Potala  nằm trên núi Hồng (Hồng Sơn), nằm giữa thung lũng Lhasa, mang tên gọi có ý nghĩa “hòn đảo nơi ngự của Quan Âm Bồ Tát”. Với độ cao hơn 3.700m so với mực nước biển, Potala không có đối thủ trong cuộc đua giành danh hiệu  "cung điện cao nhất thế giới". Kiến trúc  độc đáo của cung điện, với các tầng lớp chồng lên nhau, tạo nên hình ảnh khó quên, nổi bật giữa thiên nhiên  hùng vĩ.
Cung điện có chiều cao 117m và diện tích lên đến 360.000m², trong đó diện tích xây dựng chiếm hơn 130.000m², với 13 tầng. Bên trong, cung điện chứa hơn 1.000 phòng và hàng nghìn điện thờ Phật. Dù đã mở cửa đón khách tham quan, nhưng du khách chỉ có thể khám phá một phần nhỏ của công trình đồ sộ này.
Ngày nay, cung điện Potala không chỉ là bảo tàng lịch sử, mà còn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994. Cung điện được xây dựng từ năm 637, khi vua Tùng Tán Cán Bố kết hôn với công chúa Văn Thành, đánh dấu sự kiện trọng đại bằng việc cho xây dựng công trình này. Tên gọi Potala được lấy từ ngọn núi Potalaka, nơi được cho là cư ngụ của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cung điện Potala là trái tim của Lhasa, chia thành hai phần chính: Hồng Cung và Bạch Cung. Màu trắng của Bạch Cung tạo nên sự tương phản tuyệt đẹp với màu đỏ của Hồng Cung. Hồng Cung, trung tâm tinh thần của khu phức hợp, lưu giữ các linh tháp chứa linh cốt của các Đạt Lai Lạt Ma đã qua đời và các Phật điện linh thiêng. Bạch Cung là cung điện mùa Đông của Đạt Lai Lạt Ma, bao gồm 6 tầng với các bức tường trắng và mái dốc, là khu vực hành chính và nơi ở của các Đạt Lai Lạt Ma.
Với lịch sử gần 1.400 năm, Potala vẫn giữ được vẻ đẹp như mới, là niềm tự hào của người dân Tây Tạng. Một trong những bí quyết giữ gìn cung điện là công việc quét vôi hàng năm. Sau mùa mưa, những bức tường của cung điện được quét một lớp vôi mới, công việc này phải hoàn thành trước ngày 22/9 theo lịch Tạng, tương ứng với khoảng tháng 11 Dương lịch.
Lớp vôi đặc biệt này được trộn từ vôi trắng, sữa, mật ong và thỉnh thoảng là Tạng hồng hoa hoặc Saffron, tạo nên vẻ đẹp ngọt ngào cho Potala. Quá trình quét vôi không chỉ giúp bảo tồn kiến trúc cổ kính mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với di sản văn hóa.
Các tình nguyện viên Tây Tạng tham gia công việc này và sau khi hoàn thành cung điện, họ tiếp tục quét vôi cho các ngôi chùa lớn khác ở Lhasa. Những "người nhện" - các thợ làm việc tại cung điện, leo lên các bức tường để phun vôi. Nhờ công nghệ hiện đại, việc quét vôi toàn bộ cung điện giờ chỉ mất khoảng 10 ngày, thay vì cả tháng như trước kia.
Nơi cất giữ một nửa số vàng của thế giới mà không ai dám tới trộm
Với thiết kế 13 tầng và hơn 1.000 căn phòng, cung điện Potala là một kỳ quan kiến trúc. Mỗi góc của cung điện đều lộng lẫy với vàng ròng, từ sàn nhà đến trần, từ các bức tranh đến những chi tiết nhỏ nhất. Cung điện không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện sự xa hoa, quyền lực của triều đại Tùng Tán Cán Bố.
Cung điện Potala được chia thành ba khu vực chính: khu cung thành, khu cung thất và khu hồ. Khu cung thành, nằm phía trước núi, có ba cổng chính là Đông, Tây và Nam, cùng các bậc thang dẫn lên đỉnh cung điện. Khu cung thất là trung tâm công trình, nơi đặt hai cung chính: Bạch cung và Hồng cung.
Bạch cung, nơi sinh hoạt của Đạt Lai Lạt Ma, được trang trí tinh xảo và giữ nhiều giá trị tâm linh. Hồng cung là nơi thờ cúng, chứa các điện Phật và linh tháp, nơi lưu giữ thi thể các Đạt Lai Lạt Ma qua đời.
Câu chuyện xây dựng cung điện Potala cũng rất thú vị. Vua Tùng Tán Cán Bố đã chi một khoản tiền khổng lồ để hoàn thành công trình. Hơn 30 tấn vàng đã được sử dụng trong quá trình xây dựng, gây ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc vàng này.
Vàng trong cung điện Potala đến từ hai nguồn chính: chính phủ Tây Tạng phát hành vàng, ngân lượng và đá quý để hỗ trợ các công trình lớn và người dân Tây Tạng đóng góp vàng để tôn vinh niềm tin Phật giáo. Vàng được sử dụng khéo léo trong thiết kế, từ mái cung điện đến hoa văn trong các hội trường. Ba bảo tháp lớn, cùng nhiều tượng Phật vàng nguyên khối, tiêu tốn khoảng 4.000 cân vàng để đúc.
Người dân tin rằng Potala cất giữ một nửa số vàng của thế giới. Dù chưa có xác nhận chính thức về số vàng này, không thể phủ nhận sự tráng lệ và giá trị lịch sử mà cung điện mang lại. Potala không chỉ đẹp, mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, niềm tin tôn giáo và sự thịnh vượng của Tây Tạng.
Cung điện Potala đã được bảo vệ nghiêm ngặt suốt lịch sử, từ quân đội đến an ninh hiện đại, khiến việc ăn cắp là điều vô cùng khó khăn. Với đức tin sâu sắc của người dân Tây Tạng, Potala được xem là nơi linh thiêng và du khách khi đến đây luôn giữ ý thức tôn trọng và thanh thản trong tâm hồn.