Vĩ mô

Singapore từ quốc gia nghèo hơn Nam Phi đến siêu cường kinh tế, Việt Nam học hỏi được gì?

Phúc Lam 16/01/2025 - 12:32

Đây là tấm gương điển hình của một nước nhỏ bé có thể phát triển thần tốc dù hạn chế về tài nguyên thiên nhiên.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người năm 2024 của Thái Lan đạt 7.530 USD; Indonesia đạt 4.980 USD; Philippines đạt 4.150 USD; Malaysia đạt 13.140 USD; Singapore đạt 89.370 USD.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 của Tổng Cục Thống kê, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm trước.

Theo IMF, 10 năm về trước, năm 2014, GDP bình quân đầu người của các nước trong ASEAN-6 lần lượt là Thái Lan đạt 5.950 USD; Indonesia đạt 3.530 USD; Philippines đạt 3.000 USD; Malaysia đạt 11.170 USD; Singapore đạt 55.560 USD; Việt Nam đạt 2.570 USD.

Số liệu trên cho thấy, sau 10 năm, Singapore vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về GDP bình quân đầu người.

Sau khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965, Singapore giành được quyền tự chủ trong quản lý kinh tế, cho phép áp dụng các chính sách kinh tế riêng, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Đến cuối thế kỷ 20, Singapore được coi là một trong 4 con rồng châu Á, cùng với Hong Kong, Hàn Quốc và Đảo Đài Loan.

Theo tờ The Economist, vào thời điểm giành độc lập vào năm 1965, đất nước này nghèo hơn so với Nam Phi hay Jordan. Sau gần 60 năm giành độc lập, Singapore đã trở thành một biểu tượng của sự thịnh vượng.

Thành công của quốc gia nhỏ bé này đến từ những chiến lược dài hạn, sự đầu tư vào công nghệ và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đây là tấm gương điển hình của một nước nhỏ bé có thể phát triển thần tốc dù hạn chế về tài nguyên thiên nhiên.

Trừ diệt tham nhũng

Singapore đã tập trung thực hiện biện pháp giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng thật nặng hình phạt đối với hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, nước này cũng liên tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện đạo luật chống tham nhũng, khắc phục những lỗ hổng luật pháp và những vấn đề chưa lường tới.

Từ đầu thập niên 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, Singapore thực hiện tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ để giảm thiểu động cơ tham nhũng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Singapore là nước tham nhũng ít nhất châu Á từ 1995 – 2009, xếp thứ 3 trên thế giới năm 1995 và thứ 4 thế giới năm 2019.

Chiến lược phát triển thông minh và lộ trình rõ ràng

Trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, Singapore có chiến lược xuất khẩu rất thông minh với lộ trình cụ thể, rõ ràng.

Vào giữa những năm 1970, Singapore tập trung khuyến khích đầu tư vào khu vực công nghiệp, thiết bị y tế điện tử, linh kiện ô tô,... Giai đoạn 1980 – 1990, đất nước này tập trung phát triển điện tử và vận tải biển. Đến những năm 2000, Singapore chuyển qua các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ tài chính,...

Tiến sĩ Sơn cho biết, Việt Nam đã và đang xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng lao động lớn như dệt may, nông thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu xuất khẩu dệt may, giảm bớt tỷ lệ gia công và hướng tới hướng đi mới là gia công phần mềm.

10 năm 1 vị thế: Singapore từ quốc gia nghèo hơn Nam Phi đến siêu cường kinh tế, Việt Nam học được gì?
Những bài học quý giá cho Việt Nam từ sự phát triển của Singapore - Ảnh: ĐỘC LẬP

Tập trung hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Dù có nhiều bất lợi về tài nguyên thiên nhiên nhưng Singapore có mặt bằng trình độ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vững chắc, là nền tảng để tập trung toàn lực vào việc xây dựng thành phố công nghệ.

Trong quá trình kiến tạo đô thị thông minh, Singapore đã đặt những viên gạch đầu tiên bằng việc xây dựng một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh trên phạm vi toàn quốc và wi-fi miễn phí cho toàn dân.

Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn.

Một số dự án được chọn lọc trong Hội đồng Nhà ở và dự án bất động sản ở Singapore cũng được thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà như hệ thống chiếu sáng thông minh để tiết kiệm năng lượng, cảm biến theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp, cảm biến thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi…

Ngoài ra, quốc gia này còn ứng dụng rất nhiều công nghệ vào đời sống để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông minh đã đưa Singapore thành quốc gia có mức độ an toàn, thuận tiện cao.

Hệ thống giao thông thuận tiện

Trước đây, tàu điện được xây dựng trên mặt đất có người lái, còn hiện nay đa số được khai thác dưới lòng đất. MRT là mạng lưới giao thông công cộng cao tốc hiện đại ở Singapore với tổng chiều dài hơn 170km, kết nối 102 trạm với nhau.

Hệ thống này có phạm vi hoạt động rộng và tính hiệu quả cao với gần 150 chuyến tàu điện mỗi ngày. Hàng ngày có tới 2 triệu lượt khách sử dụng với tần suất 3-8 phút/chuyến.

Việc phủ rộng mạng lưới MRT không chỉ giúp người dân di chuyển thuận lợi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giúp giãn dân và tạo điều kiện để những người trẻ có cơ hội mua chung cư giá tốt hơn ở những vùng xa trung tâm.

Phát triển nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo

Theo phân tích của Tạp chí Tài chính, Singapore đặc biệt coi trọng nhân lực và nhân tài. Nhờ có cơ chế đào tạo, chính sách đãi ngộ và điều kiện sống tốt, rất nhiều người tài từ khắp nơi trên thế giới chọn đến Singapore để làm việc.

Bên cạnh đó, giáo dục của Singapore cũng rất thành công. Sự thành công này đến từ nhiều nguyên nhân như: phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên, chính sách hỗ trợ, khích lệ của Chính phủ,... Ngoài ra, đất nước này rất chú trọng đến việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng một môi trường học tập năng động, sáng tạo,...

>>Kinh tế tăng tốc: GDP Việt Nam được dự báo sẽ vượt Singapore chỉ trong 4 năm nữa

Một mặt hàng thủy sản của Việt Nam được Mỹ tăng cường thu mua, đạt đỉnh trong 10 năm qua

Việt Nam chia buồn với Mỹ vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Los Angeles

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/singapore-tu-quoc-gia-ngheo-hon-nam-phi-den-sieu-cuong-kinh-te-viet-nam-hoc-hoi-duoc-gi-271404.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Singapore từ quốc gia nghèo hơn Nam Phi đến siêu cường kinh tế, Việt Nam học hỏi được gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH