Cố vấn kinh tế của LinkedIn, ông Guy Berger nhận định: "Hiện tại, ngành công nghệ đang có chiều hướng đi xuống".
Quý khó khăn với các gã khổng lồ công nghệ
Theo CNBC, phố Wall đang chuẩn bị để đối phó với viễn cảnh "sụp dổ" của ngành quảng cáo trực tuyến sau khi một số đơn vị báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Cụ thể, sau kết quả đáng thất vọng từ Snap, tuần trước và giá cổ phiếu giảm 28% khiến giá trị của công ty xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019, các nhà đầu tư hiện đang chuyển sự chú ý sang gã khổng lồ quảng cáo như Meta và Alphabet, cũng như các báo cáo trong tuần này từ Twitter và Pinterest. Tới đây Amazon và Microsoft, những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo cũng sẽ cập nhật kết quả kinh doanh.
Hàng loạt báo cáo xuất hiện vào thời điểm có sự hoài nghi lớn về lĩnh vực quảng cáo trên web và thiết bị di động. Giá cổ phiếu Meta đã giảm hơn 60% trong năm nay và công ty dự kiến sẽ báo cáo doanh thu giảm trong quý thứ 2 liên tiếp.
Cổ phiếu Alphabet cũng giảm 30% thị giá kể từ đầu năm, được dự báo tăng trưởng doanh thu ở mức 1 chữ số. Điều này sẽ đánh dấu thời kỳ suy yếu nhất của công ty mẹ Google kể từ năm 2013.
Lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều đơn vị phải tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sự thay đổi về quyền riêng tư trên hệ điều hành iOS của Apple từ năm ngoái tiếp tục khiến các doanh nghiệp gặp khó, đặc biệt là Snap và Facebook, các đơn vị trước đây dựa vào dữ liệu người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo.
Trong một báo cáo vào tuần trước, các nhà phân tích của UBS cho biết sẽ "giảm ước tính và mục tiêu giá trên toàn bộ nhóm quảng cáo trực tuyến" do môi trường kinh tế vĩ mô xấu đi và đồng USD tăng mạnh. Thông qua những buổi thảo luận với các đại lý quảng cáo kỹ thuật số, các nhà phân tích biết được rằng “nhiều đơn vị dẫn đầu đang tiết giảm chi phí cho quảng cáo”.
Trong báo cáo của Snap hôm thứ Năm, công ty cho biết kết quả đang bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của những thay đổi nền tảng, thách thức kinh tế và sự cạnh tranh. Snap tiếp tục không đưa ra mục tiêu cho quý cuối năm với lý do khó dự đoán quỹ đạo kinh tế hiện tại.
Snap cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng các đối tác quảng cáo của chúng tôi trên nhiều ngành đang giảm ngân sách tiếp thị, đặc biệt là khi đối mặt với những khó khăn của môi trường hoạt động, áp lực chi phí do lạm phát và chi phí vốn tăng.
Nếu quý thứ ba phản ánh quý thứ hai, báo cáo kém sắc của Snap có thể là một ví dụ điển hình cho các doanh nghiệp cùng ngành.
Vào tháng 7, Meta, Twitter, Pinterest và Google đều báo cáo kết quả kém hơn mong đợi của giới đầu tư Phố Wall.
Tuy nhiên, MC Jim Cramer của chương trình Investing Club cho biết có khả năng kết quả kém của Snap sẽ không phản ánh thị trường quảng cáo trực tuyến tổng thể. Meta và Alphabet “đã xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số đa diện”, còn Snap chỉ là một đơn vị có quy mô nhỏ hơn, do đó các ông lớn có khả năng “ít bị ảnh hưởng hơn đối với áp lực giảm chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số”.
Snapchat và loạt ‘ông lớn’ công nghệ thu hẹp quy mô
Cố vấn kinh tế của LinkedIn, ông Guy Berger nhận định: "Hiện tại, ngành công nghệ đang có chiều hướng đi xuống". Theo các chuyên gia, làn sóng cắt giảm nhân lực mới chỉ bắt đầu, do lãi suất và lạm phát không thể kiểm soát, các công ty buộc phải thắt lưng buộc bụng tập trung vào lợi nhuận thay vì tăng trưởng.
Tập đoàn Snap Inc., công ty mẹ của ứng dụng Snapchat cắt giảm 20% nhân lực toàn cầu, tương đương gần 1.200 nhân viên từ ngày 31/8 (theo CNN). Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, tính đến quý 6/2022, Snap báo cáo rằng họ có 6.446 nhân viên toàn thời gian.
Không chỉ riêng Snap, kể từ tháng 7 năm nay, hơn 30.000 nhân viên từ các công ty công nghệ tại Mỹ đã bị sa thải, bao gồm Meta, công ty mẹ của Facebook, công ty xe công nghệ Uber và nhiều tên tuổi "nhẵn mặt" trong lĩnh vực tiền điện tử.
Vừa qua, ông Brad Gerstner, Chủ tịch quỹ Altimeter Capital, cổ đông nắm giữ hơn 2 triệu vốn điều lệ của công ty mẹ Facebook đã gửi thư nhỏ kêu gọi Meta và Mark Zuckerberg ngừng đốt tiền vào metaverse và cắt giảm nhân viên. Trong thư, ông Brad Gerstner đề xuất kế hoạch giảm 20% chi phí nhân viên và hạn chế các khoản đầu tư đắt đỏ của công ty vào công nghệ “metaverse” - phần mềm và phần cứng VR (không quá 5 tỷ USD/năm).
Mới đây, Twitter vừa lên tiếng phủ nhận tin đồn sa thải 75% trong số 7.500 công nhân sau khi thương vụ 44 tỷ USD với Elon Musk hoàn tất, tuy nhiên, công ty cho biết việc thu nhỏ quy mô hoạt động tại đây gần như không thể tránh khỏi. Các tài liệu cho thấy các kế hoạch cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng đã được thực hiện trước khi Musk đề nghị mua lại công ty, Washington Post đưa tin. Dù vậy, Twitter đã đảm bảo với các nhân viên rằng công ty sẽ không bất kỳ sự sa thải hàng loạt nào.
Facebook: "Ác mộng" ập tới, tương lai mù mịt - Buộc phải thu hẹp quy mô, sa thải nhân viên 
‘Bàn tay dính máu’ của các CEO gã khổng lồ công nghệ Mỹ 
Các CEO công nghệ hứng chịu chỉ trích tại Thượng viện Mỹ