VnDirect bị phạt vì cấp margin cho THD của Thaiholdings dù cổ phiếu này chưa đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
VnDirect bị phạt vì cấp margin cho THD của Thaiholdings
Ngày 7/10 vừa qua CTCP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) công bố thông tin nhận được quyết định của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đề ngày 30/9/2022. Theo đó VnDirect bị phạt 60 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ.
Cụ thể, ngày 2/10/2020 Chứng khoán VnDirect đã dùng 1.078.500 cổ phiếu Thaiholdings (THD) trên mỗi tài khoản giao dịch số 021C297143 đứng tên Đinh Thị Thanh Loan, 021C297144 đứng tên Nguyễn Thị Nga, 021C297138 đứng tên Nguyễn Thị Hương, 021C297139 đứng tên Hà Thanh Hương làm tài sản đảm bảo, giải ngân cho vay đối với 4 tài khoản trên (6.035.603.500 đồng đối với mỗi tài khoản) trong khi tại thời điểm này, cổ phiếu THD không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (đến ngày 2/10/2020 cổ phiếu THD có thời gian niêm yết chưa đủ 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên 19/6/2020).
Quyết định phạt lỗi vi phạm của Vndirect đối với lỗi vi phạm cấp margin cho cổ phiếu THD của Thaiholdings cách đây 2 năm cũng khiến các nhà đầu tư một lần nữa đưa cả Thaiholdings và VnDirect vào "tầm ngắm".
Cổ phiếu VND đã “xuyên thủng” đáy 1 năm
Trên thị trường cổ phiếu VND vừa trải qua phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, đóng cửa phiên giao dịch SÁNG 11/10/2022 ở mức 13.850 đồng/cổ phiếu – xuyên thủng luôn đáy của khoảng 1 năm trở lại đây.
Vốn hoá thị trường của VnDirect cũng “bay” từ 42.000 tỷ đồng thời điểm đầu tháng 4/2022 xuống dưới 20.000 tỷ đồng khi giá cổ phiếu VND giảm từ vùng giá xấp xỉ 35.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 14.000 đồng thị giá.
VND là một trong những cổ phiếu có thanh khoản lớn trên thị trường chứng khoán. Mỗi phiên đều có hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh. Bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất mỗi phiên có khoảng 17 triệu cổ phiếu VND khớp lệnh.
VnDirect vừa tiến hành các đợt tăng vốn khủng liên tục
Năm 2022 vừa qua VnDirect đã tiến hành tăng vốn với mục đích tăng quy mô hoạt động của công ty để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ khách hàng, tăng năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, đồng thời bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty. Trước đó năm 2021 VnDirect cũng đã từng tăng vốn lớn, gần gấp đôi.
VnDirect thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Một năm sau đó, tăng vốn gấp 6 lần lên 300 tỷ đồng. Vốn điều lệ này được giữ nguyên đến năm 2010 công ty liên tiếp tăng vốn điều lệ 2 lần, lên 450 tỷ đồng rồi lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng - gấp 3,3 lần đầu năm.
Năm 2014 Vndirect tăng lại vốn lên 1.550 tỷ đồng nhằm tập trung vào hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay margin. Năm 2018 công ty tiến hành tăng vốn lên hơn 2.200 tỷ đồng. Năm 2021 VnDirect tiếp tục công cuộc tăng vốn từ 2.200 tỷ đồng lên gần 4.350 tỷ đồng.
Chưa hết năm 2022, Vndirect đã thực hiện đợt tăng vốn với tỷ lệ tăng rất lớn, từ 4.350 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng tương ứng tăng gấp 2,8 lần ban đầu và gấp hơn 5 lần cùng thời điểm này năm ngoái.
Loạt cổ phiếu VnDirect đang nắm giữ đến cuối quý 2 đều giảm sâu
Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của VnDirect ghi nhận tổng giá trị giao dịch trong kỳ đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó giao dịch của các nhà đầu tư đạt 963.483 tỷ đồng, tập trung vào giao dịch cổ phiếu (468.046 tỷ đồng) và chứng khoán khác (gần 495.000 tỷ đồng).
VnDirect cũng mang tiền đi đầu tư chứng khoán. Mảng tự doanh của công ty hoạt động với tổng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ PVTPL hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 8.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó tách ra các phần đầu tư vào cổ phiếu đã niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết và các loại trái phiếu.
Soi danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của VnDirect thì thấy tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng giá gốc đến 30/6/2022 trong đó tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu PTI và HSG là nhiều nhất, ngoài ra danh mục còn có MWG và NLG.
VnDirect chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022, tuy nhiên nhìn sơ qua, các cổ phiếu trong danh mục đầu tư nắm giữ đến 30/6/2022 của công ty hiện tại đang giảm rất sâu so với thời điểm kết thúc quý 2/2022. Điển hình như PTI của Bảo Hiểm bưu điện đã giảm hơn một nửa, vừa giảm sàn về mức 33.000 đồng/cổ phiếu. Hay MWG cũng giảm khoảng 20%, NLG cũng giảm khoảng 25% tính từ thời điểm cuối tháng 6 đến nay. Liên quan đến PTI, vì sao công ty bảo hiểm này lại lỗ sâu ngay giai đoạn vừa sáp nhập là một câu chuyện đáng chú ý. Sản phẩm bảo hiểm hay món đầu tư nào của PTI khiến doanh nghiệp bị thua lỗ nặng? Có lẽ, mùa báo cáo quý 3 hoặc cuối năm sẽ rõ nét hơn cho nhà đầu tư hiểu.
Ngoài khoản đầu tư vào cổ phiếu, VnDirect cũng đầu tư gần 6.900 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, tăng khoảng 5.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi đó hiện tại, việc rất nhiều doanh nghiệp bị “sờ gáy” khoản phát hành trái phiếu. Thậm chí có doanh nghiệp mới thông báo không đủ khả năng trả nợ lãi trái phiếu như VKC Holdings, nhà đầu tư càng muốn “soi” danh mục sở hữu trái phiếu của các doanh nghiệp.
Trong khi đó tình hình hoạt động thực tế mảng cho vay margin, báo cáo ghi nhận tổng các khoản cho vay cho hoạt động ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 30/6/2022 là 11.663 tỷ đồng – giảm hơn 3.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm chứng tỏ mảng môi giới chứng khoán đang chững lại, thay vào đó là việc công ty mang tiền đi đầu tư.
VnDirect gia tăng đi vay, ai là “chủ nợ lớn nhất?”
Tính đến 30/6/2022 tổng nợ phải trả của VnDirect tăng khoảng 2.670 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 20.600 tỷ đồng, vay trái phiếu ngắn hạn 950 tỷ đồng và vay trái phiếu dài hạn 1.000 tỷ đồng. Còn lại các khoản phải trả ngắn hạn khác tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 5.800 tỷ đồng – đây là khoản tiền của các nhà đầu tư mà công ty nhận quản lý.
Chủ nợ của VnDirect là những ai? Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận VnDirect “điểm danh” 2 ngân hàng trong nước cho vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dư nợ vay ngắn hạn đến 30/6/2022 là hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó các giao dịch phát sinh vay/trả trong kỳ rất lớn với gần 46.200 tỷ đồng vay ra, và trả về hơn 45.400 tỷ đồng.
Vietcombank cũng có khoản dư nợ cho VnDirect vay đến 30/6/2022 gần 3.600 tỷ đồng, trong đó trong kỳ cũng giao dịch khá “nhộn nhịp” với gần 6.200 tỷ đồng vay thêm và trả bớt hơn 4.400 tỷ đồng.
Số còn lại của vay ngắn hạn bằng tiền mặt đề tên “ngân hàng khác” với dư nợ đến 30/6/2022 hơn 4.650 tỷ đồng giảm được gần 5.500 tỷ đồng so với đầu năm. Giao dịch trong kỳ cũng rất tích cực với hơn 31.000 tỷ đồng vay thêm và trả bớt hơn 36.500 tỷ đồng.
Đối với khoản vay bằng USD, tổng dư nợ đến 30/6/2022 là hơn 8.300 tỷ đồng (đã quy đổi).
Danh mục bảo lãnh phát hành trái phiếu năm 2021 có tên của Trung Nam Group
Danh mục các hợp đồng tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu lớn năm 2021 của VnDirect có sự xuất hiện của rất nhiều cái tên đáng chú ý, trong đó có Trung Nam Group.
VnDirect là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành cho hàng loạt lô trái phiếu của nhóm Trung Nam.
Trong khi đó, liên quan đến các dự án điện của Trung Nam, mới đây Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Thủ tướng về việc được giao hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận quản lý tài sản lưới điện truyền tải điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân, do nhà đầu tư tư nhân là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất bàn giao không tính chi phí (bàn giao 0 đồng), theo chỉ đạo hồi đầu năm nay của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Bộ Công Thương đã có kiến nghị lùi thời gian bàn giao dự án đường dây 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư và sẵn sàng bàn giao lại với giá 0 đồng cho Nhà nước.
Cấp margin cho cổ phiếu Thaiholdings (THD), VNDirect (VND) bị UBCKNN "gõ đầu"