Carl Icahn thừa nhận sai lầm khi đặt cược lớn vào việc thị trường sẽ sụp đổ. Tập đoàn của "sói già phố Wall" phải trả giá 9 tỷ USD.
Nổi danh với cái tên “Sói già phố Wall”, nhà đầu tư huyền thoại Carl Icahn đã hạ gục nhiều công ty nhờ tận dụng những sơ hở trong quản trị cùng với phong cách đầu tư “xé lẻ doanh nghiệp” để thu lại lợi nhuận bất chấp công ty đó có thể phá sản.
Nổi đình nổi đám là thế nhưng mới đây, vị tỷ phú này đã thừa nhận bản thân đã sai lầm khi thực hiện 1 cú đặt cược lớn rằng thị trường sẽ sụp đổ, khiến quỹ đầu tư của ông thiệt hại gần 9 tỷ USD trong gần 6 năm qua.
Phán đoán sai lầm
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tập đoàn Icahn Enterpries, công ty đầu tư mà Icahn nắm 85% cổ phần, đã mạnh tay đặt cược vào kịch bản thị trường sẽ sụp đổ. Ông triển khai một chiến lược phức tạp bằng cách bán khống nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm cổ phiếu của các công ty riêng biệt, trái phiếu và bán khống theo quỹ chỉ số theo dõi toàn bộ thị trường.
“Tôi vẫn luôn nói rằng không ai có thể áp dụng thành công chiến lược “market timing” nếu chỉ dựa trên dự đoán ngắn hạn hoặc những nền tảng tức thời. Tuy nhiên, có lẽ chính tôi đã mắc phải lỗi này trong những năm gần đây”, Icahn chia sẻ. Market timing là chiến lược đầu tư dựa trên dự đoán về biến động của thị trường trong tương lai để đưa ra quyết định đầu tư ở hiện tại.
Chỉ tính riêng năm 2017, “Sói già phố Wall” đã lỗ khoảng 1,8 tỷ USD khi đặt cược vào những vị thế giúp ông thắng lớn nếu như giá các loại tài sản lao dốc. Trong giai đoạn từ 2018 đến quý 1/2023, ông tiếp tục lỗ thêm 7 tỷ USD, theo phân tích của Financial Times.
Bên cạnh đó, Icahn Enterprises cũng phải chịu tổn thất gần 4,3 tỷ USD do các hoạt động bán khống trong các năm 2020 và 2021.
Nhờ các gói kích thích khổng lồ mà Fed triển khai, thị trường đã nhanh chóng hồi phục sau khi trải qua thời gian suy thoái ngắn hạn khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
“Tôi đã tin rằng thị trường đang gặp rắc rối lớn. Nhưng Fed lại bơm vào thị trường hàng nghìn tỷ USD để chống lại đại dịch. Và có 1 câu nói đã cũ nhưng vẫn còn đúng: đừng chống lại Fed”, theo Icahn.
Các khoản đặt cược của Carl Icahn vào kịch bản thị trường lao dốc là một trong những nguyên nhân chính khiến danh mục đầu tư của ông thua lỗ trong suốt các năm từ 2014 đến nay, thậm chí đe dọa danh tiếng “một trong những nhà đầu tư chủ động đáng sợ nhất trên phố Wall”.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian thua lỗ đó, Icahn Enterprises vẫn thu được 3,5 tỷ USD bằng cách bán một vài công ty mà họ kiểm soát, chẳng hạn như vài sòng bạc và một công ty cho thuê xe. Những công ty này nằm ngoài danh mục đầu tư.
Rủi ro từ khoản vay ký quỹ
Đầu tháng 5 năm nay, nhà đầu tư huyền thoại Carl Icahn đã nhận một đòn giáng nặng nề khi quỹ bán khống Hindenburg Research tung ra báo cáo nhận định Icahn Enterprises thổi phồng giá trị của danh mục tài sản riêng và giá cổ phiếu có “mức phí cao hơn 200% so với giá trị tài sản ròng, mức phí cao hơn nhiều so với tất cả các đối thủ cạnh tranh”.
Kể từ khi báo cáo này được công bố, giá cổ phiếu Icahn Enterpries đã bốc hơi hơn 30%. Tài sản của nhà tài phiệt Carl Icahn cũng đã “bốc hơi” hơn 10 tỉ USD chỉ sau 1 ngày. Theo Bloomberg Billionaires Index, từ người giàu thứ 58 thế giới, Carl Icahn đã rơi xuống vị trí thứ 119 với khối tài sản trị giá 14,6 tỉ USD.
Những cú đặt cược sai lầm của “Sói già” đã khiến tập đoàn đầu tư của ông thiệt hại hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nhờ việc rót gần 4 tỷ USD tiền túi, Icahn đã giúp ổn định giá trị danh mục đầu tư của Icahn Enterprises.
Nhưng Icahn đã tiếp tục dấn thân vào 1 rủi ro khác khi sử dụng 1 khoản vay ký quỹ. Theo báo cáo thường niên của Icahn Enterprises, đến hết năm 2022, Carl Icahn đã thế chấp 181,5 trong 300 triệu cổ phần của mình để đảm bảo một số khoản vay cá nhân.
Báo cáo của Hindenburg nêu chi tiết hơn: Morgan Stanley là đối tác cho các khoản vay ký quỹ của Icahn, trong đó Icahn đã sử dụng 60% số cổ phần ông sở hữu tại Icahn Enterprises làm tài sản đảm bảo.
Theo Hindenburg Research, “Hình thức huy động tài chính này có rủi ro đối với giao dịch ký quỹ nếu giá cổ phiếu giảm xuống.” Khi giá cổ phiếu giảm đủ sâu, Icahn buộc phải thanh toán toàn bộ khoản vay gốc hoặc thế chấp thêm cổ phiếu cho Morgan Stanley.
Phản hồi về báo cáo của Hindenburg, Icahn Enterprises khẳng định Icahn đã tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến khoản vay cá nhân. Đồng thời thông báo mua lại 500 triệu USD cổ phiếu quỹ để ngăn chặn cổ phiếu lao dốc thêm. Về giá trị thị trường, tập đoàn khẳng định”thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời”.
Chia sẻ với Financial Times, Icahn cho biết “Tôi đã nhiều lần thành công khiến tiền đẻ ra tiền trong nhiều năm qua. Tôi thích sở hữu nguồn tiền dồi dào để đối phó với những tình huống khẩn cấp và việc vay ký quỹ sẽ giúp tôi củng cố nguồn tiền”. Còn bản thân ông vẫn còn hàng tỷ USD tiền mặt bên ngoài Icahn Enterprises, ông nói thêm.
Carl Icahn không phải vị tỉ phú duy nhất lấy cổ phần trong công ty đại chúng của mình để làm tài sản thế chấp cho việc vay tiền. Theo tính toán của Forbes, từ tháng 11 năm 2021, ít nhất 32 trong số 400 tỷ phú Mỹ đã thế chấp cổ phần để thực hiện các khoản vay cá nhân. Trong đó có những cái tên nổi bật như ông chủ Tesla - Elon Musk, hay Larry Ellison, đồng sáng lập tập đoàn phần mềm khổng lồ Oracle.
Giá trị tài sản ròng của Icahn Enterprises giảm từ 7,9 tỷ USD vào năm 2017 xuống còn 5,6 tỷ USD trong tháng này. Đây có thể là một rắc rối khác đối với Carl Icahn, người thường trả cổ tức hậu hĩnh (8 USD/cổ phiếu) nhưng bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Điều này dẫn đến lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng hơn gấp đôi trong vòng 6 năm.
Với áp lực ngày càng lớn, Carl Icahn đã phải cẩn trọng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự bất ổn của ngành ngân hàng, cùng với bế tắc trong vấn đề trần nợ công sẽ dẫn đến một cơn bán tháo cổ phiếu trên diện rộng.
Hậu vận không ngờ của “Thần bài phố Wall": 87 tuổi bị đánh úp, 60% tài sản bốc hơi 
Sói già phố Wall giành chiến thắng trong nỗ lực chấn chỉnh “con mồi” Illumina