Các cổ phiếu TDH, QCG, EVG,... đã tăng trần nhiều phiên và tăng gấp đôi thị giá chỉ sau 1 tháng. Hàng chục mã khác ghi nhận thanh khoản tăng đột biến đi kèm sự trở lại của dòng tiền tạo lập.
2 tuần trở lại đây, bất chấp thị trường chứng khoán đi ngang trong vùng trống thống tin và một số nhóm trụ thiếu đi những thông tin đủ mạnh, mỗi phiên vẫn có hàng chục cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng trần đặc biệt ở nhóm bất động sản.
Một số mã như TDH, QCG, EVG,... đã tăng trần nhiều phiên và tăng gấp đôi thị giá chỉ trong 1 tháng. Hàng chục cổ phiếu khác ghi nhận thanh khoản tăng đột biến đi kèm sự gia tăng trở lại của dòng tiền tạo lập.
Bên cạnh những doanh nghiệp có câu chuyện riêng như cổ tức cao, kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh, không ít doanh nghiệp kinh doanh sa sút, thua lỗ nhiều quý, nhiều năm vẫn vù vù tăng giá. Dấu hiệu bulltrap/tạo lập cung cầu và đẩy giá ảo luôn tiềm ẩn rủi ro - nhất là với các nhà đầu tư theo trường phái T+.
Phiên sáng 1/6/2023 (thời điểm 9h51), VN30-Index liên tục rung lắc nhẹ quanh tham chiếu; trên cả 3 sàn vẫn có tới 60 cổ phiếu tăng trần
Cổ phiếu bị làm giá thường có những dấu hiệu bất thường như tăng giá phi mã, thanh khoản cao trong khi chất lượng tài sản công ty thấp.
Có nhiều cách để tạo ra một "trận đánh ma" ở một cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ; cổ phiếu bị làm giá là những cổ phiếu bị can thiệp giá bởi đội lái - nhóm các nhà đầu tư, công ty hoặc cá nhân có nhiều kinh nghiệm, vốn lớn và nhiều mối quan hệ trên thị trường liên kết với nhau để thực hiện chiêu trò.
Giá của những cổ phiếu này thường được đẩy cao hơn so với giá trị thực nhiều lần trong thời gian ngắn bằng cách tạo cung cầu giả, tung thông thông tin sai lệch, lợi dụng chênh lệch giữa cơ sở và phái sinh,... Khi giá được thổi lên ngưỡng cao gấp nhiều lần (đạt đỉnh), đội lái sẽ bán tháo thu về lợi nhuận.
TGG - cổ phiếu từng được nhóm cựu lãnh đạo Đỗ Thành Nhân thổi giá hàng chục lần giai đoạn quý 3/2021
Các dấu hiệu cơ bản của cổ phiếu bị làm giá
Cổ phiếu được chọn để làm giá chủ yếu thuộc nhóm vốn hóa nhỏ: Cổ phiếu bị làm giá chủ yếu thuộc nhóm có vốn hóa tầm trung (Midcap), vốn hóa nhỏ (cổ phiếu Penny) hoặc những công ty có quá trình tăng vốn nhanh, gấp nhiều lần quy mô ban đầu. Ngoài ra, một số công ty này thường có lịch sử vi phạm liên quan đến tính minh bạch, công bố thông tin cổ phiếu.
Giá trồi sụt bất thường: Giá cổ phiếu tăng phi mã gấp 4 - 5 lần, thậm chí hàng chục lần trong thời gian ngắn dù công ty chỉ đạt lợi nhuận khiêm tốn. Đội lái luôn xây dựng một quy trình đẩy giá rồi ngưng lại, xen lẫn một vài phiên giảm nhẹ rồi đẩy tiếp để thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ và bán ra ngay đỉnh, khiến nhiều nhà đầu tư bị dính bẫy.
Thanh khoản cao đột biến: Thông thường nhà đầu cơ sẽ chọn những mã cổ phiếu có độ thanh khoản thấp để thuận tiện cho việc làm giá, tạo cung cầu giả dẫn tới thanh khoản tăng đột biến. Không phải tất cả những cổ phiếu có hiện tượng này đều bị làm giá, có thể là do thị trường xuất hiện thông tin tốt nên các nhà đầu tư mua với số lượng lớn, kéo thanh khoản tăng cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên đặt ra câu hỏi tại sao thanh khoản tăng để xác định thông tin chính xác về doanh nghiệp.
Lãnh đạo công ty quá quan tâm đến giá cổ phiếu: Ban lãnh đạo công ty đăng ký giao dich lượng lớn cổ phiếu một cách bất thường, thường xuyên phát biểu với truyền thông, hứa hẹn với các cổ đông cổ phiếu sẽ tăng trưởng. Lúc này, nhà đầu tư nên quan sát thận trọng và tìm hiểu thông tin về tình hình kinh doanh của công ty. Nếu hoạt động kinh doanh của công ty không có điểm sáng, nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng.
Hay như cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân từng có chuỗi giảm sàn hàng chục phiên từ giữa tháng 8 - cuối tháng 9/2019. Bản thân Chủ tịch HĐQT FTM Lê Mạnh Thường và cá nhân Phạm Thị Phương hồi tháng 8/2021 từng bị UBCKNN phạt hành chính 600 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu (sử dụng 50 tài khoản giao dịch để tạo cung cầu giả)
Báo báo tài chính ghi nhận nhiều tài sản ảo: Một số doanh nghiệp không có nhiều tài sản cố định, mà phân bổ chủ yếu ở những khoản thiếu chắc chắn hoặc khó kiểm soát như phải thu, tồn kho, tài sản vô hình, vốn góp, đầu tư tài chính, tiền cọc,... Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi kém, phụ thuộc các nguồn thu đột biến khác và không có thuyết minh rõ ràng. Như vậy dòng tiền không sinh ra từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mua cổ phiếu các công ty này có thể sẽ bị pha loãng, cao hơn hơn giá trị thực.
Xuất hiện thông tin liên tục: ở những công ty ít tên tuổi sẽ không được thị trường chú ý, để làm giá cổ phiếu, đội lái thường sử dụng thông tin giả để định hướng truyền thông với những tin tức dày đặc như: Dự án tỷ USD, kế hoạch mua lại công ty khác, có cổ đông lớn đầu tư,... Phương tiện truyền thông để truyền bá tin đồn là mạng xã hội, chatroom, chiến dịch email và bản tin giả,...
Theo chuyên gia chứng khoán, không bao giờ có chuyện các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhận được "tin mật". Đây chỉ là sự huyễn hoặc của đội lái cùng với sự tiếp sức của một số nhân viên môi giới (broker) thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Cổ phiếu bị làm giá có thể mang lại cho nhà đầu tư một khoản lợi nhuận nhanh chóng trong thời gian ngắn nếu mua và bán đúng thời điểm. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư bị cuốn theo sóng giả khi đều mua ở mức giá cao và bán lỗ.
Do đó, để tránh mua những cổ phiếu bị làm giá, nhà đầu tư cần hiểu rõ doanh nghiệp, chọn doanh nghiệp có tiềm nằng tăng trưởng và ban lãnh đạo minh bạch, đầu tư có tính kỷ luật, không chạy theo số đông và tin đồn. Trường hợp nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao vẫn muốn thử vận may thì nên phân bố tỷ trọng nguồn vốn nhỏ, phải theo dõi sát diễn biến để "thoát hàng" kịp thời.
2 cổ phiếu rổ VN30 cùng vượt đỉnh lịch sử trong ngày VN-Index bật tăng 13,7 điểm 
'Trận đánh' ở Đất Xanh: Dòng tiền ngắn hạn xả bán 12% vốn DXG chỉ sau 2 phiên?