Hàng hóa - Tiêu dùng

Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?

Ái Hân 18/04/2025 16:00

Hàng trăm nhãn hiệu sữa giả được bán suốt 4 năm qua mà không bị phát hiện, hé lộ những lỗ hổng đáng báo động trong công tác quản lý.

Hơn 500 tỷ đồng doanh thu từ sữa bột giả được bán công khai trong suốt 4 năm qua khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm? Và vì sao những sản phẩm này có thể “lọt lưới” kiểm soát dễ dàng đến vậy?

Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND

Đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả với sự tham gia của 11 doanh nghiệp, tung ra thị trường 573 nhãn hiệu, nhắm tới các đối tượng nhạy cảm như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai… đã hoạt động trong suốt 4 năm, thu về gần 500 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là các sản phẩm này không chỉ được bày bán công khai tại cửa hàng, sàn thương mại điện tử, mà còn trúng thầu cung cấp cho bệnh viện.

>>Mỹ 'chốt đơn' 5 tỷ USD máy móc, Việt Nam vươn lên Top 2 ASEAN

Chị Thu Hà (Biên tập viên của VTV) không khỏi phẫn nộ khi phát hiện loại sữa Nitrogen chị từng mua cho chồng sau ca phẫu thuật não thuộc danh sách nghi vấn hàng giả. “Chồng tôi có bị ảnh hưởng sức khỏe vì uống loại sữa này không? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tổn thất vật chất, sức khỏe và tinh thần mà người tiêu dùng phải gánh chịu?”, chị đặt câu hỏi.

Trường hợp khác, mẹ của chị Trần Bảo Linh (Hà Nội) đã uống sữa Hofumil Gold Plus ngay sau ca mổ tuyến giáp tại Bệnh viện 108. Đây là sản phẩm do Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma, một trong các doanh nghiệp liên quan đến vụ sữa giả sản xuất và trúng thầu vào bệnh viện với giá gần một triệu đồng mỗi hộp. Sau khi vụ việc bị phanh phui, Bệnh viện 108 đã tiến hành thu hồi sản phẩm, cho biết họ cũng là nạn nhân như các cơ quan, đơn vị và người tiêu dùng khác.

Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?
Mẹ của chị Trần Bảo Linh (Hà Nội) đã uống sữa Hofumil Gold Plus ngay sau ca mổ tuyến giáp tại Bệnh viện 108. Ảnh: Vnexpress

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa khiến sữa giả tồn tại công khai trong thời gian dài là do những “lỗ hổng” trong hệ thống quản lý và pháp lý hiện hành.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng: các doanh nghiệp có thể hợp pháp hóa quy trình bằng cách hoàn thiện đầy đủ thủ tục kinh doanh theo quy định, trong khi vi phạm chỉ lộ rõ nếu sản phẩm được đem đi kiểm nghiệm. Thêm vào đó, không có phản ánh từ người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để lấy mẫu kiểm tra.

Không ít doanh nghiệp còn thuê người nổi tiếng, diễn viên, người mẫu có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Hình thức này càng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát.

Việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được chia cho nhiều đầu mối: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Công Thương và UBND các cấp. Sự chồng chéo này khiến công tác quản lý thiếu hiệu quả.

Đại diện Bộ Công Thương nêu rõ, đơn vị chỉ quản lý đối với sữa thông thường, còn các loại sữa có bổ sung vi chất nằm trong thẩm quyền của Bộ Y tế. Trong khi đó, Bộ Y tế lại khẳng định đã phân cấp hậu kiểm cho địa phương theo Nghị định 15/2018. Theo quy định, doanh nghiệp có thể tự công bố chất lượng sản phẩm tại cơ quan chức năng cấp địa phương, thay vì xin phép cơ quan trung ương.

Hệ thống quản lý hiện nay chủ yếu dựa vào hậu kiểm, tức kiểm tra sau khi sản phẩm đã lưu hành thay vì tiền kiểm như với thuốc hay sữa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm kém chất lượng có thể trôi nổi một thời gian dài trước khi bị phát hiện.

Một cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội thừa nhận: “Chỉ tiêu chất lượng do doanh nghiệp tự công bố nên cơ quan chức năng chỉ kiểm tra trên cơ sở đó. Nếu không có đơn thư phản ánh, việc lấy mẫu kiểm nghiệm cũng không được tiến hành thường xuyên”.

Chi phí kiểm nghiệm sữa khá cao, nếu kết quả không phát hiện sai phạm thì cơ quan kiểm tra phải tự chi trả. Điều này khiến các đơn vị ngần ngại thực hiện kiểm tra định kỳ, đặc biệt khi chưa có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng quản lý theo hình thức hậu kiểm chỉ phát huy hiệu quả nếu doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh và tuân thủ pháp luật. Thực tế, pháp luật hiện chưa quy định rõ ràng về thời điểm, tần suất và đơn vị chịu trách nhiệm kiểm nghiệm sản phẩm sau khi ra thị trường.

Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, các chuyên gia đề xuất cần nâng cao hiệu quả hậu kiểm bằng cách kiểm tra đột xuất, tăng cường lấy mẫu thực tế và kiểm nghiệm bằng thiết bị chuyên dụng thay vì chỉ xem xét hồ sơ.

Bộ Y tế cho biết đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 15, với nhiều điểm mới siết chặt công tác hậu kiểm, đặc biệt với thực phẩm chức năng và sữa bổ sung. Dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi cũng đề xuất nâng tiêu chuẩn kiểm soát với các mặt hàng này.

Ngày 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương điều tra vụ việc, đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật nếu chưa phù hợp với thực tế.

>>Chân dung đối tượng sinh năm 1991 cầm đầu đường dây thuốc giả ở Thanh Hóa thu lợi bất chính 200 tỷ đồng

Cổ phiếu ngân hàng bứt phá giữa mùa ĐHĐCĐ: SHB tăng trần, thanh khoản gần 1.700 tỷ đồng

Giá vàng SJC đắt hơn thế giới 12 triệu đồng: TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất mở cửa nhập khẩu, lập sàn vàng quốc gia

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sua-gia-lot-vao-benh-vien-nhu-the-nao-ai-bien-nguoi-tieu-dung-thanh-chuot-bach-bat-dac-di-287107.html
Bài liên quan
  • Vi phạm có tình tiết tăng nặng, TPBank bị xử phạt
    Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao ông Đỗ Minh Phú là người đại diện tổ chức bị xử phạt - Ngân hàng TPBank - chấp hành quyết định.
    2 giờ trước| Tài chính Ngân hàng
  • Giá USD tự do tăng mạnh, vượt xa mốc 26.000 đồng
    Giá USD trên thị trường tự do hôm nay (18/4) tăng mạnh, đắt thêm hơn 150 đồng, vượt xa mốc 26.000 đồng/USD, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi lên.
    2 giờ trước| Tài chính Ngân hàng
  • Cảnh tượng chưa từng thấy ở 'phố vàng' Hà Nội
    Sáng sớm 18/4, hàng trăm người đổ về phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) xếp hàng mua vàng khi giá lên tới 120 triệu đồng/lượng, nhiều cửa hàng treo biển hết hàng, chỉ mua vào chứ không bán ra.
    2 giờ trước| Tài chính Ngân hàng
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH