Tài chính Ngân hàng

Sửa Luật Đấu thầu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Mạnh Cường 06/04/2025 5:36

Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục đầu tư công.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện thể chế theo định hướng của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, đồng thời khắc phục một số bất cập thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu.

Luật Đấu thầu hiện hành (số 22/2023/QH15, sửa đổi tại Luật số 57/2024/QH15) đã tạo dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo đồng bộ với Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Một số nhóm nội dung lớn được đề xuất sửa đổi, bao gồm: mở rộng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bổ sung cơ chế linh hoạt cho đấu thầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động đấu thầu.

Sửa Luật Đấu thầu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dự thảo đề xuất nhiều chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia nhiệm vụ khoa học, công nghệ, nhất là khi sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, tổ chức chủ trì có thể tự quyết định lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp đặc thù.

Ngoài ra, các sản phẩm đổi mới sáng tạo, công nghệ số, cùng các nhà thầu là doanh nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… sẽ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng đấu thầu trong nước hoặc quốc tế. Nhà đầu tư trong nước có thể liên danh với đối tác nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu nước ngoài trong quá trình đấu thầu.

Một điểm đáng chú ý là đề xuất bỏ thủ tục “thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu” với các gói thầu sử dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và mua sắm trực tiếp. Vai trò của bên mời thầu cũng được đề xuất chuyển giao cho tổ chuyên gia và chủ đầu tư nhằm tinh giản bộ máy và tăng tính tự chủ.

Về hình thức chỉ định thầu, dự thảo đề xuất chỉ quy định nguyên tắc tại luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, bổ sung quy định về thương thảo giá để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm ngân sách.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung cơ chế chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, có yêu cầu về sự đồng bộ hạ tầng số hoặc nhà đầu tư đã triển khai giai đoạn trước đó.

>> Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 20/11

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Vận hành KRX vào ngày 5/5, tiến gần mục tiêu nâng hạng trong năm nay

Bộ Tài chính: Việt Nam không dựng rào cản, vì sao Mỹ vẫn muốn áp thuế 46%?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sua-luat-dau-thau-de-thuc-day-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-285855.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sửa Luật Đấu thầu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
    POWERED BY ONECMS & INTECH