Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành mà hiện nay lại thiếu khung pháp lý để điều chỉnh.
Giao dịch tiền ảo phổ biến nhưng khó kiểm soát
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị khẩn trương nghiên cứu khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số
Ông Hạ cho biết tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Tuy nhiên, qua 6 năm, Việt Nam vẫn khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán vẫn không được pháp luật thừa nhận.
“Nhưng trên thực tế, thị trường tài chính  trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến điện tử mới như như tiền ảo , tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng...”, ông Hạ nêu.
Đại biểu đánh giá rằng việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành. Trong khi đó, hiện nay đang thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, dễ gây những hậu quả khó lường. Do đó, ông Hạ đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu về vấn đề này.
Theo số liệu của Chainalysis, từ tháng 7/2022 cho đến tháng 7/2023, Việt Nam có 120 tỷ USD chảy vào thông qua tài sản mã hóa, gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD tổng số vốn FDI. Con số này thậm chí còn vượt cả Thái Lan dù nền kinh tế ngầm tại Thái Lan chiếm 40% GDP nước này.
Đặc biệt, toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) thực hiện những giao dịch này ở Việt Nam phần lớn là các sàn giao dịch tập trung. Các sàn này không có giấy phép ở Việt Nam nhưng đều có sẵn Tiếng Việt để người Việt giao dịch.
>>Việt Nam có thể thu dòng tiền lớn từ đánh thuế Bitcoin, tài sản ảo 
Cần một chính sách cho tài sản ảo
Thực tế, một chính sách cho tài sản ảo (VA) và VASP là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.
Theo nghiên cứu mới nhất tại 60 quốc gia của Hội đồng Đại Tây Dương (AC), đến tháng 12/2023 đã có 32/60 quốc gia trên thế giới đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa, bao gồm 10 quốc gia trong nhóm G20, chiếm 50% GDP toàn cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra 19 quốc gia cấm một phần và chỉ 8 quốc gia cấm toàn bộ.
Giao dịch tiền ảo phổ biến nhưng khó kiểm soát. |
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội blockchain Việt Nam cũng cho rằng cần thiết ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030. Theo đó, cần ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo ông Trung, hiện đã có 18 văn bản được ban hành từ 2017 – 2024, bao gồm cả văn bản về khởi nghiệp và sắp tới là Chiến lược Blockchain Quốc gia có thể sẽ sớm được ban hành ngay quý 2/2024.
“Tôi rất kỳ vọng là sau khi ban hành, Chiến lược Blockchain Quốc gia sẽ bổ trợ cho Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu FATF”, ông Trung nói.
Ông Phan Đức Trung cũng nêu, việc ban hành sớm và phù hợp sẽ giúp chuyển hóa giá trị của VA-VASP từ nền kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức, giúp bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống khủng bố.
Không những vậy, theo ông Trung, việc có chính sách quản lý VA-VASP phù hợp còn có thể giúp giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp.
“Chúng ta nhìn thấy các kênh huy động vốn từ chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu,.. đều đang khó khăn trong khi dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI”, ông Trung nói.
>>Cục Công nghiệp CNTT & Truyền thông tiếp tỷ phú công nghệ Vitalik Buterin 
Thị trường tiền ảo nhộn nhịp, cảnh báo rủi ro khó lường 
Đánh cắp 636 tỷ đồng tiền ảo chỉ trong 12 giây, hai cựu sinh viên MIT bị buộc tội hình sự