Tại sao ông Trump kiên quyết sở hữu đảo Greenland bằng mọi giá?
Tổng thống đắc cử đã nhiều lần đề xuất mua hòn đảo này trong nhiều năm qua.
Tháng trước, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã khẳng định Mỹ cần kiểm soát đảo Greenland "vì mục đích an ninh quốc gia và tự do".
Ý tưởng này được ông lần đầu đề xuất công khai vào năm 2019, khi ông nhận định đây là một "thương vụ bất động sản lớn" có ý nghĩa chiến lược.
Greenland có vị trí địa chính trị ngày càng quan trọng, đặc biệt khi biến đổi khí hậu khiến băng tan ở Bắc Cực mở ra các tuyến đường hàng hải mới qua Bắc Đại Tây Dương.
Theo số liệu từ Hội đồng Bắc Cực được CNN trích dẫn, hoạt động vận chuyển qua khu vực này đã tăng 37% trong thập kỷ qua. Đảo này không chỉ là nơi đặt Căn cứ Vũ trụ Pituffik của quân đội Mỹ mà còn nằm trên "Lối đi Tây Bắc" - tuyến đường kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Đảo này cũng là một phần của khu vực chiến lược quan trọng Greenland-Iceland-Vương quốc Anh, nơi các tàu Nga phải đi qua để di chuyển từ Bắc Băng Dương vào Đại Tây Dương. Tuy nhiên, là thành viên NATO, Mỹ và Đan Mạch đã có sự hợp tác chặt chẽ.
Tài nguyên khoáng sản
Greenland được cho là có một nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú bao gồm than, kẽm, đồng, quặng sắt, kim cương và dầu mỏ. Tuy nhiên, phần lớn tiềm năng này vẫn chưa được khai thác do điều kiện địa hình khắc nghiệt khi phần lớn đảo này bị bao phủ bởi băng và sông băng.
Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch với dân số khoảng 60.000 người, chủ yếu là người Inuit. Mối quan hệ giữa Đan Mạch và Greenland có lịch sử lâu đời từ thế kỷ 18. Dù đã được trao quyền tự quản về các vấn đề nội bộ từ năm 2009, Greenland vẫn chịu sự kiểm soát của Đan Mạch trong quan hệ đối ngoại.
Trong những năm gần đây, phong trào đòi độc lập hoàn toàn đã trở nên nổi bật hơn. Ông Trump tuyên bố vào năm 2019 rằng Greenland đang "gây tổn hại rất lớn cho Đan Mạch vì họ đang mất khoảng 700 triệu USD mỗi năm để duy trì đảo".
Cả Chính phủ Greenland và Đan Mạch đều kiên quyết bác bỏ đề xuất mua đảo của ông Trump. Thủ tướng Greenland Múte Egede khẳng định "Greenland là của chúng tôi và không bao giờ để bán".
Mới đây, việc Vua Frederik của Đan Mạch thay đổi biểu tượng hoàng gia  để nhấn mạnh hình ảnh gấu Bắc Cực đại diện cho Greenland được xem như một thông điệp gián tiếp gửi tới ông Trump.
Cung điện hoàng gia Đan Mạch không trả lời về những giả thuyết rằng sự thay đổi này nhằm phản ứng với Trump, nhưng cho biết trong một tuyên bố rằng ba chiếc vương miện tượng trưng cho liên minh của Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đã được thay thế bằng cừu và gấu Bắc Cực vì chúng "không còn liên quan nữa".
Ông Trump vào thứ Ba đã đe dọa sẽ áp thuế "rất cao" lên Đan Mạch nếu nước này từ chối nỗ lực mua Greenland và không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để kiểm soát đảo.
Các lãnh đạo Đan Mạch cũng đã bác bỏ mạnh mẽ ý tưởng bán Greenland cho Mỹ khi ông Trump lần đầu tiên đưa ra đề xuất này vào năm 2019. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi đó là "một cuộc thảo luận vô lý" và nói rằng "tôi rất hy vọng rằng đây không phải là một ý tưởng nghiêm túc".
Đáng chú ý, ông Trump không chỉ nhắm đến Greenland mà còn đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về việc chiếm hữu các lãnh thổ khác. Ông đã đe dọa đòi lại Kênh đào Panama và còn gọi đùa Canada  là "tiểu bang thứ 51" của Mỹ. Những tuyên bố này đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia liên quan.
Lịch sử cho thấy ý tưởng mua Greenland không hoàn toàn mới. Năm 1946, cựu Tổng thống Harry Truman từng đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch với giá 100 triệu USD trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, một đề xuất mà giới học giả cho rằng đã bị Đan Mạch coi là "sự xúc phạm".
Theo Forbes
>> Ông Trump tuyên bố sẵn sàng ‘dùng vũ lực’ để giành lấy Greenland và kênh đào Panama 
Pháp cảnh báo ông Trump không đe dọa ‘biên giới có chủ quyền’ của EU 
Ông Trump đe dọa áp thuế cao, gây sức ép biến Canada thành một bang của Mỹ