Tầm nhìn mới cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Với tiềm lực sẵn có, Hà Nội đang nỗ lực giải quyết các vấn đề vướng mắc của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nhìn nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như “một quận công nghệ xanh” của thành phố, chứ không phải là một khu đất để xây nhà xưởng, nhà máy.
Nhận diện điểm nghẽn, tháo gỡ kịp thời
Với tinh thần chủ động và quyết liệt, ngay sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, tổng hợp những tồn tại và vướng mắc, thảo luận các kiến nghị, đề xuất để tìm ra giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của Khu trong giai đoạn mới.
Ngày 10/5, lần đầu tiên 92 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây đã có buổi đối thoại trực tiếp với người đứng đầu thành phố. Những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được lắng nghe và giải đáp ngay tại buổi đối thoại này.
Hiện, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc  có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ hình thành va phát triển, cho đến nay, cơ sở hạ tầng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa hoàn thiện, thiếu sự kết nối giữa trung tâm thành phố với Khu cũng như nhà ở cho chuyên gia, người lao động. Với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, đây là thách thức lớn, khiến cho việc đưa nhân lực lên đây làm việc hàng ngày trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Một rào cản khác nữa từ hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp than phiền tín hiệu điện thoại, tín hiệu mạng, nguồn điện ở Khu công nghiệp Hòa Lạc không ổn định, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.
Trong những khó khăn đang tồn tại tại đây, việc chậm giải phóng mặt bằng đang là vấn đề nổi cộm. Tính đến hết năm 2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.425,14/1.586ha (đạt 89,3%). Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Trả lời câu hỏi của đại diện Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn FPT về việc sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Giám đốc Ban Quy hoạch xây dựng và môi trường (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc) Trần Ngọc Hà cho biết: UBND TP đang tiếp tục chỉ đạo các huyện Thạch Thất, Quốc Oai tập trung nguồn lực hoàn thiện công tác bồi thường, bàn giao hơn 130ha mặt bằng còn lại cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024.
Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho biết: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy sắp tới sẽ quy định cụ thể việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cụ thể là đưa các quy định liên quan đến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ VII tới đây.
Nhìn nhận như một quận đô thị xanh
Góp ý xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đặc thù Khu được giao nhiệm vụ quan trọng, phải trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý là phù hợp với bối cảnh, định hướng phát triển của Hà Nội, khi muốn đưa Hòa Lạc trở thành đô thị khoa học công nghệ. Với tiềm lực sẵn có, Hà Nội chắc chắn sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ sở vật chất, hạ tầng… phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc xứng tầm - Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy khẳng định.
Định hướng thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tiếp tục tạo ra những bước đột phá, thu hút các nhà đầu tư, chia sẻ kết nối phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ biến đổi, trí tuệ nhân tạo… Để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và thu hút các nhân tài, Bộ KH&CN cam kết, tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội nghiên cứu, sửa đổi các quy định, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút nhà đầu tư về đất đai, thu hút nhân lực. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Trên thực tế, đây là điểm nghẽn không thu hút được các nhà đầu tư vào khu công nghệ. Mặt khác, cần có chương trình xúc tiến đầu tư có trọng điểm, xúc tiến các tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao.
Việc chuyển giao từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội là dấu mốc mới sau quá trình 25 năm xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã đặt quyết tâm chính trị rất cao và dành nhiều nỗ lực, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN, cùng các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần nhìn nhận, tiếp cận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như “một quận công nghệ xanh” của thành phố, chứ không phải là một khu đất để xây nhà xưởng, nhà máy. “Đây là một quận được coi như đơn vị hành chính thứ 31. Vì thế, bộ máy quản lý phải xứng tầm, trọn vẹn, có đầy đủ chức năng quản lý chứ không phải là một đơn vị sự nghiệp. Chỉ khi tiếp cận ở góc độ như vậy, những vấn đề về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất… mới được xử lý. Tất cả phải đặt trong định hướng quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như là trung tâm thành phố phía Tây của Hà Nội, với dân số hàng triệu người” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Với tầm nhìn như trên, người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết sẽ có cơ chế đầu tư nhà ở, hạ tầng giáo dục, y tế tương xứng để phát triển khu vực này.