'Tầm nhìn rất xa về ngoại giao kinh tế giúp doanh nhân kiều bào luôn gần đất nước'
"Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện trong sinh sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong vận mệnh của dân tộc. Tầm nhìn rất xa của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc và ngoại giao kinh tế giúp chúng tôi luôn gần đất nước".
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ như trên khi trao đổi với báo chí trước thềm Đại hội nhiệm kỳ IV của Hiệp hội.
Góp phần xây dựng nền kinh tế hội nhập ở trình độ cao
Sắp tới, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 vớiphương châm "Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo và Phát triển bền vững". Bên cạnh "Đoàn kết", xin ông cho biết lý do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài lựa chọn tinh thần "Đổi mới – Sáng tạo và Phát triển bền vững"?
Ông Peter Hồng: Đổi mới là bởi khoa học công nghệ liên tục thay đổi, các nước dẫn đầu về khoa học công nghệ sẽ dẫn đầu về kinh tế. Tuy nhiên, đổi mới phải đi cùng với sáng tạo. Kiều bào Việt Nam đều mong muốn mang tinh thần, kinh nghiệm đổi mới – sáng tạo về hỗ trợ, đóng góp xây dựng đất nước.
Còn "Phát triển bền vững" là tinh thần chung của thời đại, cũng là vấn đề Việt Nam hết sức quan tâm trong những năm gần đây. Kinh tế phát triển bền vững không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn là nền tảng chắc chắn cho các thế hệ tương lai.
Sự hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước của doanh nhân, trí thức Việt Nam ở nước ngoài cả về nhân lực, kinh nghiệm quản lý, tổ chức, trình độ công nghệ và vốn đầu tư có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? Và Hiệp hội đã có những suy nghĩ gì để phát huy tinh thần và hiện thực hoá các năng lực đó?
Ông Peter Hồng: Trong năm 2023, Việt Nam có rất nhiều hoạt động, giải pháp đổi mới - sáng tạo, lan toả hình ảnh một quốc gia đổi mới sáng tạo tới thế giới. Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chúng ta cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Kiều bào là những người đã nhiều năm ở nước ngoài, đang làm việc hay có nhiều cơ hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến tại những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Họ có kinh nghiệm, năng lực và khả năng học hỏi công nghệ đổi mới. Việt Nam đang đi trên con đường hội nhập với thế giới, nếu không tư duy đổi mới sáng tạo thì chúng ta sẽ không vượt qua chính mình để bắt kịp các nước phát triển. Sự đóng góp của kiều bào nói chung và của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nói riêng giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế hội nhập ở trình độ cao.
Trong năm 2024, Hiệp hội sẽ tổ chức 4 hội nghị tại Việt Nam, quy tụ các doanh nhân kiều bào thành đạt ở nước ngoài để bàn bạc, thảo luận phương thức hợp tác, hỗ trợ cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước.
Về vấn đề đầu tư, năm 2023, lượng kiều hối về Việt Nam vào khoảng 19 tỷ USD, riêng TPHCM thu hút khoảng 9 tỷ USD. Trong số 9 tỷ USD, khoảng 27-28% là nguồn lực bà con kiều bào đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TPHCM.
Trong năm 2024, Hiệp hội sẽ chú trọng tới vấn đề chuyển đổi số của nền kinh tế và tổ chức kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư Việt kiều có năng lực để hỗ trợ tài chính cho công cuộc này tại Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với TPHCM để tận dụng tối đa cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Hai tiếng Việt Nam xoá nhoà mọi ngăn cách
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vào năm 2019, ông từng chia sẻ, hai tiếng Việt Nam xoá nhoà mọi ngăn cách. Tinh thần đoàn kết giữa doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước sẽ được đẩy mạnh như thế nào để dự đoán, ứng phó và vượt qua rất nhiều thách thức của một thế giới đầy biến động?
Ông Peter Hồng: Năm 2019, khi tôi mới được tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, danh sách thành viên của Hiệp hội chỉ có tại 12 hay 13 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện tại, Hiệp hội đã có chi hội tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ tích cực tích cực của Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các bộ, ban, ngành, địa phương...
Các doanh nhân kiều bào ở nước ngoài cảm thấy ngày càng được quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện, được coi như một người Việt Nam sinh sống, làm việc và đầu tư ở trong nước và là một bộ phận không thể tách rời trong vận mệnh của dân tộc, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Để phối hợp hiệu quả với đội ngũ doanh nhân trong nước, ngoài các doanh nhân kiều bào thành đạt ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, Đại hội nhiệm kỳ IV của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài sẽ có sự tham dự các doanh nhân kiều bào thuộc thế hệ thứ 2.
Các doanh nhân kiều bào cũng sẽ tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trẻ ở 30 tỉnh, thành phố; cùng trao đổi cách thức làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, thế hệ doanh nhân trẻ trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, gắn kết cho tương lai hợp tác xa hơn, cùng viết lên những câu chuyện ngoạn mục.
Tầm nhìn chiến lược về ngoại giao kinh tế
Ông có thể chia sẻ về những chương trình, đề án, hành động cụ thể, tạo động lực và cơ hội cho Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phát huy năng lực, đóng góp cho kinh tế trong nước?
Ông Peter Hồng: Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024", khuyến khích kiều bào Việt Nam tiêu thụ, phân phối và hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao ra nước ngoài. Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được giao trọng trách thực hiện và thúc đẩy các nhiệm vụ trên.
Sau khi đề án ra đời, từ năm 2020, Hiệp hội đã kêu gọi thành viên từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada… xây dựng các chương trình, dự án hoặc hỗ trợ cho kiều bào, doanh nhân Việt Nam trong nước xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài. Tuy nhiên, do năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các hoạt động kinh tế bị gián đoạn nên kết quả không được như mong đợi. Nhưng từ năm 2022-2023 đến đầu năm 2024, việc xuất khẩu hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản tiến triển mạnh mẽ. Đặc biệt, Hiệp hội đã sang Trung Quốc, tìm hiểu và đề nghị các chợ đầu mối Trung Quốc hỗ trợ sản phẩm sầu riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên kỳ tích kim ngạch xuất khẩu  2 tỷ USD của loại trái cây này.
Đặc biệt, là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng sự triển khai tích cực, chủ động của các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện ngoại giao kinh tế, đang tạo một cú hích rất mạnh mẽ cho việc xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Có thể nói, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc và ngoại giao kinh tế giúp cộng đồng doanh nhân kiều bào luôn gần đất nước.
Vậy hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài gặp phải những khó khăn gì?
Ông Peter Hồng: Quả thật, bên cạnh những thuận lợi, đâu đó vẫn còn những nốt trầm, nhất là trong xuất khẩu nông sản. Chúng tôi đề nghị các tỉnh có thế mạnh trong xuất khẩu trái cây kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia hoá học... Đây là điều kiện tiên quyết để trái cây Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, doanh nhân kiều bào về nước để tham gia xuất khẩu trái cây vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc này.
(thực hiện)
>> Mở rộng kết nối doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu 
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốt 
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6%