Tận mục cung điện đẹp nhất đang lưu giữ 9.000 cổ vật của vương triều Nguyễn: Dựng lên bởi hơn 100 cột gỗ lim đặt trên chân đá táng, lợp ngói âm dương tráng men vàng
Đây không chỉ là ngôi điện đẹp nhất của Hoàng cung triều Nguyễn mà còn có những bài thơ sắp đặt ngôn từ của vua Thiệu Trị.
Di tích điện Long An nay là Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, tọa lạc ở số 3 Lê Trực (TP Huế), được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Cung điện là nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền mỗi đầu xuân. Điện Long An cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh.
Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong 8 tháng trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An - nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô  (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội.
Thời điểm xây dựng điện Long An được cho là giai đoạn phát triển cực thịnh của mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn , nên ngôi điện này hội tụ được những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc  và trang trí cung đình.
Theo sử chép, năm 1845 vua Thiệu Trị cho xây dựng cung Bảo Định cạnh Đại Nội, với nhiều công trình như điện, lang, tạ... và trong đó điện Long An là công trình chính của hệ thống cung điện này. Trong quá trình xây dựng ngôi điện, vua Thiệu Trị vốn nổi tiếng là người mê thơ phú đã cho chạm khắc, ghép hàng trăm bài thơ lên liên ba, nội ngoại thất của ngôi điện, khiến nơi đây trở thành một bảo tàng thơ độc đáo.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, điện Long An là ngôi điện có kiến trúc đẹp nhất trong kinh thành Huế xưa và hiện là công trình gỗ có kiến trúc đặc sắc nhất Việt Nam.
Điện Long An có kiến trúc là một tòa nhà kép, theo lối "trùng thiềm điệp ốc", tức là một công trình ghép từ hai tòa nhà theo lối nối mái. Tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn, chính điện gồm 5 gian 2 chái kép. Toàn bộ ngôi điện với tổng diện tích mặt nền hơn 1.000m2 được đặt trên một nền đắp cao, bó vỉa bằng đá cẩm thạch và đá thanh. Bộ khung điện Long An được dựng lên bởi hơn 100 cây cột bằng gỗ lim đặt trên chân đá táng.
Bộ mái của điện Long An nguyên thủy lợp ngói âm dương tráng men vàng, bên dưới có gần chục lớp ngói liệt, mái chia làm nhiều lớp để giảm bớt sự nặng nề. Ðỉnh nóc chính điện đắp hình đầu rồng đội hạt trân châu, hai bờ đầu nóc gắn hồi long, bốn bờ quyết có tượng long, lân, quy, phụng đắp bằng vữa khảm sành sứ. Hàng cột hiên thon nhỏ cắm xuống mặt sân, tạo ảo giác về chiều cao cho ngôi điện.
Ðiểm đặc biệt nổi bật nhất ở nghệ thuật kiến trúc điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Tám bộ vì kèo nóc tiền điện không được thiết kế theo lối chồng rường giả thủ thông thường như các tòa cung điện khác ở kinh thành Huế.
Bằng nghệ thuật chạm lộng, các nghệ nhân Huế xưa đã tạo thành 8 đồ án lưỡng long tranh châu đồ sộ và liền khối mà nhìn vào nhiều người vẫn tưởng đó là những tác phẩm mỹ thuật. Phần trang trí nội thất của ngôi điện vẫn theo lối nhất thi nhất họa và nhất tự nhất họa phổ biến trong các cung điện Huế. Các nghệ nhân xưa đã dùng các chất liệu như xường, ngà voi, xà cừ... khảm lên phần kiến trúc mộc vừa giản dị mà tinh tế. Xen kẽ giữa những ô hộc trang trí là những đại tự với những lời chúc tốt lành, thịnh trị.
>> Việt Nam có miền đất "cố đô mỹ lệ trầm tư" lọt top điểm đến không thể bỏ lỡ năm 2024 
Hiện nay ngôi điện này là nơi trưng bày, lưu giữ khoảng 9.000 cổ vật cung đình cũng như các hiện vật, tài liệu quý giá liên quan đến triều đại nhà Nguyễn và sự hình thành xứ Đàng Trong.
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế còn sở hữu khu cổ vật  Champa được thành lập theo quyết định ngày 26/12/1927 của Hoàng đế Khải Định nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.
Hiện nay, Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, giới nghiên cứu, sinh viên, học sinh tham quan, học hỏi; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng hay hoạt động "giáo dục di sản học đường"; đảm nhiệm tốt vai trò là một "thiết chế văn hóa" và là "hạ tầng lịch sử, văn hóa, xã hội".