Vĩ mô

Tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường Nga

Phan Trang 19/06/2024 - 18:06

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga đã có bước tiến lớn và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

Tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường Nga- Ảnh 1.
Xuất khẩu hạt tiêu sang Nga đạt 12,5 triệu USD năm 2023, tăng 96,2% - Ảnh minh họa

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 đến nay, Việt Nam-Liên bang Nga đã phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực và đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2012. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga đã có bước tiến lớn và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, sau khi ký Hiệp định EAEU-FTA, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016.

Tuy nhiên, sau xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022), tình hình địa chính trị-kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt Nam-Nga. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm trên 51% so với trước đó.

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tích cực làm việc với các hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin về tình hình thị trường và trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến để kết nối hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực thủy sản, nông sản... Ngoài ra, Thương vụ cũng thường xuyên trao đổi, tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp về tình hình thị trường, hợp tác với doanh nghiệp Nga; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp hai nước; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm tại Nga.

(TyGiaMoi.com) - Giao thương hàng hóa có nhiều chuyển biến tích cực

Hiện nay, mặc dù vẫn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị nhưng giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2023 đã có bước chuyển biến tích cực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Liên bang Nga đạt 490 triệu USD, tăng 125% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 260 triệu USD hàng dệt, may sang thị trường này, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%. Nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo Lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có tăng trưởng cao gồm: hàng thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2023; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 82,4%; hạt tiêu đạt 12,5 triệu USD, tăng 96,2%; hàng dệt may đạt 490 triệu USD, tăng 125%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 90,1 triệu USD tăng 102%.

Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại đạt 9,7 triệu USD, than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ôtô...

Về đầu tư, tính đến hết tháng 5 năm 2024 Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD; trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí tiếp tục được duy trì và củng cố, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất - lắp ráp ô tô… cũng từng bước phát triển.

Tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường Nga- Ảnh 2.
4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 260 triệu USD hàng dệt, may sang thị trường này, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023 - Ảnh minh họa

Để tận dụng nhiều hơn các ưu đãi trong EAEU FTA

Mới đây, Trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024), ông Viacheslav Kharinov, Trưởng đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam bày tỏ vui mừng và nhấn mạnh, đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin của nhau, từ đó mở ra những cơ hội lớn cho cả hai phía.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết: Thời gian qua, Thương vụ đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản cho các nhà cung ứng hàng vào chuỗi siêu thị tại đây. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho chuỗi siêu thị. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Để sử dụng hết các ưu đãi VN-EAEU FTA mang lại, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Nga đề nghị doanh nghiệp hai bên, nhất là doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại. Cơ quan đại diện tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn và hỗ trợ kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai bên.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Gregorievich Shulginov, hai bên đã rà soát tình hình triển khai các dự án dầu khí và năng lượng song phương cũng như thống nhất phương hướng hợp tác lớn mà hai bên sẽ nghiên cứu, tiến tới triển khai trong thời gian tiếp theo.

Cùng đó, hai Bộ trưởng đã ký các Nghị định thư sửa đổi Hiệp định liên Chính phủ về hoạt động của hai liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro. Việc ký kết hai văn bản này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ hai nước với chính sách ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng và dầu khí trong quan hệ hợp tác song phương, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác hai bên.

Đặc biệt, bên lề Diễn đàn "Tuần lễ Năng lượng Liên bang Nga," Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp dầu khí lớn của Nga như Zarubezhneft, Gazprom và Novatek. Các bên đã trao đổi về tình hình triển khai dự án của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai hợp tác giữa hai nước và doanh nghiệp thời gian tới.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại với thị trường Nga, Bộ Công Thương khuyến cáo: Việc đăng ký tham dự hội chợ triển lãm là biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả nếu doanh nghiệp có chuẩn bị tốt. Bởi vậy, để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Nga, doanh nghiệp nên trực tiếp trưng bày sản phẩm hoặc tham quan triển lãm chuyên ngành lớn tại thị trường này.

Đưa ra khuyến nghị với địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. Do đó, các hiệp hội và doanh nghiệp hợp tác với Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có biện pháp ứng phó phù hợp. Hơn nữa, trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ), nhất là đối tác tìm được trên môi trường Internet, để tránh gặp trường hợp lừa đảo. Đáng lưu ý, nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương khẳng định: Tới đây, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, khuyến khích địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 5-10 doanh nghiệp) tham dự triển lãm chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, càphê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Nga trong năm 2024 giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng và giúp xuất khẩu Việt Nam-Nga tăng trưởng bền vững.

>> Bốn lần Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác dầu khí, năng lượng Việt Nam – Liên bang Nga

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-vao-thi-truong-nga-102240619173021198.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH