Tăng trách nhiệm kiểm soát nội bộ, chặn sở hữu chéo trong ngân hàng

03-07-2023 20:01|GS.TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội

Cần tăng cường trách nhiệm của chính những người giữ vai trò kiểm soát nội bộ trong ngân hàng để thấy rằng, không phải cứ khi ông chủ sở hữu ngân hàng có nhiều tiền là muốn làm gì thì làm.

Chiêu trò trong sở hữu chéo

Hiện nay sở hữu chéo đang là một vấn đề nhức nhối được Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước quan tâm và chỉ đạo sát sao. Việc sở hữu chéo được thể hiện là một người tham gia sở hữu ở hai tổ chức tín dụng, hoặc giữa tổ chức tín dụng với một doanh nghiệp nào đó. Điều này dẫn đến hiện tượng các bên bắt tay với nhau để thông đồng, luân chuyển vốn.

nh-chu.p-man-hinh-2023-03-20-luc-20.09.31.png
Tình trạng sở hữu chéo xảy ra thì nguy cơ không an toàn của hệ thống tín dụng là rất cao và gây hệ lụy đến người dân gửi tiền vào ngân hàng

Luật pháp Việt Nam đã quy định không cho phép những người như Chủ tịch HĐTV hoặc các thành viên của HĐTV, những người giữ cổ phần lớn tại một tổ chức này lại đồng thời sở hữu ở một tổ chức khác. Tuy nhiên trên thực tế, có vô cùng nhiều cách để họ có thể lách luật.

Ví dụ nhờ người trong gia đình đứng tên sở hữu hộ, hay thuê người thành lập các công công ty mẹ, công ty con mà không phải bạn bè, quen biết. Những người này được thuê trên danh nghĩa, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT, giám đốc một công ty nào đó, nhưng toàn bộ quá trình điều hành sẽ do người sở hữu thực sự chỉ đạo.

Về hệ luỵ, chúng ta biết rằng chức năng của tổ chức tín dụng là huy động tiền nhàn rỗi của người dân gửi vào sau đó cho các cái doanh nghiệp vay. Nhưng để tránh rủi ro thì khi cho vay phải có các nguyên tắc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về điều kiện, tỷ lệ cho vay. Nếu một tổ chức cho vay quá nhiều và khi gặp rủi ro tài chính sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng khủng hoảng của các tổ chức tín dụng, như mất thanh khoản, không có tiền để hoàn trả cho người dân.

Đặc biệt, khi đã là sở hữu chéo thì doanh nghiệp cần vay tiền là người sở hữu những ngân hàng sẽ điều hành ngân hàng, đưa ra quyết định cho vay không theo các quy định, hoặc thông qua những doanh nghiệp con đi vay, sau đó chuyển tiền trở lại cho doanh nghiệp mẹ. Cuối cùng thực chất là ngân hàng hay tổ chức tín dụng đứng ra huy động tiền gửi của người dân nhưng lại dồn hết nguồn lực cho một công ty sân sau nào đó.

Điều này đương nhiên dẫn đến rủi ro nếu doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, hoặc rơi vào nợ xấu. Trong trường hợp doanh nghiệp sân sau không trả được nợ, ngân hàng còn lách bằng cách cho doanh nghiệp trá hình khác vay tiền, rồi chuyển cho các doanh nghiệp đó để trả lại ngân hàng. Như vậy, tiền ngân hàng vẫn cứ về ngân hàng nhưng thực ra là không trả được nợ.

Chúng ta cũng thấy khi các tổ chức tín dụng huy động tiền về thì chỉ được phép cho vay một tỷ lệ nhất định, còn phải để đảm bảo an toàn vốn, hoặc tiền vay ngắn hạn thì không được dùng quá nhiều cho vay dài hạn. Vì vậy giữa các tổ chức tín dụng nếu có hiện tượng sở hữu chéo, thì các ngân hàng sẽ cứ huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, sau đó lấy tiền từ tổ chức ngân hàng này bơm tiền sang ngân hàng kia và đảo nợ mà không ai biết được.

Tình trạng này xảy ra thì nguy cơ không an toàn của hệ thống tín dụng là rất cao và gây hệ lụy đến người dân gửi tiền vào ngân hàng. Đặc biệt, nếu tổ chức tín dụng này khủng hoảng, không không có khả năng để hoàn trả lại tiền vốn cho người gửi tiền, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.

Kiểm soát chặt hoạt động ngân hàng

Như chúng ta đã biết, sở hữu chéo là do một người người sở hữu cổ phần quá lớn và chi phối ngân hàng, thực hiện các hoạt động cung cấp tín dụng theo yêu cầu của người sở hữu nhiều đó. Do vậy, khi sửa đổi Luật tổ chức tín dụng lần này, có quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, cũng như các tổ chức xuống, nhằm tránh xảy ra hiện tượng thao túng vốn ngân hàng.

bank.jpeg
Để trị tận gốc nạn sở hữu chéo, không đơn thuần là việc do một người sở hữu mà có thể là do cả một nhóm người

Đứng về mặt lý thuyết, việc này là hoàn toàn đúng và chính là một biện pháp rất căn cơ để chúng ta sẽ hạn chế tình trạng là sở hữu chéo. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý một điều ở Việt Nam là những quan hệ thân tộc có thể giúp các cá nhân dễ dàng để chia sẻ với nhau, để trên sổ sách, pháp lý thì tỉ lệ sở hữu không vượt quá giới hạn. Cho nên song song với việc giám sát tỷ lệ sở hữu trong các các tổ chức tín dụng, thì cơ quan quản lý phải có các biện pháp khác để kiểm soát xem việc đó có được thực thi đúng, hay có đang bị sở hữu trá hình hay không.

Để trị tận gốc nạn sở hữu chéo, tôi cho rằng nó không đơn thuần là việc do một người sở hữu mà có thể là do cả một nhóm người. Về quy định pháp luật là giảm tỷ lệ sở hữu, kể cả về tỷ lệ sở hữu trong tổ chức tín dụng cũng như tỉ lệ cho vay với mỗi một cái khách hàng, nhưng phải có công tác kiểm soát để làm sao thấy được các giao dịch có liên quan đến nhau hay có tính chất lặp đi lặp lại.

Chẳng hạn tiền từ ngân hàng cho công ty A vay, nhưng sau đó từ công ty A lại chảy xuống công ty B, cuối cùng dồn về công ty C... và rõ ràng là có vấn đề trong câu chuyện lưu chuyển dòng tiền.

Ngoài ra, với bản thân những người trong các tổ chức tín dụng cũng phải được kiểm soát nội bộ. Nêu không làm tốt công tác quản lý này, dẫn đến rủi ro thì những người trong bộ phận quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Do vậy, phải tăng cường trách nhiệm của chính những người giữ vai trò kiểm soát nội bộ ngân hàng để thấy rằng, không phải cứ khi ông chủ sở hữu ngân hàng có nhiều tiền là muốn làm gì thì làm.

Hiện nay, Việt Nam đang có quá trình chuyển đổi số rất mạnh, do đó có thể dễ dàng nhìn thấy được tất cả những quan hệ về mặt sở hữu, sự dịch chuyển của dòng tiền. Việc ứng dụng công nghệ cao có thể giúp chúng ta đưa ra các cảnh báo sớm, phán đoán sớm và ngăn chặn các quan hệ thân hữu có tính chất bắt tay nhau để thực hiện việc thao túng, từ đó hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

Thực tế sở hữu chéo không phải chỉ có ở Việt Nam mà bất kể tổ chức tín dụng nào trên thế giới đều có nguy cơ đó. Tuy nhiên, thế giới khác Việt Nam ở chỗ với các nước phát triển thì có nhiều phương thức để gọi vốn hơn, đặc biệt thông qua thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Như vậy, việc huy động vốn thông qua ngân hàng chỉ là một kênh phụ. Trong khi nước ta phần lớn huy động vốn của doanh nghiệp là thông qua ngân hàng, nên tình trạng sở hữu chéo mới ăn sâu và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một điểm đáng lưu ý là ở các nước, luật pháp xử lý rất nghiêm ngặt. Ví dụ cá nhân được phép sở hữu cổ phần như thế nào và các cá nhân nhận hộ tài sản cho nhau sẽ bị xử lý ra sao. Cùng với đó việc kiểm soát độc lập cũng được thực hiện nghiêm chỉnh. Kiểm soát độc lập ở đây có hai vòng, vòng thứ nhất là từ bên ngoài của Ngân hàng Trung ương để kiểm soát toàn bộ hệ thống đó; và thứ hai là kiểm soát nội bộ, hai hệ thống này hoạt động độc lập nhau nhưng có hiệu quả rất cao.

Đối với Việt Nam, khi có sự đồng bộ của các yếu tố trên thì tình trạng sở hữu chéo gần như sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đề nghị kỷ luật nguyên Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình Ngô Quang Lợi

Thủ tướng ra chỉ đạo ‘nóng’ tới Ngân hàng Nhà nước

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/tang-trach-nhiem-kiem-soat-noi-bo-chan-so-huu-cheo-trong-ngan-hang-246760.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tăng trách nhiệm kiểm soát nội bộ, chặn sở hữu chéo trong ngân hàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH