Trong điều kiện mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa tăng, nếu mức hưởng lương hưu tối đa được điều chỉnh tăng lên gần 80% sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH.
Trong bối cảnh tỷ lệ lương hưu tối đa của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều nước, nhưng mức lương thực lĩnh khi về già lại thấp, mới đây đại biểu Quốc hội đã đề xuất theo hướng tăng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa lên gần 80%. Đề xuất này được nhiều người quan tâm.
Trên thực tế, chính sách lương hưu luôn là vấn đề quan tâm lớn của người lao động. Người tham gia BHXH suy cho cùng là quá trình dài tích cóp một phần lương để khi về già có lương hưu.
Tuy nhiên, không ít người có mức lương hưu thấp, khi về già vẫn rất khó khăn, không đủ sống vì không có tích cóp khác khi còn trẻ.
Điều này đặt ra bài toán là chính sách lương hưu phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già, ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu.
Từ năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu được điều chỉnh tối đa là 75%, thời gian đóng BHXH nữ từ 25 năm lên 30 năm, còn nam từ 30 năm lên 35 năm.
Việc kéo dài tuổi hưu đang kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội đã dày công xây dựng.
Trước thực tế này, thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đã đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu tăng mức lương hưu được hưởng hằng tháng để thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh.
Theo đề xuất của bà Thúy, cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH sẽ tăng thêm 2,3% mức hưởng và mức tối đa không quá 79,5%.
Đóng thấp, hưởng cao sẽ ảnh hưởng quỹ BHXH
Về đề xuất tăng tỷ lệ hưởng lương hưu lên gần 80%, bà Trần Thị Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện nay mức hưởng tối đa 75% ở nước ta đã cao hơn so với nhiều nước. Do vậy nếu tiếp tục tăng lên gần 80% sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH.
Bà Nga nêu thực tế, mức lương đóng BHXH của chúng ta khá thấp. Cả nước có tới 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đóng BHXH chủ yếu dựa vào mức lương tối thiểu vùng, nên dù có mức hưởng tối đa 75% thì sau này khi về hưu vẫn nhận số tiền lương rất thấp.
“Không nên dựa vào mức đóng của lực lượng vũ trang và công chức để đánh giá mức đóng bình quân. Phải nhìn vào mức đóng từ đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thấy lo lắng mức lương hưu sau này của người lao động thấp”, bà Nga nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết thêm, việc Luật BHXH (sửa đổi) giảm thời gian đóng được hưởng lương hưu xuống 15 năm và mức hưởng phần trăm tối thiểu giảm xuống khoảng 33% thì mức lương thực lĩnh của người lao động tham gia BHXH ngắn sẽ còn thấp hơn nữa. Điều này dẫn đến lo ngại một bộ phận người lao động về hưu sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói.
Thậm chí, việc giảm thời gian đóng như trên sẽ dẫn tới số người rời hệ thống tăng cao, lý do là người 40 tuổi vẫn có thể rút BHXH một lần rồi tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi về hưu vẫn có lương hưu.
Theo bà Nga, nếu đề xuất mỗi năm đóng BHXH tăng 2,3% thì sẽ rất khó thực hiện. Bởi vì trong điều kiện mức đóng BHXH chưa tăng, nếu mức hưởng tối đa điều chỉnh tăng lên gần 80% sẽ ảnh hưởng tới an toàn của quỹ BHXH.
"Để tăng mức hưởng lương hưu thì mức đóng cũng phải tăng, có như vậy mới đảm bảo quỹ BHXH hoạt động an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp quá khó khăn như hiện nay thì việc tăng mức đóng là rất khó", bà Nga nói.
Lao động được về hưu trước 10 tuổi trong trường hợp nào? 
Chính sách lương hưu năm 2025 người lao động cần biết