CTCP Tập đoàn FPT (Mã FPT - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với việc tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Sau 3 quý năm 2022, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu 30.975 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng - lần lượt tăng 24,1% và 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 4.900 tỷ đồng - tăng 28%.
Tính riêng quý 3/2022, tập đoàn công nghệ này ghi nhận doanh thu đạt 11.147 tỷ đồng - mức kỷ lục kể từ quý 4/2017.
Khấu trừ đi khoản lãi trước thuế 3.637 tỷ đồng trong nửa đầu năm, quý 3, FPT báo lãi trước thuế tăng mạnh lên mức 2.028 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 1.757 tỷ đồng. Đáng nói, đây cũng là mức lãi sau thuế kỷ lục của FPT kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006.
Được biết năm 2022, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 19% YoY lên mức 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2% lên 7.618 tỷ đồng.
Như vậy, sau 9 tháng, FPT đã hoàn thành được 73% mục tiêu doanh thu và 74,4% lợi nhuận trước thuế cả năm.
Đại diện FPT cho biết khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt khi đóng góp 57% doanh thu và 47% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn - tương đương 17.742 tỷ đồng và 2.635 tỷ đồng - tăng trưởng lần lượt 24,1% và 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 13.479 tỷ đồng - tăng 29,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021.
"Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 42,4%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 56,4%).
Thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động của việc đồng Yên mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu chuyển đổi số đạt 5.294 tỷ đồng - tăng 34,1% so với cùng kỳ, khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hiệu quả, toàn diện của Tập đoàn", đại diện FPT nhấn mạnh.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của FPT cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 16.799 tỷ đồng (tương đương 700 triệu USD) - tăng 42,6% so với cùng kỳ trong đó số lượng hợp đồng ký mới có quy mô doanh thu trên 5 triệu USD/dự án đạt 18 hợp đồng - tăng 12% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường trong nước của FPT cũng đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.263 tỷ đồng và 425 tỷ đồng - tương đương tăng trưởng 10% và 16,5% trong đó các sản phẩm thuộc hệ sinh thái "Made by FPT" mang lại 658 tỷ đồng doanh thu - tăng 48,3% so với cùng kỳ.
Doanh thu khối viễn thông của FPT cũng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 10.807 tỷ đồng (bao gồm doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 16,1% lên mức 10.243 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế tăng 21,6% - đạt 2.169 tỷ đồng.
Nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh cũng góp phần thúc đẩy doanh thu 9 tháng năm 2022 của mảng giáo dục của FPT tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái - đạt 3.104 tỷ đồng.
Về hoạt động khác, ngày 13/10 vừa qua, Tập đoàn FPT vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. - công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật, với hơn 20 năm kinh nghiệm. Khoản đầu tư chiến lược có thể giúp FPT và LTS, Inc. khai phá tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện giao dịch tại mức 75.500 đồng (kết phiên 19/10/2022) - tương đương mức giá hồi đầu năm song đã giảm 20% so với mức giá 95.1x đồng (giá đã điều chỉnh) hồi giữa tháng 4.
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022  #báo cáo tài chính  #kết quả kinh doanh  #lợi nhuận sau thuế 
UBCKNN phạt nặng một doanh nghiệp niêm yết vì ‘làm đẹp’ báo cáo tài chính 
Hãng cà phê quốc dân Highlands Coffee giúp ông chủ gà rán Jollibee 'bỏ túi' 752 tỷ đồng