Tàu container gần 700 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam, sức chở tối đa gần 1.800 TEU, 'bộ não' được trang bị hệ thống hiện đại hàng đầu
Dòng tàu container mới của Việt Nam đạt lưỡng cấp đăng kiểm VR và ABS, với khả năng hoạt động trên các tuyến không hạn chế.
Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH ) đã tiếp nhận tàu Haian Alpha 1.800 TEU vào đầu năm nay và đón thêm tàu Haian Beta 1.800 TEU trong quý II/2024. Qua đó, nâng tổng công suất đội tàu lên khoảng 19.500 TEU.
Được biết, cả hai tàu này đều thuộc series 4 tàu được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Hoàng Hải (Trung Quốc). Tàu Haian Alpha có trị giá 26,2 triệu USD (tương đương hơn 658 tỷ đồng).
Dòng tàu này dài 171,9m, rộng 28,4m, mớn nước 9,7m, sức chở tối đa 1.781 TEU, trong đó có 1.127 TEU trên boong và 654 TEU dưới hầm. Tàu được trang bị máy chính Man B & W 6S60ME-C10.5, Tier II, đáp ứng tiêu chuẩn phát thải NOx của châu Âu và Mỹ, với tốc độ tối đa 18,5 hải lý/giờ. Cả hai tàu mới của Hải An đều đạt lưỡng cấp đăng kiểm VR và ABS, với khả năng hoạt động trên các tuyến không hạn chế.
Mẫu thiết kế của tàu đáp ứng các yêu cầu mới của IMO về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế phát thải CO2. Đây là dòng tàu được nhiều chủ tàu trên thế giới tin dùng, không chỉ đạt hiệu quả cao trong xếp dỡ mà còn đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình khai thác.
Buồng điều khiển được ví như "bộ não" của con tàu, trang bị hệ thống tự động  hiện đại, đáp ứng mức độ “không người trực ca buồng máy”.
Tàu còn được trang bị đầy đủ thiết bị như hải đồ điện tử, la bàn và nhiều hệ thống giám sát thông số kỹ thuật của các thiết bị máy móc. Hệ thống camera được gắn trên toàn bộ tàu để đảm bảo an toàn, an ninh.
Mặc dù các tính năng của tàu tương tự với nhiều tàu khác, nhưng tàu Haian Alpha và Haian Beta được trang bị thêm nhiều thiết bị điện tử hiện đại. Trong đó, thiết bị đầu cuối trạm di động mặt đất Inmarsat-C trên tàu, là một thành phần của hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS).
Hệ thống thông tin liên lạc được trang bị với nhiều loại như VHF, điện thoại vệ tinh, internet kết nối 24/24... Ngoài máy VHF để liên lạc thông thường, tàu còn có máy VHF kín nước để trường hợp khẩn cấp rơi xuống biển có thể liên lạc với các thuyền viên trên tàu hoặc với các tàu khác.
Bên cạnh trang thiết bị hiện đại, tàu vẫn được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc cơ bản đề phòng các trường hợp điện thoại vệ tinh hay hay các phương thức liên lạc bằng internet xảy ra sự cố.
Hệ thống phao báo hiệu cứu nạn, xuồng cứu sinh, cứu hỏa được trang bị đầy đủ trên tàu. Dòng tàu mới có 1 xuồng cấp cứu để cứu người trên biển và 4 phao bè với 2 phao có sức chứa khoảng 25 người và 2 phao có sức chứa khoảng 6 người.
Ngoài ra, phao Epirb được dùng trong trường hợp khẩn cấp nếu tàu chìm, phao sẽ tự nhả và phát tín hiệu báo nạn tới các đài thông tin liên lạc trên biển. Định kỳ hàng tháng, thuyền viên phải kiểm tra hoạt động của phao.
Tàu container  mới còn có hệ thống điều khiển bên ngoài dùng cho trường hợp tàu cập cầu. Hệ thống này gồm đầy đủ các hệ thống điều khiển lái, điều khiển máy, chân vịt mũi, la bàn điện…
Hệ thống bảng điều khiển của máy chính, các thông số báo động, nhiệt độ của máy chính đều được hiển thị trên màn hình tại buồng máy. Khi đó, thuyền viên tại buồng điều khiển máy có thể theo dõi các thông số hoạt động của máy chính, máy đèn... để xử lý nếu có báo động. Điều này giúp giảm thời gian trực ca, để thuyền viên làm các công việc bảo quản, bảo dưỡng tàu hàng ngày.
Hoạt động trên biển, toàn bộ bếp của tàu đều là bếp điện. Phòng ăn của các thuyền viên trên tàu cũng được chia thành các phòng riêng cho thuyền viên và sỹ quan. Phòng sinh hoạt của thuyền viên đều được làm khép kín, đảm bảo tiện nghi.
Việc đưa vào khai thác tàu đóng mới không chỉ giúp Hải An tăng tổng trọng tải đội tàu, mà còn góp phần vào sự phát triển đội tàu container của Việt Nam.
>> ‘Siêu’ tàu container trọng tải 225.000 tấn mang tên Thủ đô Hà Nội