Nhân vật

Tay vợt tuổi Rồng ‘xô đổ’ sự thống trị 21 năm của huyền thoại cầu lông Nguyễn Tiến Minh kể Giao thừa đầu tiên xa Việt Nam và mục tiêu kết thúc năm 2024 ở top 70 thế giới

Hải Yến - Nhật Linh 20/02/2024 09:02

Nguyễn Hải Đăng sinh năm 2000, là một trong những vận động viên cầu lông Việt Nam trẻ tuổi nhất. Anh được coi là tay vợt sáng giá, có nhiều tố chất để kế thừa siêu sao số 1 Nguyễn Tiến Minh.

Không còn là một cái tên xa lạ khi từng “làm mưa làm gió” ở rất nhiều các giải đấu trẻ trong nước, ngày 14/3/2023, nhờ thành tích lọt vào vòng 2 giải Thailand International Challenge, Nguyễn Hải Đăng đã tạo ra một bước ngoặt cho cầu lông nước ta cũng như cho chính sự nghiệp của riêng mình khi vươn lên trở thành tay vợt số 1 cầu lông đơn nam Việt Nam.

Là người đầu tiên phá vỡ 21 năm thống trị làng cầu lông nước nhà của đàn anh Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Hải Đăng hiện đứng ở vị trí 97 trong bảng xếp hạng các tay vợt nam của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF). Với tài năng, sự chăm chỉ và không ngừng học hỏi để vươn lên, Nguyễn Hải Đăng đang cho thấy sự phát triển thần tốc của mình.

Xin chúc mừng thành tích xuất sắc của bạn trong năm 2023 khi đã vươn lên vị trí số 1 cầu lông đơn nam Việt Nam thay cho tay vợt huyền thoại Nguyễn Tiến Minh trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới (BWF). Hải Đăng có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa bạn đến với thể thao và lựa chọn bộ môn cầu lông?

Cơ duyên đến với cầu lông của Đăng cũng rất tình cờ thôi, là nhờ vào anh trai của Đăng. Anh trai mình hồi còn trẻ từng thi đấu cho đội tuyển cầu lông quận 10, TP. HCM. Ngay từ khi còn nhỏ là anh trai mình đã hay chở mình đến sân để xem mọi người tập luyện rồi. Tới khi lên 6 tuổi, các thầy ở sân nhận thấy Đăng yêu thích bộ môn cầu lông này nên đã cho mình vào tập luyện thử cùng mọi người. Dần dà thì nó trở thành cái duyên của mình với cầu lông.

Bạn đã nhận được những sự hỗ trợ như thế nào từ người thân, gia đình, bạn bè để theo đuổi bộ môn này?

Ban đầu mình chơi cầu lông cũng chỉ để cải thiện sức khỏe và chiều cao thôi. Nhưng sau thời gian dài tiếp xúc với bộ môn này, mình thật sự cảm thấy vô cùng “mê” cầu lông, mình nghĩ là mình phải theo cái này, nên mình mới quyết định thuyết phục ba mẹ để đi theo con đường trở thành VĐV cầu lông chuyên nghiệp.

Bạn hãy chia sẻ một chút về giải đấu quốc tế đầu tiên của mình?

Giải đấu quốc tế đầu tiên của Đăng cách đây khá lâu rồi, đó là Giải cầu lông Singapore mở rộng tổ chức vào năm 2014, tức là khi đó mình cũng mới 14 tuổi.

Mặc dù cho tới thời điểm đó, mình đã tham gia nhiều giải đấu trẻ trong nước và cũng nhận được những kết quả nhất định, nhưng lần đầu tiên được thi đấu ở một quốc gia khác, cùng với các VĐV quốc tế, vẫn khiến cho mình rất vui, rất háo hức. Dĩ nhiên là cũng có chút lo lắng, nhưng chắc là vì đó là lần đầu tiên thôi.

Bạn là thành viên đội cầu lông Việt Nam đã thi đấu SEA Games 32, ASIAD 19 cũng như giải vô địch châu Á 2023 và vô địch thế giới 2023, bạn có cảm thấy khó khăn gì khi còn ở độ tuổi trẻ như vậy không?

Năm 2023 là một năm khá tuyệt vời đối với Đăng khi mình đã được tham dự tất cả các giải đấu lớn trong và ngoài nước. Mình thấy vui khi có cơ hội học hỏi được nhiều kinh nghiệm và nhiều lối đánh của tất cả các vận động viên hàng đầu thế giới hiện nay.

Mỗi chuyến đi, mỗi trận đấu đều là những bài học giúp mình trau dồi kỹ năng, vậy nên mình không nghĩ điều này là một sự khó khăn hay gì cả, có chăng thì mình coi như đó là những "chướng ngại vật" phải vượt qua thôi. Mình luôn suy nghĩ đây là những trải nghiệm, những cơ hội mà bản thân mình may mắn nhận được.

Trong năm thi đấu 2023, Hải Đăng có kết quả tốt nhất là lọt vào bán kết giải cầu lông quốc tế Sydney International 2023 tại Australia khi du đấu hồi tháng 10, bạn có thể chia sẻ về những nỗ lực của mình để đạt kết quả đó?

Trong các giải đấu quốc tế, ‘chướng ngại vật’ lớn nhất đối với mình đó là phải thi đấu một mình. Dĩ nhiên là bên cạnh mình còn có HLV chỉ dẫn nhưng người đối mặt với trận đấu vẫn là chính bản thân mình thôi.

May mắn là ở Úc có nhiều anh chị em đồng bào người Việt giúp đỡ nên Đăng đã lấy đó làm động lực để nỗ lực đạt kết quả khá tốt ở giải Úc lần này.

Hải Đăng đã phá vỡ sự thống trị 21 năm của đàn anh Tiến Minh trong làng cầu lông Việt Nam, cảm xúc của bạn thế nào?

Đầu tiên là mình cũng khá vui khi trở thành VĐV số 1 Việt Nam ở bảng xếp hạng cầu lông thế giới, cũng cảm thấy những nỗ lực, cố gắng của mình đã được đền đáp theo một cách nào đó.

Nhưng với mình, và cả những bạn trẻ theo đuổi môn thể thao này nữa, anh Tiến Minh vẫn là tượng đài cầu lông Việt Nam để các VĐV trẻ học tập và noi theo. Mình nghĩ là bản thân vẫn còn phải phấn đấu, nỗ lực hơn rất nhiều nữa mới có thể được đứng ngang anh Tiến Minh.

Ai là người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của bạn?

Gia đình, Ban lãnh đạo đội tuyển cầu lông Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh và các HLV cũng như những VĐV đã giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua. Mọi người đều có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình, mình cũng luôn xem mọi người là động lực để cố gắng.

Cho tới thời điểm hiện tại, đâu là giải đấu/thành tựu đáng nhớ nhất đối với Hải Đăng, và tại sao?

Cho đến hiện tại, giải đấu Đăng thấy mình thể hiện tốt nhất và cũng là đáng nhớ nhất đó là Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022, bởi đây là giải đấu mà mình đã mong đợi rất lâu. Giải đấu này thì mình đại diện cho tuyển cầu lông TP. HCM, giành được HCV đơn nam và HCB đồng đội nam, đều là những thành tích mình mong chờ trong một thời gian dài. Mình cũng dành nhiều thời gian để tập luyện và trau dồi kỹ năng cho giải đấu đó.

Mình đã lấy thành tích đó làm bước đệm để đạt được nhiều thành tựu ngoài mong đợi trong năm 2023.

Có một lúc nào đó bạn cảm thấy chán nản và không còn muốn tiếp tục với cầu lông không? Có bí quyết nào để chuẩn bị tâm lý trước những trận đấu quan trọng mà bạn có thể chia sẻ với mọi người?

Có chứ. Sau những lần tập luyện rất khắc nghiệt và gian khổ, hoặc sau những giải đấu mình thể hiện không tốt, mình đã có ý định không muốn tiếp tục với cầu lông. Mỗi một lần thất bại mình luôn tự hỏi bản thân là có cần tiếp tục theo đuổi bộ môn này nữa hay không.

Nhưng rất may mắn là bên cạnh Đăng còn có bạn bè, người thân, gia đình cổ vũ và mong chờ những thành tích mới của mình, HLV cũng trao đổi và động viên rất nhiều nên mình mới có thể quay trở lại tập luyện tích cực hơn, chăm chỉ hơn. Mình sẽ cố gắng hết sức cống hiến cho cầu lông đến khi sức khoẻ không còn cho phép nữa.

Còn về bí quyết của Đăng trước mỗi trận đấu chính là thư giãn, cố gắng đừng để mình suy nghĩ quá nhiều, điều đó sẽ vô tình tạo ra áp lực cho chính mình dẫn đến bị “khớp”, khiến bản thân không thể hiện hết khả năng trong khi thi đấu.

Nghe thì dễ nhưng bí quyết này cũng cần phải tập luyện đó.

Theo bạn, sự khổ luyện bền bỉ hàng ngày sẽ quyết định thành tích của một VĐV hay chỉ cần năng khiếu cũng có thể quyết định tất cả?

Theo mình thì bộ môn cầu lông là cả một quá trình khổ luyện từ nhỏ và trong một thời gian dài. Dĩ nhiên năng khiếu cũng rất quan trọng, nhưng đó chỉ là một phần, còn sự khổ luyện bền bỉ mỗi ngày sẽ giúp đưa mình đến đỉnh cao.

Ronaldo ở bóng đá chính là một tấm gương giúp mình cố gắng, rèn luyện, quyết tâm tập luyện mỗi ngày để trở thành VĐV giỏi nhất.

Ngoài cầu lông, Hải Đăng còn có sở thích nào khác không?

Thường thì cuộc sống của mình chỉ xoay quanh cầu lông, mình tập luyện cả ngày và mỗi ngày nên ít có thời gian để đi chơi cùng bạn bè. Nếu cuối tuần rảnh rỗi, mình sẽ chọn cách thư giãn bằng việc ở nhà, ăn uống cùng gia đình. Bên cạnh cầu lông, mình cũng yêu thích và xem bóng đá, như mình có nhắc tới thần tượng của mình là Ronaldo.

Nếu được lựa chọn lại, cầu lông vẫn là mục tiêu mà bạn hướng tới chứ?

Nếu được chọn lại, Đăng vẫn chọn cầu lông là môn thể thao duy nhất mà mình hướng tới. Đơn giản là vì cầu lông chính là cuộc sống của mình mà.

Chỉ khi được đứng trên sân cầu, mình mới cảm thấy là chính mình, đang sống trọn với đam mê đã luôn theo đuổi. Mình cũng cảm thấy vui khi có nhiều bạn bè, anh em trong đội để trao đổi và trò chuyện với nhau.

Các VĐV thường chỉ xuất hiện trên truyền thông và trước công chúng những lúc thi đấu hay lễ mừng công. Ngoài những giây phút ấy, cuộc sống hàng ngày của bạn ra sao?

Như mình cũng chia sẻ, cuộc sống của mình chỉ có tập luyện, thi đấu, nghỉ ngơi rồi lại tập luyện, thi đấu,... cứ xoay quanh như vậy. Nếu có thời gian rảnh, mình sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình, bên cạnh đó thì thi thoảng mình cũng sẽ gặp gỡ bạn bè để trao đổi về cuộc sống hàng ngày.

Hải Đăng thường xuyên được về thăm gia đình chứ?

Mình cảm thấy khá may mắn khi gia đình đều sinh sống ở TP. HCM, nên sau khi tập luyện hoặc kết thúc giải đấu, mình có thể được về nhà nghỉ ngơi. Việc gần gia đình cũng giúp cho Đăng có nhiều thuận lợi về sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và được lắng nghe những lời khuyên, góp ý từ ba mẹ, đặc biệt là sẽ không bao giờ lo lắng về sự cô đơn, vì có gia đình là chỗ dựa.

Năm mới Giáp Thìn vừa sang, giao thừa năm nay Đăng có được ở cùng gia đình không? Các năm trước, bạn đón giao thừa như thế nào?

Lại là một điều rất may mắn khác đó là các năm trước mình đều được đón giao thừa cùng gia đình và bạn bè. Tiếc thay năm 2024 này, mình không được cùng gia đình đón giao thừa, vì mình cùng đồng nghiệp là anh Đức Phát vừa phải tham gia giải đấu quốc tế ở Iran và Azerbaijan xuyên Tết. Tận tới mùng 3 mình mới quay trở về Việt Nam.

Mục tiêu của Đăng trong năm 2024? Năm nay là năm tuổi của bạn, bạn có nghĩ rằng mình sẽ có thành tích nào đó thật bùng nổ không?

Mục tiêu đầu tiên và trước mắt của mình trong năm 2024 là sẽ chắc suất nắm trong tay tấm vé dự Olympic tại Paris và sẽ kết thúc năm 2024 trong top 70 thế giới. Bên cạnh đó, mình cũng đặt mục tiêu vô địch các giải đấu toàn quốc, bảo vệ thành tích của năm 2023.

Nếu có một bạn trẻ cũng ước mơ đi theo con đường giống như Hải Đăng và mong muốn được bạn cho lời khuyên, bạn sẽ nói gì với họ?

Hiện nay cũng khá nhiều VĐV trẻ muốn đi theo con đường cầu lông chuyên nghiệp. Đăng chỉ muốn khuyên các bạn hãy cố gắng tập luyện không ngừng nghỉ, kiên nhẫn trong mọi tình huống và hết mình với mục tiêu mà bạn đang theo đuổi. Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng.

Cũng nhân dịp năm mới, Đăng chúc quý độc giả và tất cả mọi người an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc, hạnh phúc bên gia đình và người thân. Đặc biệt là sẽ có thật nhiều sức khỏe để đạt được tất cả những ước muốn trong năm 2024.

Cảm ơn Hải Đăng!

*Ảnh: Quang Nguyen, Zoominton

>> ‘Gen Z tuổi Rồng’ tài năng Meichan: Mình luôn đắn đo phải làm thế nào để không trở thành ‘chướng ngại vật’ của mọi người

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-dung-tuyet-voi-cua-loai-sau-duoc-vi-nhu-nhan-sam-xanh-phong-benh-tieu-duong-giam-nguy-co-mac-ung-thu-tang-cuong-suc-khoe-cho-nao-tim-xuong-mat-va-da-d111575.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tay vợt tuổi Rồng ‘xô đổ’ sự thống trị 21 năm của huyền thoại cầu lông Nguyễn Tiến Minh kể Giao thừa đầu tiên xa Việt Nam và mục tiêu kết thúc năm 2024 ở top 70 thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH