Temu phải đóng những thuế gì và nộp thuế thế nào tại Việt Nam?
Temu được xem là một nhà thầu nước ngoài và phải có nghĩa vụ nộp thuế đối với phần doanh thu phát sinh tại thị trường Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Đình Hiệp (Công ty Luật TNHH Hoanganh IBC) trả lời trên Vnexpress, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein dù không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng phát sinh thu nhập từ việc bán hàng trực tuyến cho người Việt. Vì vậy, theo định nghĩa tại Thông tư 103/2014, các sàn thương mại điện tử này được xem là một nhà thầu nước ngoài.
Về các loại thuế Temu  phải nộp tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Đình Hiệp cho biết: “Họ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ tính trên doanh thu, hay còn gọi là phương pháp trực tiếp”.
- Thuế Giá trị gia tăng (VAT): Temu sẽ nộp thuế VAT trên doanh thu bán hàng tại Việt Nam. Tỷ lệ % tính thuế VAT trên doanh thu với các nhà thầu nước ngoài sẽ dựa trên ngành kinh doanh cụ thể tại Việt Nam. Temu thường cung cấp dịch vụ bán lẻ hoặc thương mại, tỷ lệ thuế VAT là 2% trên doanh thu tính thuế.
- Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Temu cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ là 1% trên doanh thu phát sinh từ các hoạt động thương mại tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ áp dụng cho nhóm ngành kinh doanh thương mại, phân phối tại Việt Nam.
Ngoài ra, đối với cả 2 loại thuế trên, nếu Temu có nhiều hoạt động kinh doanh khác, tỷ lệ % căn cứ vào doanh thu tính thuế với từng hoạt động. Trong trường hợp không tách riêng được thì áp dụng mức cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.
Để thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, Temu cần đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, sàn thương mại điện tử  này cũng phải đáp ứng một số những yêu cầu cơ bản khác như: khả năng truy cập Internet, địa chỉ email để giao dịch với cơ quan thuế.
Trước đó, ngày 4/9/2024, sàn thương mại điện tử Temu đã được công ty chủ sở hữu là công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (Singapore) đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Mã số thuế của Temu là 9000001289.
Về thời gian khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, từ thời điểm quý 3/2024, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai (31/10/2024 là thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý 3/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, dự kiến tháng 10/2024, Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ thực hiện kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý 4/2024. Thời hạn nộp là ngày 31/1/2025 nếu Temu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.
Hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay đã tiến hành thu thuế đối với 102 doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài như Facebook, Google,...
Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch và hỗ trợ quản lý doanh thu hiệu quả, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử”.
Trước đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ bỏ Quyết định 78/2010 và đưa vào dự thảo Luật Thuế VAT. Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ đều phải nộp thuế.
Theo Quyết định 78/2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Vì vậy, Phó Thủ tướng cho biết, sàn thương mại điện tử Temu đã tận dụng Quyết định 78/2020 để bán hàng giá rẻ dưới 1 triệu đồng vào thị trường Việt Nam.
>>3 thủ đoạn lừa đảo được sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam