Thế giới

Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà

Đăng Đức 15/12/2024 - 18:05

PDD và nền tảng Temu của công ty này đã bùng nổ vào năm 2023 với những quảng cáo xuất hiện ở trận Super Bowl đắt giá. Sự mở rộng toàn cầu chóng mặt đó đã giúp PDD niêm yết tại Mỹ để trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc.

Temu và lùm xùm ở Việt Nam

Đầu tháng 12, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

“Sau khi làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn Temu đã dừng hoạt động đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương” - đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin.

Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà - ảnh 1
Temu thông báo tạm dừng hoạt động ở thị trường Việt Nam cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương - Ảnh: Internet

Trên ứng dụng (App) Temu, sàn này cũng thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ yêu cầu. Hiện, chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại.

>> Temu chính thức lên tiếng sau việc tạm dừng đột ngột tại Việt Nam

Theo ghi nhận, Temu hiện đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Hiện, người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.

Từ cuối tháng 9/2024, Temu, sàn TMĐT xuyên biên giới thuộc PDD Holdings, tập đoàn hiện sở hữu trang TMĐT Pinduoduo (Trung Quốc) đã hiện diện trên thị trường TMĐT Việt Nam. Song ngay sau đó, Temu bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương yêu cầu trong thời gian thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, các sàn TMĐT phải có thông báo chính thức trên ứng dụng, website để thông báo tới người tiêu dùng.

>> Temu bất ngờ dừng bán tại Việt Nam, Bộ Công Thương lên tiếng

Bị chỉ trích nặng nề tại thị trường Trung Quốc

Chưa dừng lại ở đó, mới đây công ty mẹ của Temu PDD Holdings Inc lại gặp phải khó khăn ngay trên chính quê nhà. Cơ quan giám sát thị trường hàng đầu của Trung Quốc đã triệu tập các Giám đốc điều hành của PDD để yêu cầu sửa đổi chính sách hoàn tiền trước, cho rằng điều này đặt gánh nặng không công bằng lên các thương gia nhỏ.

Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà - ảnh 2
Khó khăn đang đến với PDD và Temu - Ảnh: Internet

Cuộc thảo luận ở Bắc Kinh xoay quanh cái gọi là hoạt động “chỉ hoàn tiền” mà PDD đã tiên phong cách đây nhiều năm. Cửa hàng trực tuyến Pinduoduo của PDD giúp kết nối hàng trăm nghìn cửa hàng nhỏ với người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty sẽ giữ lại khoản thanh toán cho các thương gia nếu họ bị đánh giá là không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng, bao gồm bất kỳ điều gì từ việc trễ hạn giao hàng đến không khớp sản phẩm.

Cách tiếp cận lấy người tiêu dùng làm trọng tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp PDD vượt qua Alibaba Group Holding Ltd của tỷ phú Jack Ma và JD.com Inc, những “gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc” đã bị chỉ trích trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2024. Các thương gia phàn nàn rằng PDD chiều theo ý thích của người mua sắm, từ chối thanh toán ngay cả sau khi đã giao sản phẩm. Phản ứng dữ dội đó lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm nay khi hàng trăm thương gia tổ chức một cuộc biểu tình tại các văn phòng của PDD ở miền nam Trung Quốc.

Cuộc biểu tình đó là đỉnh điểm của sự thất vọng ngày càng tăng giữa các nhà bán hàng thứ ba, những người cáo buộc PDD đã vắt kiệt doanh thu của họ để giúp phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh toàn cầu tốn kém.

Đáng chú ý, người mua sắm Trung Quốc đã được hưởng một số chính sách hoàn tiền hào phóng nhất thế giới. Những chính sách này được PDD tạo ra cách đây nhiều năm, tạo chuẩn mực của ngành thương mại điện tử khi cho phép người mua yêu cầu hoàn lại toàn bộ tiền, trong khi vẫn giữ lại những sản phẩm mà họ cho là kém chất lượng. Một số đối thủ của PDD đã bắt đầu áp dụng cùng một cách làm, mặc dù một số công ty bao gồm Kuaishou Technology đã rút lui vì sự phản đối ngày càng tăng.

Tranh chấp này trùng với sự mở rộng mạnh mẽ đưa Temu đi khắp thế giới. PDD và nền tảng Temu của họ đã bùng nổ vào năm 2023 với những quảng cáo xuất hiện tại Super-Bowl (trận tranh chức vô địch giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ - NFL hằng năm) vô cùng đắt đỏ. Kể từ đó, họ bắt đầu thách thức “gã khổng lồ mua sắm trực tuyến” Shein và thậm chí cả Amazon.com Inc trong một số phân khúc nhất định. Temu cũng mới ra mắt tại Thái Lan cách đây vài tháng.

Sự mở rộng toàn cầu chóng mặt đó đã giúp PDD niêm yết tại Mỹ để trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc, vượt qua Alibaba và JD.

Không rõ liệu PDD có đang có động thái xoa dịu các thương gia Trung Quốc hay không. Trên bình diện quốc tế, công ty này đang chứng tỏ được sự ưa chuộng của những người bán hàng tại Mỹ đã chán ngán các khoản phí của Amazon, trong khi Temu chứng tỏ là nền tảng phân phối có lợi nhuận hơn đối với một số người. Nhưng ở trong nước, mối nguy hiểm là các nhà cung cấp có thể chuyển sang các nền tảng khác, làm gián đoạn dòng hàng hóa quan trọng để hỗ trợ sự phát triển của dịch vụ non trẻ này.

Bắc Kinh đã nhiều lần công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cái mà họ gọi là thương mại điện tử xuyên biên giới hoặc việc bán hàng hóa Trung Quốc ra nước ngoài.

Nhưng năm nay, các báo cáo bắt đầu lan truyền về sự bất mãn ngày càng tăng trong số các thương gia của Temu tại Trung Quốc, những người cung cấp phần lớn hàng hóa giá rẻ, bán chạy mà người tiêu dùng ở nước ngoài đang tích trữ. Indonesia và Việt Nam nằm trong số các quốc gia gần đây đã chặn hoạt động của Temu trong khi điều tra các hoạt động của công ty này.

Vào khoảng tháng 9, các quan chức Trung Quốc từ những cơ quan bao gồm SAMR và Bộ Thương mại đã tổ chức các hội thảo kín với các thương nhân và nền tảng thương mại điện tử bao gồm Alibaba và PDD về chính sách chỉ hoàn tiền, hai người tham dự sự kiện này cho biết.

Cả JD và Alibaba đều cho phép hoàn tiền mà không trả lại hàng hóa đã mua. Nhưng chính sách của họ nghiêm ngặt hơn và quy định thường là hoàn lại một phần thay vì hoàn lại toàn bộ, người mua sắm và thương gia của 2 sàn TMĐT này cho biết. Trước lễ hội mua sắm “Ngày độc thân” vừa kết thúc vào ngày 11/11, các Giám đốc điều hành của Alibaba và JD đã cảnh báo về cách tiếp cận khách hàng khi các sàn dường như đangưu tiên giá thấp hơn chất lượng. Tổng Giám đốc điều hành của JD Xu Ran đã lên tiếng phản đối cái mà bà gọi là "sự biến đổi xấu xa", nghĩa là một chu kỳ hủy diệt.

Vài tháng trước, PDD đã khiến các nhà đầu tư sửng sốt khi đưa ra triển vọng ảm đạm bất thường, với việc CEO Chen Lei đề cập ít nhất 8 lần rằng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là điều “không thể tránh khỏi”. Kết quả trong quý trước cũng thấp hơn kỳ vọng và các Giám đốc điều hành nhấn mạnh rằng họ bị bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh, mà không giải thích thêm.

Theo The Edge Malaysia

>> Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD

Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, chờ Bộ Công thương cấp phép

Temu dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, người mua cần làm ngay 2 điều để bảo vệ quyền lợi

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/vua-bi-ngan-hoat-dong-o-viet-nam-temu-nhan-them-cu-soc-lon-o-que-nha-132316.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà
    POWERED BY ONECMS & INTECH