Temu bị yêu cầu ngừng hoạt động, người mua nên làm 2 việc
Quá hạn vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký, Temu phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Chuyên gia khuyến nghị 2 việc mà người trót đặt hàng trên Temu nên làm.
Nhiều người mua hàng trên sàn thương mại điện tử Temu  đang lo lắng trước nguy cơ mất tiền khi sàn này không còn hiển thị phiên bản tiếng Việt. Không ít người phản ánh đã đặt hàng từ đầu tháng 11, đến nay vẫn chưa thấy hàng đâu.
Anh Duy Khánh (Hà Nội) kể rằng, tháng 10, anh có mua một số sản phẩm trên Temu, tổng giá trị 200.000 đồng nhưng dính phải hàng lỗi. Anh yêu cầu trả hàng và hoàn tiền.
Temu có hai hình thức hoàn tiền, về thẻ thanh toán và tài khoản Temu. Lúc đó, thấy thấy thông báo nếu hoàn về tài khoản Temu thì có tiền luôn, còn hoàn về thẻ thanh toán sẽ phải chờ mấy hôm, anh Khánh chọn hình thức hoàn về tài khoản Temu vì nghĩ rằng sẽ còn mua thêm sản phẩm khác.
Tháng 11, anh Khánh lại lên sàn Temu tìm mua một số sản phẩm để tiêu nốt số tiền trong tài khoản. Nhưng lúc này, Temu ra thông báo đơn hàng tối thiểu được thanh toán lên đến 887.000 đồng, nghĩa là anh phải mua thêm nhiều sản phẩm cho đủ số tiền này mới được thanh toán.
“Số tiền trong tài khoản Temu của tôi vẫn không thể rút ra được. Nghe thông tin sàn ngừng hoạt động, tôi có liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của Temu nhưng không có phản hồi”, anh Khánh chia sẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet tối 4/12, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, cho biết: “Temu đã gửi hồ sơ đăng ký hoạt động nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ khi nào hồ sơ hoàn chỉnh, Bộ Công Thương mới phê duyệt. Bộ đã có thông báo, đến hết ngày 30/11, nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tại Việt Nam thì sàn Temu phải dừng hoạt động. Vì thế, mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu tạm dừng cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký”.
Về việc Temu nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng, ông Ninh cho rằng đây chỉ là phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Sau một thời gian tham gia thị trường Việt Nam, tốn khá nhiều nguồn lực triển khai các chương trình khuyến mại, miễn phí giao hàng, Temu cũng phải tính những phương án kinh doanh khác.
Về việc nhiều đơn hàng sau thời gian dài vẫn chưa được giao tới người mua, theo ông Ninh, một trong những nguyên nhân có thể do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký với Bộ Công Thương, khiến hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam.
Trước lo ngại của nhiều người đang ngóng chờ nhận hàng đặt đã lâu trên Temu, ông Ninh cho hay: “Người mua hàng có thể chờ Temu hoàn thiện thủ tục đăng ký, nếu không nhận được hàng đúng hạn có thể họ sẽ hoàn tiền. Cá nhân tôi từng đặt hàng trên Temu, họ đã hoàn tiền khi không giao đúng hạn. Họ còn thông báo rằng nếu nhận được hàng thì tôi giữ lại luôn, coi như tặng”.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), khuyến nghị hai việc mà người trót đặt hàng trên Temu nên làm lúc này.
Một là, liên hệ với Temu kiểm tra xem khi nào sẽ giao hàng, vì có thể khâu giao hàng gặp khó khăn liên quan thủ tục hải quan.
Hai là, có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền.
“Bộ Công Thương đã khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua sản phẩm trên những sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép để tránh rủi ro. Qua sự việc này, người tiêu dùng cần thận trọng hơn trong quá trình giao dịch mua hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Minh lưu ý.
Bộ Công Thương đã từng cảnh báo người tiêu dùng về khá nhiều rủi ro khi mua sắm trêncác nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký. Cụ thể: Các nền tảng này không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, người tiêu dùng khó yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm. Khi xảy ra tranh chấp, quá trình giải quyết khiếu nại sẽ kéo dài và rất phức tạp. Người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, khi mua hàng, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu. |
>>Từng được định giá 13.800 tỷ đồng, hệ sinh thái Tiki giờ có những gì?