Đặt hàng trên Temu bị thất lạc: ‘Được hoàn tiền nhưng tôi thấy không vui’
Chính sách hoàn tiền khi hàng bị thất lạc của Temu giúp khách hàng đỡ lo lắng về việc không được "cầm đằng chuôi". Tuy nhiên, điều này không giúp trải nghiệm của khách hàng tích cực.
Ngày 5/11, chị Thanh An (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt một đơn hàng trên ứng dụng Temu với giá trị hơn 580 nghìn đồng. Như thường lệ, ứng dụng thông báo thời gian dự kiến giao hàng trong khoảng từ ngày 6-11/11, tương ứng từ 1-6 ngày sau khi đặt mua thành công.
Đây là lần thứ ba chị An mua hàng trên Temu. Trước đó, lần đầu tiên, đơn hàng được giao thuận lợi sau năm ngày. Ở lần thứ hai, đơn hàng chậm hai ngày so với dự kiến và chị An được Temu bồi thường 25.000 đồng dưới dạng “số dư tín dụng”, cho phép sử dụng trong lần mua sắm kế tiếp.
Với đơn hàng thứ ba, sau khi đã trễ hai ngày so với lịch giao hàng, Temu không tự động bồi thường. Một tuần sau đó, trạng thái đơn hàng vẫn hiển thị “đã vận chuyển” thay vì “đã giao hàng”.
Lúc này, ứng dụng xuất hiện dòng thông báo: “Gói hàng có thể bị mất” và cho phép khách hàng gửi yêu cầu hoàn tiền.
“Rất tiếc! Thông tin theo dõi đơn hàng chưa được cập nhật trong một thời gian dài. Bạn có thể gửi yêu cầu hoàn tiền”, Temu thông báo và cam kết hoàn tiền.
Đồng thời, Temu cho biết thêm: “Nếu gói hàng được giao sau khi đã hoàn tiền, bạn có thể giữ lại mà không cần trả lại mặt hàng”.
Chị An đã yêu cầu hoàn tiền cho đơn hàng được cho là có thể bị mất. Ảnh: NVCC |
Temu cung cấp hai phương thức hoàn tiền. Khách hàng có thể chọn nhận tiền vào tài khoản tín dụng Temu để sử dụng ngay, hoặc hoàn tiền trực tiếp về thẻ thanh toán. Với cách thứ hai, thời gian xử lý phụ thuộc vào quy trình của ngân hàng, khiến thời gian nhận tiền kéo dài hơn.
Trường hợp của chị An cho thấy tính linh hoạt và uy tín trong chính sách hoàn tiền của Temu. Tuy nhiên, sự “bất tiện” có thể khiến người dùng cân nhắc khi sử dụng dịch vụ, bởi lẽ người mua đặt hàng để sử dụng chứ không phải để nhận lại tiền.
“Việc hoàn tiền giúp tôi yên tâm hơn khi đã thanh toán trước mà chưa biết có nhận được hàng hay không. Tuy nhiên, tôi chẳng cảm thấy vui vẻ gì. Mất công chờ đợi, cuối cùng chẳng nhận được hàng. Chưa kể, khi thanh toán đơn hàng bằng thẻ quốc tế, tôi đã bị tính phí”, chị An phàn nàn.
Nhận lại tiền chẳng khiến chị An vui. Ảnh: NVCC |
Trường hợp hoàn tiền này khiến trải nghiệm của khách hàng không tốt còn chính sách hoàn tiền tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,... của Temu lại đang khiến các nhà cung cấp “méo mặt”.
Theo đó, Temu cho phép khách hàng nhận hoàn tiền mà không cần trả lại hàng trong nhiều trường hợp, bao gồm: hàng bị hư hỏng hoặc có khiếm khuyết, nhận sai mặt hàng, hoặc thiếu hàng trong đơn hàng. Chính sách được áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được hàng.
Khách hàng chỉ cần cung cấp hình ảnh hoặc video làm bằng chứng là có thể được hoàn tiền trong vòng 48 giờ.
Đây được đánh giá là cuộc "cách mạng" trong ngành thương mại điện tử nhưng cũng gây nhiều tranh cãi về tính bền vững và rủi ro bị lợi dụng.
Theo thông tin từ tờ Yi Magazine, vào cuối tháng 7 năm nay, khoảng 80 nhà cung cấp của Temu đã tập trung tại trụ sở của công ty mẹ PDD Holdings ở Quảng Châu để phản đối các chính sách sau bán hàng mà họ cho là "vô lý".
Các nhà cung cấp bày tỏ sự không hài lòng với cách Temu xử lý vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và tuân thủ quy định, dẫn đến tranh chấp số tiền lên đến hàng triệu nhân dân tệ.
Một số nhà cung cấp cho biết, dù đạt doanh số cao trên nền tảng, nhưng họ bị phạt nặng do các trường hợp hoàn tiền và khiếu nại từ khách hàng, khiến lợi nhuận ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một người bán hàng tại Quảng Châu chia sẻ với South China Morning Post rằng dù đạt doanh số 40 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu USD) trên nền tảng năm ngoái, nhưng đã bị Temu phạt 3 triệu nhân dân tệ do hoàn tiền và khiếu nại của khách hàng, khiến lợi nhuận gần như bị xóa sạch.
Tại Việt Nam, theo thông báo trên ứng dụng Temu, việc hoàn tiền được áp dụng nếu 15 ngày không cập nhật trạng thái đơn hàng hoặc 30 ngày không giao hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể trả hàng nếu hàng hóa nhận về bị hỏng.
Ảnh minh họa |
Temu là một nền tảng thương mại điện tử quốc tế, được ra mắt vào năm 2022 bởi PDD Holdings Inc., công ty mẹ của Pinduoduo – một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc. Temu tập trung cung cấp các sản phẩm giá rẻ, đa dạng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Mỹ và các nước phương Tây.
Temu bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 10, nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận cũng như dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Một trong những vấn đề được quan tâm là việc tuân thủ quy định về đăng ký kinh doanh và nghĩa vụ thuế của Temu tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu cùng một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác, như Shein, phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11 năm nay. Nếu không tuân thủ, các nền tảng này có thể bị chặn hoạt động tại Việt Nam.
Liên quan đến nghĩa vụ thuế, ngày 4/9, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd., chủ sở hữu vận hành sàn Temu tại Việt Nam, đã đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế 9000001289.
Theo quy định hiện hành, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế tại Việt Nam theo quý. Ngày 30/10, Temu đã nộp tờ khai thuế quý III, trong đó kê khai doanh thu bằng 0 và có kèm giải trình. Doanh thu phát sinh từ tháng 10 sẽ được khai vào tờ khai quý IV.
Gần đây, Temu đã thay đổi chính sách bán hàng tại Việt Nam, áp dụng giới hạn giá trị đơn hàng từ 887 nghìn đồng đến không quá 1 triệu đồng. Về việc giới hạn đơn hàng tối thiểu, Temu giải thích rằng, điều này giúp cung cấp nhiều mặt hàng với giá thấp hơn và ngăn ngừa lãng phí bao bì.
Còn việc giới hạn đơn hàng tối đa, nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của việc này nhằm tối ưu hóa chi phí. Bởi, theo quy định hiện tại, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.
>> 22 ngày Temu vào Việt Nam