Temu từ bỏ hàng Trung Quốc, thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh ở Mỹ để né thuế quan
Động thái này đánh dấu bước chuyển lớn trong chiến lược của Temu, khi các đối thủ như Shein hay Alibaba cũng đang chật vật trước loạt rào cản thuế mới và áp lực chính trị ngày càng gia tăng.
Nền tảng thương mại điện tử Temu đang từ bỏ mô hình kinh doanh dựa vào hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc - yếu tố từng giúp hãng bứt phá tại thị trường Mỹ - để chuyển sang chỉ bán sản phẩm từ các nhà cung cấp nội địa trong thời gian tới.
Theo tuyên bố qua email của Temu, công ty mẹ PDD Holdings hiện đang tích cực tìm kiếm các đối tác kinh doanh tại Mỹ, và sẽ chỉ phân phối hàng hóa có sẵn tại địa phương. Mô hình mới, gọi là “hoàn tất đơn hàng tại chỗ”, được kỳ vọng sẽ giúp hãng tránh các loại thuế nhập khẩu mới, trong khi vẫn duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng Mỹ.
Phía Temu cho biết động thái này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tiếp cận nhiều khách hàng hơn và mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ của nền tảng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ như Shein hay Alibaba cũng đang chật vật đối phó với làn sóng thuế quan tăng cao, đồng thời mất đi quyền miễn thuế cho các đơn hàng nhỏ - quy định từng giúp họ giữ giá cạnh tranh.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ trong đàm phán thương mại, giá bán tại Mỹ của những nền tảng như Temu và Shein đã tăng mạnh. Ông Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc “sẽ phải gánh chịu” các mức thuế này.
Tính đến tuần trước, Temu gần như đã chuyển toàn bộ mức thuế mới của ông Trump sang người tiêu dùng Mỹ, thông qua phụ phí được hiển thị rõ tại bước thanh toán. Hãng thời trang nhanh Shein cũng tăng giá mạnh tại thị trường Mỹ, với một số mặt hàng tăng tới hơn 300%.
Hồi tháng 2, Temu từng đề nghị các nhà máy tại Trung Quốc vận chuyển hàng hóa theo lô lớn đến kho ở Mỹ theo mô hình “quản lý một phần”, trong đó công ty chỉ đóng vai trò là nền tảng trung gian. Tuy nhiên, khi hàng tồn tại Mỹ dần cạn kiệt và cần được bổ sung, giá bán có thể tăng nếu mức thuế nhập khẩu 145% đối với hàng Trung Quốc vẫn được duy trì.
Hiện các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ vẫn chưa điều chỉnh giá niêm yết nhưng họ đang rơi vào thế khó khi phía nhà cung cấp Trung Quốc từ chối gánh phần thuế. Trong khi đó, chưa rõ mức thuế mới sẽ kéo dài bao lâu.
Các tập đoàn như Walmart và Target cũng có thể đối mặt với áp lực chính trị trong việc chia sẻ chi phí để giảm thiểu tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.
Trường hợp của Amazon cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà bán lẻ Mỹ đang đối mặt. Hãng này mới đây cho biết sẽ không hiển thị phần thuế nhập khẩu trên sản phẩm sau khi bị Nhà Trắng chỉ trích, còn ông Trump đã công khai phàn nàn với Jeff Bezos.
Nếu không chuyển phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng, lợi nhuận của các hãng bán lẻ sẽ bị co hẹp và gây áp lực lên giá cổ phiếu.
>> Temu áp phí nhập khẩu tới 145%, người dùng Mỹ đồng loạt ‘quay xe’
Trung Quốc bất ngờ ‘bật đèn xanh’ cho đàm phán thương mại với Mỹ
CEO Nvidia Jensen Huang cảnh báo Trung Quốc không hề tụt hậu trong cuộc đua AI