Tha thiết đề nghị chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ để báo cáo Quốc hội.
Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, còn nhiều loại ý kiến liên quan việc cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất ủng hộ quy định như dự thảo luật, là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn .
Ông Tới cho hay, đây không phải quy định mới mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng sau, khi sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông, mức độ nguy hiểm đặc biệt lớn, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và toàn xã hội.
Thực tiễn cho thấy, người sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông đa số đang trong tuổi lao động, là trụ cột của gia đình. Vì vậy nếu bị tai nạn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, để lại những hệ lụy cho gia đình và xã hội.
“Cấm hành vi trên với mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhấn mạnh.
Quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Cơ quan thẩm tra dẫn báo cáo của Chính phủ, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20%. Trong số đó, 80% thuộc trường hợp do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.
Từ năm 2018 đến năm 2023, có hơn 2,7 triệu lượt người đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.
Năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Ủy ban Quốc phòng – An ninh, việc tiếp tục quy định cấm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được các nhà khoa học ủng hộ.
Quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Tuy nhiên, thực tế còn có nhiều người vẫn uống rượu, bia rồi lái xe mà không quan tâm gì đến các chế tài nghiêm khắc xử lý vi phạm.
Quy định cấm này là một trong những giải pháp căn cơ góp phần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu, bia, đặc biệt là uống rượu, bia rồi thì không được lái xe. Việc hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” có thể là một quá trình lâu dài, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam.
Ngoài ra, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.
Khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý.
Hơn nữa, khi có ngưỡng rất dễ xảy ra các trường hợp bị ép uống và khi đã uống dễ bị kích thích, khó làm chủ bản thân và khó dừng lại.
Quy định cấm nêu trên cũng phù hợp với quy định của một số nước trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới tại thời điểm năm 2016, có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe mới, 35 quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe chuyên nghiệp và lái xe thương mại.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng phân tích, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như vậy là nghiêm khắc và tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; làm ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương.
Việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta; ảnh hưởng nhất định đến lao động, thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.
2 phương án liên quan nồng độ cồn
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Ưu điểm của phương án này, theo cơ quan thẩm tra, sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đã sử dụng rượu, bia được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Việc quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng sẽ không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta.
Tuy nhiên, quy định như vậy có thể làm tăng số vụ tai nạn giao thông, tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Việc này cũng làm lãng phí công sức, tiền bạc của nhà nước và nhân dân khi đã dày công tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Đặc biệt, theo cơ quan thẩm tra, quy định như vậy khó bảo đảm tính khả thi khi người uống rượu, bia không thể biết lúc nào đến ngưỡng để dừng lại.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổng hợp và đề xuất 2 phương án liên quan nồng độ cồn.
Phương án 1 là quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Phương án 2 là quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Thường trực Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1, để báo cáo Quốc hội về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
>>Vi phạm nồng độ cồn tăng cao ở TP.HCM, tháng 2 gần 16 nghìn trường hợp
Tại sao xe nồng nặc mùi rượu nhưng tài xế có nồng độ cồn bằng 0? 
Chủ tịch Hà Nội ra quyết định phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở phố Trần Cung