Thế giới

Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Vũ Bấc 18/06/2024 - 22:54

Thái Lan dẫn đầu trong việc hợp pháp hóa quyền hôn nhân và gia đình cho mọi người với bất kỳ giới tính nào trong xã hội.

Dự luật hôn nhân đồng giới của Thái Lan được Thượng viện nước này thông qua trong phiên họp đặc biệt vào ngày 18/6. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đảm bảo quyền hôn nhân hợp pháp cho người thuộc cộng đồng LGBT.

Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
Các thành viên và người ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ đến Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu thượng viện cuối cùng về dự luật hôn nhân đồng giới, tại Bangkok, ngày 18/6/2024 - Nguồn: AFP

Thượng viện Thái Lan gồm 250 thành viên đã bỏ phiếu trong đó chỉ có 4 phiếu chống và 8 phiếu trắng đối với dự luật hôn nhân đồng giới. Ở Hạ viện dự luật đã được thông qua với 130 phiếu ủng hộ vào tháng 3.

Đảng Pheu Thai cầm quyền cho biết trong một bài đăng trên X: Đây là điểm khởi đầu quan trọng để đa dạng giới phát triển trên cơ sở bình đẳng cho tất cả mọi giới tính ở xã hội Thái Lan. Chính phủ Thái Lan muốn điều đó xảy ra và nhắm đến đăng cai lễ hội World Pride 2030 (Lễ hội tôn vinh văn hóa và cộng đồng LGBT+ trên toàn thế giới).

Như vậy, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ ba ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal, đồng thời đứng trong số khoảng 40 quốc gia trên thế giới đảm bảo quyền hôn nhân bình đẳng cho các nhóm thiểu số. Quốc gia này nổi bật với sự cởi mở dành cho các nhóm xu hướng tính dục và giới tính thiểu số ở Đông Nam Á, nơi có rất ít tiến bộ trong việc công nhận quyền của cộng đồng LGBTQ vốn thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.

Dự luật bình đẳng hôn nhân là một sửa đổi của Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan. Luật này sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được công bố, sau khi nhận được sự chứng thực của hoàng gia.

Theo luật mới, Thái Lan sẽ công nhận đăng ký kết hôn của các cặp đồng giới từ 18 tuổi trở lên, cùng với các quyền thừa kế, trợ cấp thuế và nhận con nuôi, cùng nhiều quyền khác. Chính quyền của Thủ tướng Srettha Thavisin đã coi đây là một vấn đề quan trọng mà chính phủ cần phải giải quyết. Những người ủng hộ cho rằng dự luật sẽ mang lại những tác động kinh tế - xã hội tích cực khi Thái Lan trở thành một điểm đến du lịch, thậm chí định cư, thân thiện với LGBTQ.

Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
Ứng viên Thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat, người đứng đầu Đảng Tiến Bước trong một cuộc diễu hành tháng Tự hào (Pride Month) - Nguồn: Mekong ASEAN

Các nhà hoạt động LGBTQ ở Thái Lan đã đấu tranh hơn một thập kỷ qua để giành được quyền kết hôn giống như các cặp đôi dị tính (nam-nữ). Mặc dù luật pháp Thái Lan đã bảo vệ người LGBTQ khỏi hầu hết các hình thức phân biệt đối xử kể từ năm 2015, nhưng nỗ lực chính thức hóa quyền kết hôn vẫn bị đình trệ.

Siraphob Attohi, một nhà hoạt động 25 tuổi của Tổ chức Giới tính Tự do Thái Lan, cho biết: “Một số người cao tuổi đã đấu tranh cho điều này trong hơn 20 năm”. “Các cặp đôi LGBTQ, những người đã ở bên nhau khoảng 30 năm, cuối cùng sẽ có cơ hội có được các quyền hôn nhân và gia đình hợp pháp theo dự luật này.”

Vào đầu tháng 6, hàng nghìn người tham gia lễ hội và các nhà hoạt động LGBTQ+ đã tổ chức một cuộc diễu hành trên các đường phố ở Bangkok, cùng với Thủ tướng Srettha Thavisin, người đã mặc áo cầu vồng để kỷ niệm Tháng Tự hào (Pride Month). Chính phủ Thái Lan, đặc biệt là bộ Y Tế nước này, cam kết sẽ thúc đẩy các luật tiến bộ hơn như hợp pháp hóa dịch vụ mang thai hộ thương mại để cho phép các cặp đôi LGBTQ nhận con nuôi.

>> Thái Lan giữ nguyên lãi suất chờ Fed

Không chỉ Thái Lan, thêm một quốc gia Đông Nam Á nộp đơn gia nhập BRICS

Bốn vụ kiện đẩy chính trường Thái Lan tới khủng hoảng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thai-lan-tro-thanh-nuoc-dong-nam-a-dau-tien-hop-phap-hoa-hon-nhan-dong-gioi-239161.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH