Nhiều người phải làm thêm do lương hưu thấp không đủ trang trải cuộc sống. Đó cũng là cách để họ tìm kiếm niềm vui.
Tàu điện ngầm là phương thức di chuyển chủ yếu đối với người dân thủ đô Seoul của Hàn Quốc  và thường miễn phí cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Vì vậy, một số đơn vị chuyển phát nhanh ở Hàn Quốc thường ưu tiên thuê lao động lớn tuổi  giao hàng thông qua mạng lưới tàu điện ngầm thành phố để tiết kiệm chi phí.
Trong số họ có ông Cho Sungwoo (71 tuổi) - một cựu kỹ sư nhà máy - người làm công việc chuyển phát nhanh bằng cách sử dụng tàu điện rồi đi bộ đến địa chỉ người nhận.
Sau khi giao hàng xong, ông lại trở về công ty để nhận đơn tiếp theo.
Ông Cho Sungwoo bước ra khỏi tàu điện ngầm để giao hàng cho khách. Ảnh: CNA |
Theo CNA, công việc mang lại cho ông Cho nguồn thu nhập khoảng 30 USD (tương đương 748.000 đồng) nếu làm cả ngày và 18-20 USD (từ 370.000 đến 560.000 đồng) một ngày nếu chỉ làm bán thời gian.
Ông chia sẻ: “Tôi có thể xin nghỉ và ra về bất cứ khi nào mình muốn. Ưu điểm lớn nhất của công việc này là sự tự do.”
Trong cuộc họp báo hôm 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết Chính phủ sẽ tạo nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi, đồng thời cam kết tăng lương hưu.
Hầu hết người lao động nước này buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và thường phải chuyển sang làm những công việc tay ngề thấp nếu muốn tái gia nhập lực lượng lao động.
Ngày nay, cứ 4 người Hàn Quốc từ 70 tuổi trở lên thì có một người vẫn tiếp tục đi làm, dựa trên thống kê từ CNA. Hơn 40% trong số họ làm những công việc yêu cầu ít kỹ năng chuyên môn.
Nhiều người phải làm thêm cũng một phần do lương hưu thấp không đủ trang trải cuộc sống. Ông Cho Sungwoo là một ví dụ với khoản tiền lương hưu mỗi tháng chưa tới 150.000 won (khoảng 2.800.000 đồng).
Mặt khác, công việc còn giúp họ tìm thấy niềm vui và sử dụng thời gian hữu ích hơn.
Sau khi nghỉ hưu, ông Cho dành thời gian đi du lịch nhưng cảm thấy có phần vô nghĩa. Một người bạn đã giới thiệu ông công việc hiện tại như một cách để cải thiện sức khỏe và kiếm thêm thu nhập.
Người cao tuổi ngồi chờ nhận đơn giao hàng tại một công ty chuyển phát nhanh chỉ thuê người lớn tuổi ở Seoul. Ảnh: CNA |
Quyết tâm tái gia nhập lực lượng lao động
Người trên 65 tuổi hiện chiếm khoảng 19% trong tổng dân số gần 52 triệu người của Hàn Quốc. Đến năm 2050, tỷ lệ này có thể lên tới 44% do dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp lịch sử.
Khi tuổi thọ tăng lên, người ta lo ngại rằng người già sẽ sống trong chuỗi ngày buồn tẻ và không thu nhập kéo dài sau khi nghỉ hưu. Nhưng thế hệ người cao tuổi hiện nay ở Hàn Quốc đang dần trở nên cởi mở hơn và có thay đổi về tư duy.
Bà Kim Nanhyang (69 tuổi), một người làm nội trợ gần như cả cuộc đời, cho biết: “Sau khi nuôi con rồi chăm cháu, tôi thấy cuộc đời của mình phần nào bị chôn vùi. Tôi cảm thấy mình cần ra ngoài gia nhập với cộng đồng xã hội. Ít nhất là để biết được bản thân có khả năng gì và khám phá nhiều con đường mới”.
Người phụ nữ 69 tuổi này đã đến trung tâm hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul, với mong muốn được hòa nhập với xã hội, khám phá năng lực bản thân và tích lũy kinh nghiệm.
Bà nói: “Nếu tôi có thể vừa làm việc phục vụ cộng đồng, đồng thời mang lại một chút thu nhập, tôi nghĩ điều đó sẽ có ý nghĩa hơn. Nó giúp tôi cảm thấy tự hào về khả năng của mình. Tôi cũng đang nghĩ đến việc bắt đầu kinh doanh”.
Ngày càng có nhiều trung tâm việc làm giúp tìm kiếm những công ty có nhu cầu thuê người cao tuổi và cung cấp đào tạo cho những người muốn chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia tư vấn, nhiều người cao tuổi khi tìm việc muốn chắc chắn rằn ghọ vẫn có đóng góp cho xã hội và tạo ra sự khác biệt ở nơi làm việc.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm người cao tuổi Seoul, bà Park Joo Im, bình luận: “Họ thường bắt đầu bằng những câu hỏi như ‘Tôi có thể làm việc không?’ và ‘Có nơi nào thuê người cao tuổi không?’ Nhiều người trong số họ thiếu thông tin về các cơ hội việc làm. Họ thường cảm thấy không chắc chắn về loại công việc họ có thể làm và những kỹ năng cần có”.
Nhiều người cao tuổi tụ tập tại một công viên để giao lưu ở Seoul. Ảnh: CNA |
Cải thiện tình trạng việc làm cho người cao tuổi
Được biết mỗi quận đều cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm, nhưng những trung tâm này có xu hướng thu hút những người trẻ tuổi hơn, khiến người cao tuổi bị gạt ra ngoài.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ người già sống ở mức nghèo cao nhất trong nhóm 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cụ thể, cứ 4 người trong 10 người già ở Hàn Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn kinh tế và không thể nghỉ hưu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng tình trạng này sẽ được cải thiện do phạm vi bảo hiểm lương hưu đang dần mở rộng và ngày càng tập trung vào tạo việc làm cho người cao tuổi bằng ngân sách Chính phủ.
Giáo sư ngành phúc lợi xã hội Jung Jae Hoon từ Đại học Phụ nữ Seoul cho hay: “Thay vì chỉ cung cấp việc làm trong khu vực công như một hình thức phúc lợi xã hội khiến việc sử dụng ngân sách không hiệu quả, các chính sách trong tương lai nên tập trung vào tạo việc làm phù hợp với thị trường”.
Theo giáo sư, chính sách này nên bao gồm hỗ trợ khởi nghiệp hoặc khuyến khích việc tự kinh doanh. Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu cũng cần được điều chỉnh linh hoạt.
Tổng thống Hàn Quốc nhận trách nhiệm về các sai lầm sau 2 năm nắm quyền 
Hàn Quốc dự báo suy giảm mạnh số dân trong độ tuổi lao động do tỷ lệ sinh đẻ thấp