Tham vọng 'Go Global' của ông chủ Zalo: 'Có thực mới vực được đạo'
CTCP VNG - nhà phát triển nền tảng nhắn tin Zalo vừa cập nhật ba mũi nhọn chiến lược mới, tạo ra đà tăng trưởng trong những năm tới gồm AI, Global (toàn cầu) và Platform (nền tảng).
VNG chơi với nhiều doanh nghiệp "tay to"
Ngày 24/6, GreenNode - đơn vị kinh doanh AI Cloud thuộc CTCP VNG (Mã VNZ  - UPCoM) vừa hợp tác cùng Nvidia và STT GDC chính thức khai trương trung tâm xử lý dữ liệu AI quy mô lớn tại Bangkok, Thái Lan. Đây là một trong những hạ tầng AI Cloud quy mô lớn đầu tiên của Đông Nam Á do đội ngũ GreenNode tự vận hành.
Được biết, GreenNode hiện là đối tác ưu tiên về dịch vụ đám mây (NCP) của Nvidia.
Giám đốc kinh doanh cấp cao Nvidia khu vực châu Á, Úc và New Zealand cho biết, để có thể đón đầu làn sóng GenAI hiện nay, các công ty cần 2 yếu tố đó là AI data center và AI factory. Nvidia đang hợp tác rất chặt chẽ với đội ngũ VNG GreenNode và STT GDC ở cả hai mảng này.
Từ trái qua, ông Lê Hồng Minh (VNG), ông Nguyễn Lê Thành (GreenNode, VNG Digital Business), ông Dennis Ang (Nvidia) và ông Lionel Yeo (STT GDC) tại sự kiện |
Phía VNG thông tin, GreenNode đã giành được hàng triệu USD từ các hợp đồng cung cấp cơ sở hạ tầng AI và các giải pháp AI tiên tiến cho khách hàng trên toàn thế giới. VNG cam kết đầu tư lâu dài với mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp AI Cloud hàng đầu tại Đông Nam Á.
Về phần Nvidia , được biết "đại gia" công nghệ này hiện chiếm tới 80% thị phần chip AI toàn cầu (từng vượt qua Microsoft, Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới hồi giữa tháng 6 vừa qua). STT GDC là nhà phát triển Trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á, vận hành 95 Trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới. GreenNode là thành viên "trẻ tuổi" nhất - chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng, giải pháp và đáp ứng nhu cầu về ứng dụng AI trên thế giới. Hiện, doanh nghiệp này đang vận hàng dịch vụ điện toán đám mây chuyên dụng cho AI quy mô lớn tại Thái Lan và Việt Nam.
Động thái mới nhất của VNG nằm trong chiến lược lớn vừa được ban lãnh đạo đề ra tại ĐHCĐ thường niên 2024 cách đây ít ngày, đó là "Go Global".
Ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc VNG cho biết, 3 mũi nhọn chiến lược mới, tạo ra đà tăng trưởng cho VNG trong những năm tới sẽ là: AI, Global (toàn cầu) và Platform (nền tảng). Theo vị lãnh đạo, VNG cũng là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á bắt sóng AI nhanh nhất và toàn diện nhất, khi đầu tư mạnh mẽ cho cả 3 lớp (hạ tầng, nền tảng và ứng dụng) với mục tiêu dẫn đầu ở cả thị trường trong nước lẫn khu vực.
Ông Minh từng nhấn mạnh: "VNG tự tin trong phạm vi Việt Nam, chúng tôi đang đi đầu về đầu tư, phát triển, thương mại hóa và kiếm được tiền từ AI. Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này, để thực sự trở thành doanh nghiệp AI tiên phong của khu vực".
Lớp nền tảng AI của VNG tuy chưa “xuất ngoại” song cũng đang thể hiện được tiềm năng. Cuối năm 2023, Zalo ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn LLM được đánh giá rất cao khi đạt tới 150% năng lực so với GPT-3.5 theo tiêu chuẩn VMLU 1 (Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt). Mô hình này được thiết kế đặc biệt cho người Việt, với mục tiêu năm 2024 được VNG đặt ra là đuổi kịp Chat GPT-4 khi trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt. Nếu đạt được mục tiêu này, KiLM sẽ là mô hình LLM đầu tiên tại Việt Nam có thể cạnh tranh với LLM “ngoại”.
Thành công ở lĩnh vực công nghệ nhưng... vẫn lỗ
Nhìn vào cấu phần doanh thu của "kỳ lân công nghệ", có thể thấy Zalo - nền tảng nhắn tin - đang là một trong những trụ cột kinh doanh chính, đạt 75,8 triệu người dùng hàng tháng trong năm 2023; doanh thu từ mảng dịch vụ B2B của Zalo tăng trưởng 150% so với năm 2022.
Ở lĩnh vực thanh toán, ví điện tử ZaloPay đạt mức tăng trưởng 27% về tổng khối lượng thanh toán và 40% doanh thu trong năm 2023. Dù vậy, ZaloPay hiện vẫn là một trong những nguyên nhân khiến VNG kinh doanh thua lỗ.
Được biết, trong năm 2021, ZaloPay ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng; năm 2022 lỗ hơn 1.300 tỷ và năm 2023 lỗ 721 tỷ. Đây đã là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận âm của ví điện tử này. Hàng nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cũng đã được công ty mẹ VNG dành cho ZaloPay.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, lãnh đạo VNG kỳ vọng ví điện tử này sẽ sớm đạt điểm hòa vốn trong thời gian tới.
Trong khi đó, VNG Digital Business đang tập trung vào ba lĩnh vực chính: An ninh mạng, AI và các sản phẩm nền tảng Cloud và SaaS. Công ty 20 năm tuổi này cho biết, AI sẽ là động lực tăng trưởng mới của đơn vị trong những năm tới.
Bên cạnh Zalo, mảng game cũng được coi như một mũi kinh doanh chủ lực. VNG đặt mục tiêu doanh thu game từ thị trường quốc tế sẽ vượt qua thị trường nội địa trong 3 năm tới (năm 2023, doanh thu quốc tế đạt 1.744 tỷ đồng - tăng 35% so với năm trước). Được biết, mảng game trực tuyến của VNG ghi nhận gần 79 triệu người dùng hoạt động hàng quý trong năm 2023 - tăng 15% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của VNG những năm gần đây |
Dù đạt được nhiều thành tựu trong hành trình vươn tầm thế giới song cần nhìn nhận thực tế là VNG đang kinh doanh thua lỗ.
Tại ĐHCĐ mới đây, VNG đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 ở mức kỷ lục 11.069 tỷ đồng - tăng hơn 3.500 tỷ so với năm 2024; mục tiêu lãi sau thuế chỉ là 195 tỷ. Trước mắt, lãnh đạo VNG nhấn mạnh sẽ ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi và tạm dừng đầu tư vào các startup.
Chỉ tiêu lợi nhuận khiêm tốn được đưa ra trong bối cảnh công ty đã báo lỗ 3 năm liên tiếp với lần lượt 72,4 tỷ đồng năm 2021, 1.534 tỷ đồng năm 2022 và 2.317 tỷ đồng năm 2023.
Đầu năm 2024, VNG đã rút lại kế hoạch IPO trên sàn Nasdaq. Trước đó, công ty đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) vào tháng 8 năm ngoái. Công ty dự kiến niêm yết khoảng 21,7 triệu cổ phiếu phổ thông loại A - tương đương 15,8% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Trước đó hồi năm 2017, VNG và Nasdaq đã đạt được biên bản ghi nhớ về việc niêm yết.
ĐHCĐ kỳ lân VNG (VNZ): Mục tiêu doanh thu kỷ lục 11.000 tỷ, chỉ đợi 'gió đông' để IPO tại Mỹ