Có thời điểm, truyền thông Mỹ ca tụng bà là "Thiên thần Điện Biên Phủ".
Trải qua 56 ngày đêm đấu trí với thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ  vang dội "lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu". Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn nặng nề vào nền móng của chủ nghĩa thực dân Pháp, khiến giới cầm quyền nước Pháp bị lục đục và chia rẽ sâu sắc.
70 năm sau - tức 7/5/2024, toàn dân tộc Việt Nam hướng về Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những thông tin xoay quanh trận chiến lịch sử cũng nhận được sự quan tâm của công chúng. Trong đó, sự có mặt của nữ y tá Pháp duy nhất ở Điện Biên Phủ khiến nhiều người bất ngờ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Geneviève de Galard là nữ y tá vận tải hàng không duy nhất của Quân đội viễn chinh Pháp có mặt tại trận chiến 56 ngày đêm lịch sử đó. Có thời điểm, truyền thông Mỹ ca tụng bà là "Thiên thần Điện Biên Phủ".
70 năm sau, phóng viên TTXVN đã có dịp gặp gỡ bà Geneviève de Galard ở một trung tâm dưỡng lão ở miền Nam nước Pháp. Bà và chồng bà đang có những tháng ngày giản dị tại đây.
Khi tham quan phòng bà, ai nấy đều bất ngờ khi thấy trên nóc tủ, ngoài những tấm ảnh gia đình chụp từ cách đây gần một thế kỷ còn có bức tượng nhỏ Phật bà Quan Âm đặt rất trang trọng.
Thêm một điều đặc biệt, một trong những kỷ vật được vợ chồng bà mang về từ Việt Nam và vẫn được gia đình lưu giữ là bức tranh gỗ in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Con trai cả của bà kể với phóng viên rằng ông tình cờ thấy tấm ảnh khắc gỗ này trong tủ đồ lưu trữ của cha thời kỳ còn ở quân đội. Bức ảnh ông ghi rõ là được tìm thấy trong một xưởng in lậu ở Hà Nội, trong quá trình lục soát vào ngày 19/12/1946.
Ở tuổi 99, bà Geneviève de Galard vẫn giữ được vẻ phúc hậu. Trong khi đó, chồng bà vẫn rất minh mẫn, kể chuyện rành rọt về những ngày ở Hà Nội. Ông đưa những bức ảnh về Hà Nội - nơi ông sinh ra cách đây 100 năm trước, cả cầu Long Biên trên sông Hồng, Hồ Gươm, tháp Rùa...
Ông còn kể về những ngày tháng vợ mình chăm sóc thương binh ở vùng chiến tuyến được bà ghi lại cẩn thận trong cuốn nhật ký. Ngày bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh  ký lệnh trả tự do, giây phút lần đầu họ gặp nhau tại Hà Nội, lúc bà trở lại Pháp trong sự hân hoan của bạn bè và gia đình, phút giây hạnh phúc của cặp uyên ương trong ngày cưới, niềm vui chào đón sự ra đời của đứa con trai đầu lòng... và cả ngày hai vợ chồng thăm lại Việt Nam đều in đậm trong trí nhớ của ông.
Ước mơ thuở bé của bà Geneviève de Galard là làm y tá. Sau đó, ước mơ thành hiện thực, bà được tuyển dụng làm y tá cứu thương trong ngành Không quân rồi được điều động sang chiến trường Đông Dương ở tuổi 29.
Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, bà đã tham gia một số chuyến bay cấp cứu đưa những người lính bị thương ra khỏi trận địa.
Vào ngày 28/3, chiếc máy bay chở bà đến Điện Biên Phủ để đón các thương bệnh binh bị hỏng, không thể cất cánh nên bà bị kẹt lại ở Điện Biên Phủ. Khi đó, bà Geneviève de Galard là người phụ nữ Pháp duy nhất trong lòng chảo Điện Biên.
Ngày 24/5/1954, bà Geneviève de Galard được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh trao trả tự do. Là người phụ nữ duy nhất trong số tù binh Pháp, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, bà được hàng chục nhiếp ảnh gia và nhà báo quốc tế săn đón ngay sau khi hạ cánh ở sân bay ở Hà Nội.
Trở lại Pháp vào đầu tháng 6, bà được đông đảo công chúng chào đón tại sân bay  và lên trang nhất tờ Paris Match. Hàng loạt cuộc phỏng vấn, bài báo viết về bà khiến bà "miễn cưỡng" trở thành một biểu tượng của tuổi trẻ anh hùng, chính quyền Mỹ và Pháp trao tặng cho bà những huân chương hạng danh giá nhất cho bà. Cao nhất là Huân chương Bắc đẩu bội tinh Hạng Nhất của Pháp và Huân chương Tự do của Mỹ.
Thế nhưng, đó không phải là điều bà mong muốn. Bà vẫn tiếp tục với công việc của y tá cấp cứu hàng không một vài năm, sau đó bà làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng Invalides dành cho những người bị thương nặng. Sau đó, bà kết hôn với Đại úy Jean de Heaulme và có ba người con.
Năm 80 tuổi, bà Geneviève de Galard đã cho ra cuốn tự truyện "Une femme à Diên Biên Phu" (tạm dịch là “Một người phụ nữ ở Điện Biên Phủ”), kể lại cuộc đời và số phận của bà ở chiến dịch lịch sử ngày đó. Cuốn Hồi ký này được báo chí Pháp đánh giá là giúp các thế hệ "hiểu rõ hơn về một trang bi thảm trong lịch sử nước Pháp”.
Để ghi nhận công lao của bà Geneviève de Galard, nhiều chính quyền đã đặt tên bà cho các đường phố và đại lộ ở địa phương. Năm 2022, một quảng trường tại thành phố Toulouse đã đặt tên Geneviève de Galard.