Xã hội

Thân thế vị Giáo sư đầu tiên được phong hàm: Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Quỳnh Như 15/06/2024 15:00

Ông là Giáo sư được phong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bổ nhiệm ngày 21/1/1955), được coi như một tượng đài của y học Việt Nam.

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, có những thầy thuốc mà tên tuổi của họ gắn liền với nhiều công trình nghiên cứu vô giá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền y học nước nhà và trên cả thế giới. Nếu như Việt Nam thế kỷ XIV có danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XVIII có Hải Thượng Lãn Ông thì sang thế kỷ XX, Giáo sư Hồ Đắc Di là một bác sĩ nổi bật đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền y học của Việt Nam.

Thân thế vị Giáo sư đầu tiên được phong hàm: Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984). Ảnh tư liệu

Giáo sư Hồ Đắc Di sinh nǎm 1900 trong một gia đình quý tộc gốc Huế, vốn có truyền thống khoa bảng. Bà nội của ông là con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm; cha là Quận công Hồ Đắc Trung; hai người anh ruột là Thượng thư, cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải và Tổng đốc, Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm; hai người em trai là Kỹ sư Khoáng học Hồ Đắc Liên và Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân...

Năm 1918, ông sang Pháp học bác sĩ nội trú tại Đại học Tổng hợp Paris rồi làm việc ở đây một thời gian, đến năm 1932 thì về nước.

Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày - tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày - tá tràng gây ra. Phương phát mổ dạ dày thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30 đến 40 nǎm.

Các công trình khoa học sau này của Giáo sư Hồ Đắc Di trong những năm 1937-1945 thường đứng tên chung với đồng nghiệp và học trò với nội dung giải quyết các bệnh rất đặc trưng của một nước nhiệt đới nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với đồng nghiệp, ông đã công bố phương pháp phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc (năm 1944); mô tả thủng túi mật hiếm gặp (năm 1937); viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn (năm 1939). Giáo sư là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương (năm 1944).

Là người Việt Nam đầu tiên được Pháp cho phép thực hiện các ca phẫu thuật, Giáo sư Hồ Đắc Di là một trong những bác sĩ có chuyên môn giỏi nhất của Việt Nam vào thời điểm đó với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí y khoa. Ông có tổng cộng 37 công trình đã công bố, hiện mới tìm được 21 công trình.

Thân thế vị Giáo sư đầu tiên được phong hàm: Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo sư Hồ Đắc Di (bên phải) tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên tới thăm trường Đại học Y. Ảnh tư liệu

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Hội đồng Giáo sư Trường Đại học Y - Dược Hà Nội (gồm toàn các Giáo sư người Pháp) đã bầu bác sĩ Hồ Đắc Di làm Phó Giáo sư. Sau này, ông là Giáo sư được phong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bổ nhiệm ngày 21/1/1955). Ông cũng là vị Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội.

Giáo sư Hồ Đắc Di là người có quan điểm về vai trò của nghề y và người thầy thuốc rất tinh tế, sâu sắc, phù hợp với thực tiễn. Những quan điểm đó cho đến nay vẫn khiến giới y học phải suy ngẫm vì giá trị, tinh thần nhân văn.

Thân thế vị Giáo sư đầu tiên được phong hàm: Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch sau ngày Hà Nội giải phóng. Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời, Giáo sư Hồ Đắc Di đã làm tròn nhiều công việc quan trọng như Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (32 năm); Tổng Thanh tra Y tế; Tổng Giám đốc Đại học vụ; Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá V; Ủy viên thường vụ Quốc hội từ khoá II đến khoá IV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp. Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương cao quý; năm 1996, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.

Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hồ Đắc Di đã để lại di chúc nhắc mọi người đừng làm ma chay tốn kém và tình nguyện hiến thân mình cho bộ môn giải phẫu làm phương tiện dạy học cho sinh viên.

Ngày 25/6/1984, Giáo sư Hồ Đắc Di đã lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 84 tuổi.

>> Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên không mang quân hàm vẫn đứng đầu ngành, được Nhà nước trao tặng huân chương cao quý nhất

Bi kịch nhà Vật lý nổi tiếng trở thành giáo sư tuổi 32, ra đi đột ngột ở tuổi 55

Giáo sư đoạt giải Nobel từ bỏ công việc triệu USD, về nước cống hiến

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/than-the-vi-giao-su-dau-tien-duoc-phong-ham-la-bac-si-phau-thuat-dau-tien-cua-viet-nam-tung-giu-chuc-hieu-truong-truong-dai-hoc-y-ha-noi-238730.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thân thế vị Giáo sư đầu tiên được phong hàm: Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH