Vị Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND được đích thân Bác Hồ đặt tên: 27 tuổi được phong Đại tá, người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội

08-05-2024 15:05|Quỳnh Như

Năm 1948, ông là Đại tá hạng nhất trẻ nhất toàn quân được phong cấp hàm khi mới 27 tuổi. Ông cũng là một vị tướng giỏi trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự.

Khu trưởng Chiến khu tuổi 24

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25/10/1921, tên khai sinh là Tạ Thái An, quê quán thuộc xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Thảo. Ảnh: Báo QĐND

(TyGiaMoi.com) - Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Thảo. Ảnh: Báo QĐND

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1937, ông tham gia hoạt động cách mạng ở Lạng Sơn. Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh và được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc đến năm 1944. Khi học ở trường này, ông vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Minh Thảo, cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và sứ mệnh của vị tướng tài ba trong quân đội.

Họ Hoàng là lấy tên của trường quân sự Hoàng Phố, còn tên đệm Bác giải thích: "Bác thấy chú là con người nhanh nhẹn, tháo vát và thông minh. Chú có cách sống giản dị, đối xử với anh em đồng đội rất nghĩa tình và thơm thảo. Do vậy Bác đặt tên, đệm của chú là: Minh Thảo, chú thấy có được không?"...

Sau khi về nước, ông tham gia Ban phụ trách Công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Ngày 3/3/1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền ở Lạng Sơn.

Tháng 10/1945, khi mới 24 tuổi, Hoàng Minh Thảo đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu 3, thay tướng Nguyễn Bình vào Nam làm Tư lệnh Nam Bộ. Chiến khu 3 lúc này bao gồm các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Chàng thanh niên mới ngoài tuổi đôi mươi đã đứng trấn giữ cả một vùng duyên hải rộng lớn từ Hải Dương đến Móng Cái (thuộc tỉnh Hải Ninh lúc đó), nơi đối mặt trực tiếp với thực dân Pháp đổ bộ từ cửa biển Hải Phòng vào.

Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội Quốc gia Việt Nam trong đợt phong hàm đầu tiên.

Từ 1949-1950, ông làm Tư lệnh Liên khu 4. Sau Chiến dịch Biên giới 1950, các đại đoàn quân chính quy được thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954) và trực tiếp chỉ huy Đại đoàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ 2, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

(TyGiaMoi.com) - Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ 2, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 10 năm (1966-1975), trên chiến trường Tây Nguyên, ông được giao nhiều trọng trách: Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1966); Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1968); Phó Tư lệnh Quân khu 5 (1974); Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975)...

Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Tư lệnh nhiều chiến dịch, với nhãn quan của một nhà quân sự, Hoàng Minh Thảo là người đầu tiên đề xuất lựa chọn Nam Tây Nguyên làm hướng mở đầu, Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã trực tiếp tạo ra thế trận và thời cơ đột biến về chiến lược để giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Được mệnh danh là "bậc thầy của nghệ thuật dụng binh"

Nếu Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự.

Ông được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của quân đội ta là Trường quân sự Trung cao, Viện trưởng Học viện Quân sự. Năm 1990, dù tuổi đã cao, nhưng trước yêu cầu nghiên cứu tham mưu chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, với tài năng, trí tuệ của mình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là người đầu tiên được bổ nhiệm Viện trưởng Viện chiến lược quân sự, nay là Viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh tư liệu/Báo Thanh Niên

(TyGiaMoi.com) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh tư liệu/Báo Thanh Niên

Những công việc này không chỉ cần phẩm chất của một vị tướng trận mạc dầy dặn kinh nghiệm, mà phải cần phẩm chất của một nhà giáo, một nhà khoa học quân sự, một nhà quản lý. Trên các cương vị công tác này, ông đều tận tâm tận lực cống hiến khả năng trí tuệ của mình để truyền thụ cho thế hệ sau những kinh nghiệm chiến đấu đã được thế hệ ông và chính ông tổng kết.

Ông nghiên cứu phép dùng binh Đông Tây kim cổ, ông cho công bố những bài viết, những công trình nghiên cứu công phu, đầy tính thuyết phục về tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh... ông chắt lọc từ thực tiễn chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta để góp phần hình thành tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong 5 năm (1990-1995), ông đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia nghiên cứu hoàn thành nhiều công trình, đề tài có tính cấp thiết. Nhiều công trình nghiên cứu, tiêu biểu của ông đã được công bố, phát hành, trong đó có cụm 8 công trình về nghệ thuật quân sự: "Học tập khoa học quân sự Xô Viết" (1958); "Tổ tiên ta đánh giặc" (1969); "Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" (1975); "Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng" (1977); "Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy" (1987); "Nghệ thuật tác chiến: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn" (1990); "Về cách dùng binh" (1997); "Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự (2001)... Đây thực sự là những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao để các thế hệ cán bộ chỉ huy, cơ quan các cấp trong quân đội nghiên cứu, học tập, vận dụng vào lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Với trọng trách là Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, ông đã trực tiếp tham gia đào tạo, hướng dẫn hàng trăm cán bộ quân đội đạt trình độ Tiến sĩ về khoa học và nghệ thuật quân sự. Học viên của ông hầu hết đã trở thành những tướng lĩnh trong quân đội, đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại các quân khu, quân đoàn, cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng.

Vì thế, ông được ca ngợi là một vị tướng giỏi trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự, bậc thầy của nghệ thuật dụng binh. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông từng đúc kết: “Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”.

Với nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạnh của Đảng, Nhà nước, quân đội, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên và được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông qua đời ngày 8/9/2008, tại Hà Nội. Tháng 12/2023, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tham khảo:

- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo- người có ba công lớn - Báo QĐND

- Những đại tá hạng nhất đầu tiên: Hoàng Minh Thảo - Đại tá trẻ nhất toàn quân - Báo Thanh Niên

- Hoàng Minh Thảo - Vị tướng văn võ song toàn - Báo QĐND

- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo với cách mạng Việt Nam - Chuyên trang tư liệu của TTXVN

>> Nữ Đại tá là Anh hùng LLVTND đầu tiên của ngành tình báo, hoạt động bí mật hàng chục năm với nhiều chiến công lừng lẫy

Vị tướng Việt Nam mang hàm Đại sứ: Một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội, từng lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh làm nên 'Phú Riềng đỏ' lịch sử

Vị tướng thương binh được mệnh danh là 'hổ cụt': Bộ não tham mưu góp phần làm nên Đại thắng năm 1975, 17 lần bị thương, vào sinh ra tử trên nhiều mặt trận

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-thuong-tuong-giao-su-nha-giao-nhan-dan-anh-hung-llvtnd-duoc-dich-than-bac-ho-dat-ten-27-tuoi-duoc-phong-dai-ta-nguoi-thay-cua-nhieu-the-he-tuong-linh-quan-doi-d122168.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vị Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND được đích thân Bác Hồ đặt tên: 27 tuổi được phong Đại tá, người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội
    POWERED BY ONECMS & INTECH