Vị tướng thương binh được mệnh danh là 'hổ cụt': Bộ não tham mưu góp phần làm nên Đại thắng năm 1975, 17 lần bị thương, vào sinh ra tử trên nhiều mặt trận

29-04-2024 09:15|Quỳnh Như

Bị thương mất một cánh tay khi còn rất trẻ, nhưng ông vẫn kiên quyết xin ở lại quân đội tiếp tục chiến đấu để rồi trở thành những vị tướng nổi danh.

"Hổ cụt Tây Nguyên" khiến quân địch phải khiếp đảm

Trung tướng Lê Hữu Đức sinh năm 1925 tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Trung tướng, Phó giáo sư Lê Hữu Đức. Ảnh: Báo QĐND

(TyGiaMoi.com) - Trung tướng, Phó giáo sư Lê Hữu Đức. Ảnh: Báo QĐND

Năm 1945, khi đang học Tú tài ở Huế, chàng trai Lê Hữu Đức được giác ngộ cách mạng đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế và sau đó cùng đội quân Nam tiến chiến đấu ở Quảng Nam. Ở tuổi 22, ông đã được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng.

Ngày 23/3/1947, khi chỉ huy đơn vị chống quân Pháp ở huyện Đại Lộc, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96, Liên khu 5 bị thương nặng. Hồi đó, do điều kiện rất khó khăn, bộ đội ta có gì mặc nấy. Ông là chỉ huy, người to cao, lại mặc bộ đồ trắng, nên là mục tiêu của máy bay Pháp. Nấp sau mô đất, loạt đại liên đầu địch bắn không trúng, ông định di chuyển thì dính loạt đạn thứ hai. Ông kêu lên một tiếng rồi lăn ra bất tỉnh. Vết thương này đã khiến ông bị mất bàn tay trái.

"Mất tay, tôi không buồn, nhưng sợ nhất là tổ chức cho giải ngũ hoặc chuyển làm việc khác. Đất nước còn chiến tranh, mình mới 23 tuổi mà bị 'loại khỏi vòng chiến đấu 'thì không gì buồn bằng", ông nói.

Nhưng tuổi xuân, ý chí nghị lực và khả năng quân sự đã chiến thắng, ông vẫn tiếp tục ở lại quân đội, không phải ở cơ quan, mà trực tiếp chiến đấu ở đơn vị. Ông đã tham gia chiến đấu ở hầu khắp chiến trường Nam Trung Bộ những năm 1947-1953.

Tháng 6/1953, Lê Hữu Đức được lệnh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc về nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Sở chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, Lê Hữu Đức được phân công theo dõi các chiến trường miền Nam.

Thất bại thảm hại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, năm 1964, Mỹ đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ, mặc dù là thương binh nhưng Lê Hữu Đức vẫn nhất quyết xin được vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên - một chiến trường cực kỳ gian khổ, đói rét, bệnh tật để kịp “bám thắt lưng địch mà đánh”.

Trên chiến trường, ông là một cán bộ cao cấp nổi tiếng với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” khi ra mệnh lệnh cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm của địch. Trong những năm tháng ác liệt đó, Lê Hữu Đức được mệnh danh là “Hổ cụt Tây Nguyên” khiến quân thù hoang mang, khiếp đảm.

Lý giải về biệt danh này trên Báo CAND, Trung tướng Lê Hữu Đức cho biết: "Thường con hổ cụt là con dũng mãnh nhất (ông cười). Nhưng nói thế thôi, đi chiến đấu mà chỉ còn một tay là vô vàn khó khăn. Tôi người to cao, lại chỉ một tay, cậu thử tưởng tượng xem mỗi lần vào đồn địch trinh sát với dày đặc dây thép gai thì vất vả như thế nào? Thế mà tôi nhiều lần cùng với cấp dưới vào đồn địch. Bởi trong chiến đấu, nếu người chỉ huy mà không tỉ mỉ, chính xác thì cầm chắc thất bại".

Bộ não góp phần làm nên chiến thắng lịch sử

Không những trực tiếp chỉ huy chiến đấu mà sau này ra cơ quan chiến lược làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu hay thời gian học ở Học viện Vô-rô-si-lốp (Liên Xô trước đây), Lê Hữu Đức không ỷ lại mình là thương binh. Ông tự vượt khó, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi những tài năng quân sự trong và ngoài nước để trở thành một trong những người làm công tác tham mưu nổi tiếng ở Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng năm 1975.

Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, chiến tranh dài ngắn bao nhiêu căn cứ vào sự chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến tranh và tương quan lực lượng hai bên lúc đó.

Bộ Tổng Tham mưu - trực tiếp là Cục Tác chiến, bắt đầu xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam từ giữa năm 1973. Trải qua 8 lần sửa chữa qua ý kiến bổ sung của Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Văn Tiến Dũng.

Trung tướng Lê Hữu Đức (ngoài cùng bên trái) trong một lần báo cáo tình hình chiến dịch với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VGP

(TyGiaMoi.com) - Trung tướng Lê Hữu Đức (ngoài cùng bên trái) trong một lần báo cáo tình hình chiến dịch với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VGP

Tháng 4/1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam. Tổ gồm 4 người: Đại tá Vũ Lăng (Cục trưởng Cục Tác chiến), Thượng tá Lê Hữu Đức, Thượng tá Võ Quang Hồ (cùng là Cục phó Cục Tác chiến); Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Mỗi tuần, tổ dành 2 ngày (thứ ba, thứ tư) để nghiên cứu tại phòng làm việc của ông Lê Trọng Tấn trong Khu A thành Cổ (nay là Hoàng thành Thăng Long).

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chuyển kế hoạch cuộc Tiến công chiến lược 1975 thành cuộc Tổng tiến công nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Công việc chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng tháng 4/1975 đã được tiến hành hết sức chủ động, sáng tạo, công phu, kiên trì từ lâu. Với kế hoạch tác chiến chiến dịch của ta, Cục Tác chiến luôn thiết kế có các lực lượng liên tục tiến công địch, đồng thời vẫn tính đến tổ chức các lực lượng dự bị.

Vì vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta có đủ lực lượng với 5 cánh quân (tương đương 5 quân đoàn) ào ạt tiến công và giải phóng Sài Gòn trong 6 ngày đêm. Tuy nhiên, diễn biến cuộc Tổng tiến công chiến lược đột biến quá nhanh, hiếm ai dự kiến được chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược chỉ diễn ra với 56 ngày đêm.

Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, Trung tướng Lê Hữu Đức đã 17 lần bị thương và dù bàn tay trái đã bị cắt đi sau vết thương nặng mà quân địch gây ra nhưng ông vẫn theo suốt cuộc kháng chiến với mơ ước vĩ đại. Ảnh: VGP/Phương Liên

(TyGiaMoi.com) - Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, Trung tướng Lê Hữu Đức đã 17 lần bị thương và dù bàn tay trái đã bị cắt đi sau vết thương nặng mà quân địch gây ra nhưng ông vẫn theo suốt cuộc kháng chiến với mơ ước vĩ đại. Ảnh: VGP/Phương Liên

Ông Lê Hữu Đức được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 1/1980; Trung tướng tháng 6/1988; được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư (năm 1992).

Tháng 4/1996, Trung tướng Lê Hữu Đức được Đảng, Nhà nước, quân đội cho nghỉ hưu.

Với những cống hiến đó, ông được trao Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ; Huy chương danh dự của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Trung tướng Lê Hữu Đức đã từ trần vào ngày 11/8/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tham khảo:

- "Hổ cụt Tây Nguyên" kể về bộ não làm nên chiến thắng - Báo Chính phủ

- “Hổ cụt Tây Nguyên” và khát vọng chiến thắng - Báo Chính phủ

- Sự trùng hợp kỳ diệu của hai vị tướng thương binh - Trang TTĐT Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Trung tướng, Phó Giáo sư Lê Hữu Đức từ trần - Báo CAND

>> Người được ví như 'Bao Công của VN': Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét 'là người của công lý, của lẽ phải'

Vị tướng quân đội đặc biệt nhất: Từ anh Binh nhì đến Thượng tướng ở tuổi 40, được tuyên dương là Anh hùng LLVT Nhân dân khi mới 26 tuổi, từng tham gia 67 trận quyết tử

Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-thuong-binh-duoc-menh-danh-la-ho-cut-bo-nao-tham-muu-gop-phan-lam-nen-dai-thang-nam-1975-17-lan-bi-thuong-vao-sinh-ra-tu-tren-nhieu-mat-tran-d121535.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vị tướng thương binh được mệnh danh là 'hổ cụt': Bộ não tham mưu góp phần làm nên Đại thắng năm 1975, 17 lần bị thương, vào sinh ra tử trên nhiều mặt trận
    POWERED BY ONECMS & INTECH