Ông cũng là người nước ngoài đầu tiên được Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ và là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh.
Nhập ngũ năm 18 tuổi, vị tướng này tham gia 67 trận quyết tử với quân địch. Ông là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam vì từ một anh lính nghĩa vụ nhưng đã nhiều lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được những chiến công lớn, từng trải qua hầu hết các vị trí cấp trưởng trong quân đội  và rồi đảm nhận trọng trách quan trọng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng , Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi 40 tuổi, ông được phong tướng và đó cũng là vị tướng trẻ  của quân đội vào thời điểm ấy. Ông là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Vị tướng trẻ tuổi của quân đội
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, quê ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong gia đình gia giáo, có truyền thống văn hóa và yêu nước. Theo đó, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc, vị tướng tài có công giúp Đinh Tiên Hoàng  đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. (Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bặc là người văn võ song toàn, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh nên được phong là Định Quốc công Tể tướng. Ông được coi là vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta từ thế kỷ thứ X).
Từ khi còn là cậu bé chăn trâu, ông đã thích chơi trò đánh trận giả với bạn bè và có ước mơ trở thành người tướng chỉ huy giỏi trong quân ngũ. Đến năm 1964, khi vừa tròn 17 tuổi, ông viết đơn nhập ngũ và trở thành anh lính lục quân. Đến tháng 2/1965, ông được đưa về huấn luyện tân binh ở Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 812, sư 324 ở Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An.
Sau đó được đưa về chiến đấu ở Bình Trị Thiên, rồi sang Lào. Tiếp đó ông về Sư đoàn 341 Quân khu 4 và Trung đoàn 27 mặt trận B5. Từ vị trí anh lính Binh nhì ông đã được cất nhắc lên nhiều cương vị: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng và Trung đoàn trưởng, đã lãnh đạo được những đội quân tinh nhuệ.
Sau những ngày sống và chiến đấu oanh liệt, ngày 20/12/1973, Nguyễn Huy Hiệu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân .
Trong lời tuyên dương có đoạn: "Từ năm 1968-1972, đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trưởng thành từ chiến sỹ lên cán bộ Trung đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, diệt 63 tên địch, phá hủy 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2.000 tên Ngụy, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự, chiếm nguyên vẹn một xe tăng M41, bắn rơi 57 máy bay các loại. Ba lần bị thương, đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc.
Đồng chí đã được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công Giải phóng (hai hạng Nhất, hai hạng Nhì, một hạng Ba), 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen khác".
Năm đó, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu vừa bước sang tuổi 26. Khi mới 40 tuổi, ông được phong hàm Thượng tướng.
Dấu ấn trên nhiều lĩnh vực
Sau này, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu được đưa sang Liên bang Nga đào tạo tại Học viện Quân sự cao cấp, rồi lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Quân đoàn I, rồi Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và có ba nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng.
Điểm đặc biệt của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Năm 2010, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người nước ngoài đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ và cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh.
Sau này, khi đã là Thượng tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu 11 năm phụ trách công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng. Trong thời gian này, tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới.
Ông là nhân vật của nhiều cuốn sách, bài báo và bản thân ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Ký ức tháng Tư năm 1975 và những điều suy ngẫm, Một số vấn đề về công tác đối ngoại Quốc phòng Việt Nam... trong đó cuốn "Một thời Quảng Trị" (cùng Đại tá Lê Hải Triều thể hiện) đã được dịch ra tiếng Anh.
Một vị tướng bước ra khỏi cuộc chiến tranh với một ký ức còn rớm máu, thông điệp của ông gửi đến bạn bè khắp năm châu bốn biển trên thế giới, dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và mong muốn hòa bình. Chiến tranh là hủy diệt và tổn thất khôn cùng.
Bên cạnh sách quân sự và lịch sử, ông là tác giả của nhiều cuốn sách về chống lũ lụt, bảo vệ môi trường... Ai cũng biết, "phương châm 4 tại chỗ" trong phòng chống bão lụt ngày càng thiết thực với đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương. Tác giả của nó chính là Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
Ông đúc kết thực tiễn và đưa ra phương châm ấy khi đảm nhiệm trọng trách Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. "Phương châm 4 tại chỗ", hiện nay không chỉ áp dụng khi có bão lụt, thiên tai mà cả các trường hợp khác. Khi đất nước có sự biến, lâm nguy, người ta cũng áp dụng "phương châm 4 tại chỗ" của Nguyễn Huy Hiệu.
Tham khảo:
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Những hồi ức rớm máu - Báo CAND
- Ai là tướng quân đội trẻ ở tuổi 40 - Báo Tiền Phong
- Nguyễn Huy Hiệu, vị tướng của chiến công và lòng nhân hậu - Báo Sài Gòn Giải Phóng
- Đời thường của Vị tướng “2 trong 1” - Báo Lao Động