Tháng 5, xử lý 1.370 vụ việc vi phạm luật Hải Quan trị giá gần 1.300 tỷ đồng
Kết thúc tháng 5/2024, Bộ Tài chính cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Hơn 1000 vụ vi phạm luật Hải Quan
Theo báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 5/2024 của Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện tổng số 2.739 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; tiến hành kiểm tra 153.545 hồ sơ tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 18.209triệu đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 2.220 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 15.699 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 289 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, số tiền đã thu nộp NSNN trong kỳ đạt 984 tỷ đồng. Trong đó, ngành Hải quan đã thực hiện 97 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; và kiểm tra 122 hồ sơ sau thông quan tại trụ sở cơ quan. Kiến nghị xử lý tài chính số tiền 1.515 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 219 tỷ đồng.
Báo cáo tháng 5 cũng cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Trong đó, bắt giữ và xử lý vi phạm 1.370 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.285 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 08 vụ. Số tiền thu nộp NSNN 128,1 tỷ đồng.
Về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ Tài chính cho biết, đã bắt giữ 20 vụ/30 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 05 vụ. Tang vật thu được 22,7 kg ma túy các loại.
5 tháng đầu năm, thu NSNN gần 900.000 tỷ đồng
Về tình hình thực hiện dự toán NSNN và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN trong tháng 5 ước đạt 151 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán, bằng 80,8% mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm (186 nghìn tỷ đồng/tháng). Lũy kế thu NSNN 5 tháng đầu năm ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán, chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 42,5% dự toán, tăng 10,1%; chi thường xuyên ước đạt khoảng 36,6% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2023.
Đối với công tác quản lý giá, thị trường, trong tháng 5, giá các mặt hàng được Bộ Tài chính nhận định tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào. Ngoài ra, nhóm nhiên liệu có giá LPG giảm, giá xăng dầu điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường thế giới. 5 tháng đầu năm 2024 nhìn chung giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tháng quá ghi nhận VNIndex đạt 1.267,68 điểm, tăng 4,8% so với cuối tháng trước và tăng 12,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,93 triệu tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm trước; tương đương 67,8% GDP năm 2023.
Hiện, theo báo cáo của Bộ Tài Chính, có 738 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và hơn 7,81 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 5 là 24,7 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 1,1% so với tháng trước; bình quân 5 tháng đầu năm đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với bình quân năm 2023.
Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Về thị trường trái phiếu, hiện nay có 458 mã niêm yết; giá trị giao dịch bình quân đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 15,4% so với bình quân tháng trước; bình quân 5 tháng đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng 53,6 % so với năm 2023.
Đến ngày 24/5/2024, có 33 doanh nghiệp đã phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 57,6 nghìn tỷ đồng (gấp 2,18 so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 50,8% (29,2 nghìn tỷ đồng) và tổ chức tín dụng chiếm 36% (20,7 nghìn tỷ đồng); Lãi suất phát hành bình quân 9,07%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 3,88 năm; 27,3% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 43,6 nghìn tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm ước đạt 87,8 nghìn tỷ đồng, (giảm 4,08% so với cùng kỳ năm trước). Đến hết tháng 5/2024, tổng tài sản ước đạt 948,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 787,5 nghìn tỷ đồng (tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước).
Hải quan mở đợt cao điểm chống buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới 
Thêm 2 cán bộ hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu 
Bắt tạm giam nữ cán bộ hải quan sân bay quốc tế Cam Ranh