Tháng cô hồn, làm ngay những việc này để gặp dữ hóa lành, tránh khỏi tai ương
Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn nên làm những việc này để tránh rước những điều không hay vào nhà.
Tháng cô hồn là tháng 7 Âm lịch hằng năm. Năm 2023, tháng cô hồn sẽ vắt qua 2 tháng Dương lịch, kéo dài từ ngày 16/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 14/9 (tức 30/7 Âm lịch).
Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm vương bắt đầu mở quỷ môn quan cho quỷ đói được trở về dương gian và đến nửa đêm ngày 14/7, quỷ môn quan sẽ đóng lại. Trong thời gian gần nửa tháng đó, mọi người dương thường cúng cháo, gạo… để quỷ đói không quấy phá, gia đình được bình an, việc làm ăn không gặp rắc rối.
Tại nước ta, dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để tài pháp nhị thí cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời.
Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn nên làm 7 việc này để tránh rước những điều không hay vào nhà.
Tăng cường sinh khí trước tháng 7 Âm
Ngay từ bây giờ, gia chủ nên chuẩn bị một số việc cơ bản cho bản thân, gia đình và nơi mình đang sinh sống để đón tháng 7 Âm lịch bình an. Theo các chuyên gia, từ trước đến nay chưa có thống kê nào khẳng định tháng 7 Âm là xui xẻo, nhưng nhiều hoạt động lớn như khai trương, động thổ, mua bán tài sản giá trị lớn… người dân đều né tháng 7 Âm.
Theo quan điểm Phật giáo thì không có ngày tháng nào là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kị hay né tránh. Việc kiêng làm việc lớn trong tháng 7 Âm là theo dân gian, đúng hay sai chưa có nghiên cứu nào kiểm chứng.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng tốt xấu là do con người tự đặt ra, người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến. Con người có niềm tin tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên "quá" mà thành mê tín, bởi trong cuộc sống thành công hay thất bại là do con người.
Với các phật tử, tháng 7 Âm là tháng Vu lan báo hiếu - là khoảng thời gian tốt giúp trau dồi tâm tính và đức hạnh. Rằm tháng 7 Âm chính là ngày chư tăng, ni thêm tuổi hạ, ngày đức Phật hoan hỉ.
Nhưng tháng 7 Âm là thời điểm giao mùa hạ sang thu, mưa nắng thất thường, mưa ngâu sùi sụt khiến con người dễ cảm nhiễm phong hàn, sinh bệnh tật, đau ốm, mệt mỏi... dẫn tới làm việc nhiều khi không chuẩn chỉnh lại đổ cho "tháng cô hồn" xui rủi.
Với nhà cửa, công trình... đang xây dựng nếu dính nước mưa sẽ ảnh hưởng đến mọi việc xoay quanh chất lượng công trình, nguyên vật liệu thi công và cả nhân lực làm việc… Do đó từ xa xưa các cụ đã tránh làm nhà (việc đại sự) vào tháng 7 Âm - có thể vì thế mà thành quan niệm tháng 7 Âm làm gì cũng hỏng.
Để tránh xui rủi, đau ốm, mệt mỏi... dẫn tới hậu quả không tốt, tốn kém cả tiền tài, sức khỏe thì ngay từ bây giờ người dân hãy tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe, năng tập thể dục... cả trước - trong và sau tháng 7 Âm để có sức khỏe tốt đi qua thời điểm giao mùa hạ sang thu, và bạn sẽ thấy tháng 7 Âm không đáng sợ như đã nhầm tưởng.
Chọn ngày đẹp bao sái bàn thờ, tỉa chân nhang
Bàn thờ là nơi kết nối với thế giới tâm linh, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà – và tháng 7 Âm là tháng tri ân, báo hiếu. Do đó trước tháng 7 Âm các gia đình cần bao sái bàn thờ đúng cách, thực hiện những kiêng kị để tránh phạm điều đại kị trong tâm linh và phong thủy.
Thời gian tiến hành bao sái ban thờ nên chọn một ngày phù hợp vào nửa cuối tháng 6 Âm lịch, hoặc tiện ngày nào thì làm ngày đó (cẩn thận thì chọn ngày đẹp, giờ tốt để bao sái).
Người làm nhiệm vụ bao sái ban thờ cần tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương – với ý "xin phép" thần linh và gia tiên, rồi đọc "Văn khấn bao sái ban thờ", sau đó bắt đầu công việc.
Đi chùa và tích đức
Trong tháng cô hồn, nên đi chùa ít nhất một lần để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ngoài ra, khi đi chùa, bạn có thể làm công đức hoặc dọn dẹp, nhổ cỏ cùng các sư trong chùa. Làm những việc này sẽ khiến tâm hồn bạn thư thái và bình an hơn nhiều.
Cùng với đó, bạn nên cố gắng làm thật nhiều việc thiện để tích đức cho bản thân cũng như cho gia đình. Các việc thiện mà bạn có thể làm như: thăm hỏi, tặng quà cho những người ở viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc trẻ em tật nguyền, các bà mẹ Việt Nam anh hùng hay đi quyên góp từ thiện...
Báo hiếu cha mẹ
Rằm tháng Bảy còn là lễ Vu lan báo hiếu - một trong những đại lễ của Phật giáo tổ chức rộng rãi – bắt nguồn từ tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ từ địa ngục ra bằng lòng hiếu thảo.
Theo kinh Vu Lan bồn, Mục Kiền Liên nghe lời Phật dạy đã nhờ hợp lực của chư tăng mười phương mong giải cứu mẹ mình ở cõi ngạ quỷ – và ngày Rằm tháng 7 Âm là tốt nhất để cung thỉnh chư tăng, sắm sửa lễ cúng… nên mẹ ông đã được giải thoát.
Phật cũng dạy rằng sau này chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này – và ngày lễ Vu Lan đề cao lòng hiếu hạnh của con cái với tổ tiên, cha mẹ, ông bà.
Lễ Vu lan người dân nườm nượp đi chùa cầu siêu cho tổ tiên, các đấng sinh thành, thập loại chúng sinh. Nhiều người tự giác ăn chay, bố thí cho người nghèo, phóng sinh tạo phước, cúng dường chư tăng… rồi hồi hướng công đức cho gia tiên và các chúng sinh.
* Thông tin bài viết chỉ có tính tham khảo.
Phó Thủ tướng: 10 tháng có hơn 9.000 người vĩnh viễn không thể trở về nhà 
Doanh số bán nhà mới tại Singapore thấp kỷ lục, tháng 'cô hồn' chỉ 208 giao dịch