Tồn tại giữa mênh mông rừng già, thành cổ đá hội tụ những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và con người nơi đây.
Thành cổ Tà Kơn thuộc vùng đất Vĩnh Sơn, huyện miền núi  Vĩnh Thạnh được xem là “Đà Lạt của Bình Định” bởi khí hậu ôn đới, nằm trên núi cao. Theo Bảo tàng Bình Định, di tích lịch sử danh thắng Tà Kơn nằm ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Vĩnh Sơn chừng 6km về hướng Tây Nam và cách thị trấn huyện Vĩnh Thạnh hơn 50km về phía Nam.
Nhìn qua mắt thường, Tà Kơn không khác gì tác phẩm đắc ý được sắp đặt kỳ khu bởi một thế lực siêu nhiên. Nó là sự ráp nối, xếp đặt kỳ vĩ, san sát, trật tự, lớp lang, vừa khít, bất tận của những khối đá chữ nhật, những trụ đá lục lăng kéo dài thành vệt, thành mảng ốp sát, dán chặt vách núi hun hút.
Những ‘d ấu tích” kỳ bí của đại ngàn
Theo già làng tại Vĩnh Sơn, Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ. Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng Hơ Mon (hát kể sử thi Ba Na) đậm chất huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.
Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ. Nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn.
Bên cạnh truyền thuyết của người Ba Na, có ý kiến cho rằng thành Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật…
Xưa, thành Tà Kơn là nơi cư trú và đã chứng kiến những trận chiến oai hùng chống lại các thế lực bên ngoài của dân làng. Thời kỳ lịch sử hiện đại, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực thành Tà Kơn từng là hậu cứ của du kích và quân chủ lực huyện cho đến năm 1975. Vì những ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng, thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013.
Cũng theo các già làng, thành Tà Kơn là dãy núi đá được hình thành do quá trình phun trào của núi lửa vào thời kỳ Đệ tứ kỷ cách nay hàng triệu năm, quá trình nâng lên của bề mặt trái đất, đã tạo nên những cột đá có dạng hình học xếp liền kề nhau thành một bức tường dài 500-600m, cao 30-40m.
Do bức tường đá chạy thành một vệt dài theo sườn núi giữa núi rừng núi đại ngàn hùng vĩ của Vĩnh Sơn nên ngày xưa gọi là thành, con người đã thổi vào những khối đá kỳ vĩ này sinh khí. Một sức sống nhân văn, một văn hóa cự thạch để đề cao tinh thần bất khuất chống xâm lược.
Tà Kơn gần gũi của hiện tại
Cách đây hơn chục năm, khám phá Tà Kơn còn là trải nghiệm dành cho khách đi tự túc, thích phiêu lưu. Việc tiếp cận thành cổ đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên trì. Giờ, Tà Kơn gần gũi, thân thiện hơn nhờ tuyến đường bê tông dài 3,3km, rộng 2m do Ban Quản lý dự án nông nghiệp - phát triển nông thôn  Bình Định thi công hồi 2022.
Con đường luồn lách xuyên đại ngàn, được Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý, khai thác. Từ trục chính nối huyện lỵ Vĩnh Thạnh với Vĩnh Sơn, muốn rẽ Tà Kơn, du khách phải qua “gác chắn” cơ quan lâm nghiệp.
Cạnh Tà Kơn, thác Lơ Pin hùng vĩ khai sinh bởi dòng chảy nham thạch, dệt bức màn nước sương mờ, đổ xuống từ độ cao trăm mét. Đứng bên thác, khách du lịch sẽ thấy như lạc chốn đào nguyên.
Ngay xã Vĩnh Sơn, cách Tà Kơn không xa là di tích cấp quốc gia Vườn cam Nguyễn Huệ (xếp hạng ngày 16/1/1995). Xuôi xuống quốc lộ 19, là núi Phát Lương, núi Ông Nhạc, Ông Bình. Lên Kbang (Gia Lai), du khách sẽ gặp cánh đồng cô Hầu, điểm khuất phục đàn ngựa hoang Hòn Cong...
Trải qua cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thời cũng như những tàn phá của đất trời nhưng Tà Kơn hôm nay vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp bí ẩn, mạnh mẽ, gan dạ và gai góc. Để đến thành Tà Kơn, từ thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), du khách đi theo tuyến ĐT 637 sẽ lên đến làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Đến đây, rẽ ngang đường rừng, đi khoảng 4km nữa sẽ đến thành Tà Kơn.