Dãy núi trải dài 1.100km của Việt Nam được mệnh danh 'đệ nhất' thiên nhiên Đông Dương: Chạy qua 21 tỉnh thành, đã trải qua 550 triệu năm biến đổi
Với tổng chiều dài hơn 1.100km, đây là dãy núi dài nhất tại Việt Nam, kéo dài từ sông Cả đến miền Đông Nam Bộ.
“ X ương sống” của bán đảo Đông Dương
Dãy Trường Sơn trải dài 1.100 km từ sông Cả đến miền Đông Nam Bộ với tổng diện tích khoảng 22 triệu hécta, từ lâu được ví như “xương sống” của bán đảo Đông Dương . Nằm giữa ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Trường Sơn chia thành hai vùng chính là Bắc và Nam Trường Sơn xuất hiện trong địa đồ của 21 tỉnh thành tại Việt Nam.
Điểm nhấn cho sự hùng vĩ của Trường Sơn là những khối núi đồ sộ thuộc hàng bậc nhất Đông Dương như Hoành Sơn, Bạch Mã, Giăng Màn, Kẻ Bàng, An Khê, Ngọc Linh, Chư Yang Sin… Và nhiều ngọn núi cao khác có thể kể đến như Pu Xai Lai Leng (nằm trên biên giới Việt – Lào, thuộc Nghệ An), Rào Cỏ (biên giới Việt – Lào, Hà Tĩnh), Động Ngài, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hay Ngọc Linh (Quảng Nam).
Tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến vẻ đẹp và sự độc đáo của dãy Bạch Mã. Đây là dãy núi hùng vĩ và là phần ăn ngang của Trường Sơn chạy cắt ra sát biển, nổi bật với đèo Hải Vân trứ danh. Đỉnh cao nhất của Bạch Mã đạt 1.444m là nơi hội tụ nhiều loài động thực vật quý hiếm đặc trưng của miền nhiệt đới. Chỉ cách biển 18 km, dãy núi này mang dáng dấp sinh cảnh và sự đa dạng sinh học độc đáo của Trường Sơn.
Bên cạnh đó, “nóc nhà” Ngọc Linh với đỉnh cao 2.598m cũng là một điểm nhấn khó bỏ qua khi nói về vẻ hùng vĩ của Trường Sơn. Nằm trên cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên với độ cao chỉ đứng sau đỉnh Phan-xi-păng tại Việt Nam, đỉnh Ngọc Linh trải rộng trên địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai, là một phần lớn của Trường Sơn Nam . Đây cũng là đường phân thủy quan trọng, chia hai hệ thống sông: sông Sê San chảy về phía Tây, góp nước cho dòng Mê Kông và hệ thống các sông như sông Cái, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba đổ ra biển Đông.
Bức tường tự nhiên chắn gió biển Đông
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng Trường Sơn chiếm hơn một nửa diện tích rừng Việt Nam với tỷ lệ che phủ trung bình đạt 47,53%, vượt xa mức trung bình cả nước là 39,1%. Trong số bốn tỉnh có độ che phủ rừng trên 60%, ba tỉnh thuộc Trường Sơn gồm Kon Tum (66,7%), Quảng Bình (68%) và Lâm Đồng (61%). Cùng với đó, Trường Sơn chiếm gần 50% diện tích đất cả nước, sở hữu tỷ lệ cao về đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chuyên dụng và đất ở, dù dân số chỉ chiếm hơn một phần tư cả nước với mật độ trung bình 145,5 người/km².
Dãy Trường Sơn nổi bật bởi sự đa dạng sinh học và giá trị địa chất lâu đời, hình thành từ 550 triệu năm trước với tầng đá trầm tích vụ đỏ tại Tây Nguyên. Hóa thạch cây vảy, có niên đại 350 triệu năm được phát hiện ở Quảng Bình, trong khi bể than đá Nông Sơn (Quảng Nam) ra đời vào cuối kỷ Trias cách đây 250 triệu năm. Đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài đặc hữu quý hiếm như sao la, ếch Gai hàm Ngọc Linh và mang Trường Sơn.
Dãy núi dài 1.100km này trải qua nhiều chế độ khí hậu, từ mùa hè oi bức ở chân núi đến khí hậu cận nhiệt đới hoặc ôn đới tại các vùng cao. Sườn Đông Trường Sơn nổi bật với các dải đồng bằng hẹp, hệ thống vũng vịnh phong phú và chế độ thủy triều đa dạng, góp phần bảo vệ sinh cảnh ven biển và là nơi tiếp nhận nhiều loài sinh vật ngoại lai.
Địa hình phức tạp của Trường Sơn không chỉ tạo nên những thử thách cho con người mà còn là môi trường lý tưởng cho sự cư trú và di chuyển của sinh vật. Bên cạnh các loài bản địa, khu vực này còn chứng kiến sự di cư của nhiều loài từ Vân Nam, Tây Tạng , Thái Lan và các đảo trên biển Đông. Các hệ sinh thái đặc trưng như rừng nhiệt đới gió mùa trên đá vôi karst ở Trường Sơn Bắc hay rừng khộp ở Trường Sơn Nam được coi là những dạng sinh thái quý hiếm trên thế giới.
Sự hùng vĩ của Trường Sơn không chỉ là biểu tượng địa lý mà còn tác động mạnh mẽ đến khí hậu của Lào. Với vị trí nằm dọc biên giới Việt Nam và Lào, dãy núi này như một bức tường tự nhiên ngăn chặn gió mùa từ Biển Đông. Trong mùa mưa (tháng 5 - tháng 10), gió mùa đông nam mang hơi ẩm từ biển gặp Trường Sơn và gây mưa lớn ở sườn đông thuộc Việt Nam, trong khi sườn tây thuộc Lào lại nằm trong vùng bóng mưa dẫn đến khí hậu khô hơn.
Ngược lại, vào mùa khô (tháng 11 - tháng 4), gió mùa đông bắc từ Trung Quốc và gió phơn Tây Nam ảnh hưởng rõ rệt đến Lào. Khi gió phơn Tây Nam vượt qua Trường Sơn, không khí bị nén và nóng lên, gây ra hiện tượng "gió Lào" khô và nóng, khiến nhiệt độ tại các vùng đồng bằng và thung lũng của quốc gia này tăng cao.
Ảnh: Internet