Hai loài cây đặc biệt quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ ở điểm Ramsar đầu tiên tại Đông Nam Á của Việt Nam
Kết quả khảo sát cho thấy vườn quốc gia này là nơi sinh sống của 201 loài thực vật bậc cao có mạch.
Hệ sinh thái đất ngập nước giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng tự nhiên, bảo vệ sự phong phú của các loài sinh vật và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những hệ sinh thái này đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững, dẫn đến nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học.
Trong nỗ lực bảo tồn và nghiên cứu, các nhà khoa học từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã hợp tác với các chuyên gia từ Vườn Thực vật Trung tâm Belarus, trong khuôn khổ dự án do Quỹ Nghiên cứu Cơ bản Belarus tài trợ. Dự án mang tên “Đánh giá hiện trạng đa dạng các loài thực vật trong hệ sinh thái dưới nước và đất ngập nước tại Việt Nam và Belarus” tập trung khảo sát tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy – một phần của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Mục tiêu của dự án là xác định mức độ đa dạng của các loài thực vật tại khu vực này, đồng thời đánh giá tình trạng các loài bản địa quý hiếm cần được bảo tồn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm hiểu tiềm năng sử dụng bền vững các tài nguyên thực vật, đặc biệt là những loài cây cung cấp tinh dầu và dược liệu, nhằm đề xuất giải pháp phát triển hợp lý.
Theo Tiến sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh, chủ nhiệm dự án, kết quả khảo sát cho thấy Vườn Quốc gia Xuân Thủy là nơi sinh sống của 201 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, hai loài đặc biệt quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2024 là Cỏ ngạn (nhóm nguy cấp) và Cóc đỏ (nhóm sắp nguy cấp). Đây là phát hiện quan trọng, khẳng định giá trị đa dạng sinh học của khu vực.

Không dừng lại ở việc ghi nhận, nhóm nghiên cứu còn tiến hành phân tích tiềm năng sinh học của các loài thực vật tại đây. Kết quả cho thấy chiết xuất từ lá và tinh dầu của 12 loài có khả năng kháng vi sinh vật, trong khi dịch chiết từ lá của 22 loài thể hiện hiệu quả kháng viêm. Những phát hiện này đã được công bố trên các tạp chí uy tín như Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Thái Nguyên) và Tạp chí Y dược cổ truyền Việt Nam.
Dự án cũng đóng góp vào đào tạo nhân lực khi hỗ trợ một thạc sĩ ngành Dược học và hai cử nhân Hóa dược, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác khoa học Việt Nam - Belarus thông qua các chuyến khảo sát và trao đổi chuyên môn. Tiến sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh nhấn mạnh rằng dự án không chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ quản lý tài nguyên sinh vật tại các vùng Ramsar mà còn đặt nền móng cho các chiến lược bảo tồn hiệu quả trước áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

Tuy nhiên, một số loài thực vật được bảo vệ tại đây lại đang có nguy cơ trở thành loài xâm hại, đặt ra bài toán mới cho công tác bảo tồn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục theo dõi và đề xuất các biện pháp quản lý bền vững, đồng thời mở rộng hợp tác để xây dựng dữ liệu dài hạn hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy về đa dạng sinh học cũng như biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Liên, thành viên Hội đồng khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đánh giá cao dự án khi cho rằng đây là nghiên cứu toàn diện về đa dạng thực vật tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Những kết quả đạt được không chỉ làm rõ thành phần loài và tình trạng bảo tồn mà còn mở ra hướng khai thác bền vững tài nguyên thực vật tại các vùng đất ngập nước ở cả Việt Nam và Belarus.
Được biết, Vườn Quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, được công nhận là vùng Ramsar đầu tiên của Việt Nam vào tháng 1/1989, đồng thời là điểm Ramsar đầu tiên tại Đông Nam Á. Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, với Xuân Thủy là vùng lõi, khẳng định tầm quan trọng của khu vực này trên bản đồ sinh quyển thế giới.