Thanh khoản thị trường đang "bóp" lại, nhà đầu tư cân nhắc trước khi xuống lệnh

09-12-2021 09:07|Minh Thái

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, đà tăng của điểm số đi kèm sự sụt giảm của thanh khoản cho thấy động lực đi lên mới chỉ phần nhiều dựa vào sự tiết giảm của bên bán và thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc để kiểm chứng sự ổn định của bên mua trong một vài phiên tới.

Trong phiên 7/12, thị trường đã hồi phục mạnh sau 3 phiên giảm liên tục trước đó. VN-Index tăng 33,19 điểm (+2,35%) lên 1.146,77 điểm; còn VN30-Index  tăng 31,7 điểm (+2,14%) lên 1512,62 điểm. Riêng chỉ số VNMidcap và chỉ số VNSmallcap tiếp tục tăng mạnh hơn thị trường chung với mức tăng 2,68% và 2,63%.

Lo ngại về biến chủng Omicron giảm bớt cũng kích thích giá dầu hồi phục tốt và nhờ đó, nhóm dầu khí phản ứng tích cực với diễn biến này. Nhóm bất động sản và nhóm xây dựng cũng ghi nhận nhiều mã tăng vượt trội.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là thanh khoản thị trường phiên 7/12 tiếp tục xu hướng giảm với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt 19.600 tỷ đồng - giảm mạnh so với 30.000 tỷ đồng phiên trước đó, đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 21/10. Ở tuần sau dịch trước (29/11 - 3/12), giá trị giao dịch trên HOSE cũng đã giảm 10,5% xuống 148.467 tỷ đồng với khối lượng giao dịch giảm 9,5% xuống 4.834 triệu cổ phiếu.

Bước sang phiên 8/12, VN-Index tăng 6,1 điểm (0,42%) lên 1.452,87 điểm; toàn sàn có 207 mã tăng, 222 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,33 điểm (0,75%) lên 449,74 điểm; toàn sàn có 99 mã tăng, 121 mã giảm và 59 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,44 điểm (0,4%) lên 111,29 điểm.

Thanh khoản có phần được cải thiện với mức tăng 11,2% lên 736 triệu đơn vị khớp lệnh tương ứng giá trị đạt hơn 20.262 tỷ đồng. Tuy nhiên tính chung toàn thị trường thì giá trị giao dịch giảm 4,3% còn 26.507 tỷ đồng. 

Trước diễn biến trên, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, đà tăng của điểm số đi kèm sự sụt giảm của thanh khoản cho thấy động lực đi lên mới chỉ phần nhiều dựa vào sự tiết giảm của bên bán và thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc để kiểm chứng sự ổn định của bên mua trong một vài phiên tới. Trong kịch bản đó, vùng hỗ trợ gần quanh 1.420 điểm và sâu hơn là 1.390 điểm được kỳ vọng sẽ tạo điểm đỡ ngắn hạn cho VN-Index trước khi chỉ số thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn.

Tương tự, SHS và VCBS cũng đánh giá việc thanh khoản tiếp tục suy giảm cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng nhất định sau nhịp giảm mạnh vừa qua, dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

“Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối cùng của năm 2021”, VCBS khuyến nghị.

Phân tích thêm, ông Trần Công Sơn – Giám đốc nghiên cứu MBS cho rằng, thanh khoản sụt giảm tại những vùng điều chỉnh cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu thận trọng trở lại. Cụ thể, khi nhìn lại những đợt điều chỉnh của tháng 1 hay tháng 7/2021 thì đặc điểm dễ nhận thấy là thanh khoản có sự giảm dần đều.

“Những phiên giảm sâu nhưng thanh khoản giảm là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy áp lực bán không quá lớn, nhà đầu tư không bán bằng mọi giá. Theo đó trong tháng 12, sự vận động của nhóm VN30 vẫn sẽ mạnh hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Các nhóm gồm ngân hàng, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp sẽ dẫn sóng và thu hút dòng tiền”, ông Sơn nhận định.

Nhận định chứng khoán phiên 2/1/2025: VN-Index có thể lùi về 1.255 điểm

Chuyên gia nhận định về kinh tế Việt Nam 2025

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-khoan-thi-truong-dang-bop-lai-nha-dau-tu-can-nhac-truoc-khi-xuong-lenh-128968.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thanh khoản thị trường đang "bóp" lại, nhà đầu tư cân nhắc trước khi xuống lệnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH