Thành phố này định hướng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp tương tự Singapore.
Ngày 31/3, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết Quyết định 178 ngày 5/10/2004 của Thủ tướng về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, sau Quyết định 178, Phú Quốc đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Nhờ hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, điện lưới quốc gia từ đất liền được đưa ra đảo..., Phú Quốc đã "thay da, đổi thịt".
Theo ông Hưng, nếu năm 2003 thu ngân sách của Phú Quốc chỉ đạt 38,5 tỷ đồng thì đến năm 2023 mức thu trên 7.800 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần. Năm 2003, khách du lịch đến Phú Quốc chỉ có 130.000 lượt thì năm 2023 đã đạt gần 5,5 triệu lượt, tăng hơn 42 lần. Phú Quốc đang có hơn 700 cơ sở lưu trú, với gần 30.000 phòng, trong đó phòng 5 sao chiếm tới 50%...
>> Thành phố đảo đầu tiên Việt Nam sắp được ‘rót’ 7.000 tỷ làm đường ven biển 
Thu ngân sách của Phú Quốc gấp 200 lần sau 20 năm |
Sau năm 2025, theo quy hoạch, Phú Quốc sẽ thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết, như: Ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải; quản lý đất đai, quy hoạch, chỉnh trang đô thị còn chưa tốt; bộ máy quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị quá nhanh; giá cả dịch vụ chưa được quản lý chặt chẽ; chính sách nhập cảnh, miễn thị thực 30 ngày còn ít so với nhu cầu thực tế của khách quốc tế...
Ngoài chính sách visa như đã nói ở trên, để có thể phát triển đúng tầm, Phú Quốc cần được sự đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt cho môi trường và chỉnh trang đô thị. Ngoài ra, Phú Quốc đang đối mặt với vấn đề quá tải nhân lực, bộ máy biên chế hiện tại không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Sau năm 2025, theo quy hoạch, Phú Quốc sẽ thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. |
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho rằng, cần có cơ chế và chính sách mới cho bộ máy, phù hợp với nhu cầu phát triển của Phú Quốc. Thành phố cũng cần các chính sách đặc biệt và nổi trội để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Ông Hưng kỳ vọng trong 20 năm tới, Phú Quốc sẽ là một thành phố biển đảo hiện đại và phồn thịnh. Với tiềm năng và lợi thế hiện nay, cùng sự quan tâm và đầu tư đúng mức, Phú Quốc sẽ trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, được biết đến không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, tương tự như Singapore.
20 năm thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng, Phú Quốc từ huyện đảo nhiều khó khăn vươn lên trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam |
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết, 20 năm thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng, Phú Quốc đạt được nhiều thành tựu hết sức nổi bật, từ huyện đảo nhiều khó khăn vươn lên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đảo đầu tiên của nước ta.
Quyết định 178 đề ra 4 mục tiêu về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tới nay cả 4 mục tiêu đều đạt và vượt. Phú Quốc đã vươn mình trở thành một trong những điểm tham quan, du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt Phú Quốc trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của Kiên Giang.
Nằm trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 574km2. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, đây cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam (từ ngày 1/1/2021). Địa danh này giáp với TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang và các nước Campuchia, Thái Lan.
Năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Phú Quốc đạt 7.812 tỷ đồng, đạt 135,17% dự toán do HĐND thành phố giao đầu năm, bằng 113,56% dự toán do HĐND thành phố giao điều chỉnh.