Thành phố lớn nhất Việt Nam khảo sát cho thuê vỉa hè tại 123 tuyến phố với mức phí từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng
Mục tiêu chính của đề án quản lý này không chỉ dừng lại ở việc thu phí mà còn giúp quản lý hoạt động kinh doanh trên các khu vực này.
Khảo sát cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, Sở Xây dựng Hà Nội  vừa công bố dự thảo lần thứ ba của Đề án quản lý, khai thác và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Đây là kết quả từ quá trình làm việc chặt chẽ giữa sở và các nhóm chuyên gia cùng sự phối hợp với phòng quản lý đô thị của các quận, huyện và địa phương. Quá trình khảo sát đã được tiến hành tại 123 tuyến phố do UBND 16 quận, huyện đề xuất.
Trong danh sách các địa phương, quận Hoàn Kiếm dẫn đầu với 40 tuyến phố được đề xuất cho thuê vỉa hè. Theo sau là quận Tây Hồ với 16 tuyến và quận Hai Bà Trưng với 12 tuyến. Các quận như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hoàng Mai cũng nằm trong danh sách khảo sát.
Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc sử dụng vỉa hè , Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra 6 tiêu chí cơ bản. Một trong những yêu cầu quan trọng là hè phố phải có bề rộng tối thiểu 3m, ngoại trừ các tuyến phố cổ tại quận Hoàn Kiếm. Lối đi bộ trên vỉa hè phải được duy trì rộng ít nhất 1,5m, đồng thời phải bố trí hợp lý khu vực kinh doanh và trông giữ xe. Các tiêu chí còn bao gồm yêu cầu hoạt động trên vỉa hè phải đảm bảo tính an toàn, văn minh, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay vệ sinh môi trường. Việc cấp phép kinh doanh và trông giữ xe trên vỉa hè sẽ được thực hiện bởi UBND quận, huyện sau khi tham khảo ý kiến cộng đồng để đảm bảo sự đồng thuận.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè hoặc lòng đường để trông giữ xe hoặc kinh doanh. Mức phí sử dụng dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng, căn cứ theo Nghị quyết số 06 của HĐND TP. Quá trình cấp phép và điều chỉnh giấy phép cho thuê vỉa hè hoặc lòng đường sẽ do Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện thực hiện. Những quy định này được thiết kế nhằm duy trì trật tự, an toàn và hiệu quả trong việc khai thác không gian công cộng, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị tại khu vực trung tâm và các khu dân cư của thủ đô.
Cho thuê không chỉ để thu phí
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mục đích của đề án này nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè có trật tự, không đơn thuần chỉ là quản lý để kinh doanh.
“Hiện nay, nhiều vỉa hè đang diễn ra hoạt động kinh doanh nhưng không được quản lý chặt chẽ. Đề án này nhằm đưa ra một cách quản lý bài bản hơn, tạo trật tự rõ ràng. Nếu thu phí được thì đó là một điểm cộng”, ông Công nói.
Ngoài ra, ông Công cũng cho biết đề án sẽ quy định chi tiết công năng sử dụng vỉa hè, giúp phân định rõ ràng các khu vực: “Chỗ nào được để xe, chỗ nào được kinh doanh, tất cả đều phải đảm bảo tuân thủ mô hình đã được phê duyệt. Các vị trí vỉa hè này sẽ được đấu thầu công khai”. Đặc biệt, tại quận Hoàn Kiếm , dự kiến sẽ lắp đặt camera giám sát để quản lý chặt chẽ. "Nếu cá nhân hay tổ chức thuê vỉa hè vượt phạm vi cho phép, họ sẽ bị xử lý ngay", ông Công nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Công, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo trong thời gian tới nhằm tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia và báo cáo tham luận từ quận Hoàn Kiếm - khu vực đã thí điểm thành công việc cho thuê vỉa hè. “Tham luận của quận Hoàn Kiếm sẽ bao gồm báo cáo tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện trong thời gian qua”.
Với bài toán kinh tế vỉa hè, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII đề xuất Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, vỉa hè nào không. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê về diện tích các thành phố vào năm 2022, diện tích cả nước là 99.474,42 km2. Trong đó, Hà Nội có diện tích đạt 3.359,84 km², chiếm hơn 3,3% diện tích cả nước. Với con số ấn tượng này, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam.
>> Từ 2025, người dân được dùng lòng đường, vỉa hè để tổ chức đám tang, đám cưới, trừ cao tốc? 
Hà Nội lại đào xới vỉa hè thay đá lát dịp cuối năm 
Khách Tây ngồi vỉa hè Hà Nội ăn món 'quốc dân', liên tục nói 1 từ